10 năm tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hết sạch cát

Nhàđầutư
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), trong khi lượng cát đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ từ 2 - 4 triệu m3/năm, nhưng khai thác cát ở đây gấp hàng chục lần nên nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt.
PHÚ KHỞI
05, Tháng 10, 2023 | 09:08

Nhàđầutư
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), trong khi lượng cát đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ từ 2 - 4 triệu m3/năm, nhưng khai thác cát ở đây gấp hàng chục lần nên nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt.

ngan hang cat

WWF - Việt Nam công bố "Ngân hàng cát" tại khu vực ĐBSCL. Ảnh PK

Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL - WWF, dự án "Ngân hàng cát" cho ĐBSCL là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện trên quy mô toàn vùng. Phạm vi nghiên cứu được thực hiện trên 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu với chiều dài trên 550km. Các nghiên cứu tập trung khảo sát, đánh gia, cung cấp số liệu mới nhất về trữ lượng cát trên hai nhánh sông này nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc quản lý khai thác cát bền vững ở ĐBSCL; xây dựng một kế hoạch giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương của ĐBSCL trước biến đổi khí hậu và các tác động của con người.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện tại, trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của vùng ĐBSCL", ông Hà Huy Anh thông tin.

Về số liệu cụ thể về trữ lượng cát tại sông Tiền, sông Hậu (hai nhánh sông lớn của sông Mê Kông), ông Sephehr Eslami, Trưởng nhóm liên danh Deltares nghiên cứu về cát sông cho biết, "Ngân hàng cát" tại ĐBSCL được khởi động từ tháng 3/2022, dự án được thực hiện bởi các chuyên gia từ Liên doanh Deltares (Hà Lan) và các đối tác Việt Nam, bao gồm các hoạt động khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu thứ cấp để ước tính trữ lượng cát hiện có ở ĐBSCL với tầm nhìn 2030 - 2040. "Ngân hàng cát" được xây dựng dựa trên việc xác định bốn yếu tố, đó là: lượng cát đổ về ĐBSCL qua 2 nhánh sông chính; lượng cát đổ ra biển; lượng cát khai thác hàng năm và trữ lượng cát hiện có ở đáy sông.

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng cát từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL hàng năm chỉ 2 - 4 triệu m3, giảm khoảng 2 triệu m3 so với năm 2018; lượng cát đổ ra biển hàng năm khoảng 0 - 0,6 triệu m3.

"Như vậy, tổng trữ lượng cát bồi đắp thêm cho vùng này hiện chưa đến 4 triệu m3/năm nhưng hoạt động khai thác cát hàng năm ở đây từ 35 – 55 triệu m3. Nếu không có giải pháp hạn chế khai thác thì trong vòng 10 năm nữa, toàn bộ trữ lượng cát hiện có ở đáy sông khoảng 367 - 550 triệu m3 sẽ bị khai thác hết. Hệ quả khi nguồn cát bị khai thác cạn kiệt là mức xói lòng sông sẽ sâu thêm từ 0,5 – 1m, thêm 180.000 – 200.000ha bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và biên độ triều sẽ ngập cao hơn", ông Sephehr Eslami nêu cảnh báo.

Theo ông Lương Văn Hùng, Vụ vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng ĐBSCL đang đứng trước  một thách thức lớn, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và duy trì các chức năng sinh thái tự nhiên. Ở ĐBSCL, cát sông, vốn được xem là vật liệu có giá thành rẻ, dễ khai thác tại chỗ đã trở thành thiết yếu trong xây dựng.

khai thac cat nguyen viet

Khai thác cát quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông. Ảnh HX

Từ góc nhìn môi trường, cát sông là thành tố quan trọng của trầm tích cân bằng quá trình lún tự nhiên của đồng bằng, duy trì tính nguyên vẹn và khả năng chống chịu của ĐBSCL trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Khai thác cát sông quá mức được xem là một trong những tác nhân chính gây ra việc thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô.

"Mặc dù hiện nay nhu cầu vật liệu cát phục vụ cho các công trình xây dựng là rất lớn nhưng không vì thế mà tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên này. Số liệu khảo sát đánh giá từ dự án "Ngân hàng cát" do WWF – Việt Nam thực hiện là một cơ sở dữ liệu quan trọng để ngành chức năng, các địa phương tham khảo, qua đó có những giải pháp khai thác, tìm vật liệu thay thế, thay đổi biện pháp thi công công trình nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên cát và khai thác cát bền vững", ông Hùng đề xuất.

Dự án "Ngân hàng cát" được tổ chức WWF-Việt Nam hợp tác cùng Tổng Cục Phòng chống Thiên tai (Hiện nay là: Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai) triển khai từ năm 2019, dự kiến kết thúc vào giữa năm 2024. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Đức thông qua WWF Đức. Dự án sẽ góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế xã hội do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ