3 triệu lao động nguy cơ mất việc làm do dịch bệnh

Ước tính sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong quý II.
AN CHI
08, Tháng 04, 2020 | 11:02

Ước tính sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong quý II.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tình hình lao động và việc làm đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2019 ước tính đạt 75,4%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02% trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,57%.

Cả nước hiện có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. 

Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ hai của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm tới 70 - 80%.

viec-lam

Hàng triệu người lao động đang đối diện nguy cơ mất việc làm. Ảnh minh họa

Tính từ 1/1 đến 26/3, đã có trên 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: Vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống.

Nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II/2020 sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5 - 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II/2020 sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này được thể hiện ở mức gia tăng thấp của số doanh nghiệp thành lập mới, việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp và sự gia tăng mạnh mẽ của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Riêng trong tháng, số doanh nghiệp thành lập mới là 12.272 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 131.374 tỷ đồng, giảm 1,6% về số doanh nghiệp và chỉ tăng 2,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. 

Điều này cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này đã và đang bị ảnh hưởng đáng kể do dịch Covid-19. Có 2.452 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung quý I/2020, cả nước có 29.711 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt khoảng 351.369 tỷ đồng, tăng 4,4% về số doanh nghiệp và giảm 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt khoảng 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 552.419 tỷ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I đạt khoảng 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đang e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, trong quý I/2020, có 14.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ này của quý I/2019 so với quý I/2018 tăng đến 78,1%. 

Đây là điều đáng lo ngại bởi theo ghi nhận hàng năm thì khoảng thời gian quý I thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát nên doanh nghiệp vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin để có phương án tối ưu nhất.

Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay. Đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. 

Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể. Trong quý I/2020, có 34.889 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2,0% so với cùng kỳ 2019). Trung bình mỗi tháng có 11.630 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng tăng mạnh ở 15/17 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất với 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực dịch vụ việc làm; du lịch có 1.037 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019.

(Theo TheLeader)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ