'Nan giải' vật liệu cát làm đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long

Nhàđầutư
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 2 tuyến đường cao tốc quy mô lớn đi qua 6 tỉnh, thành với nhu cầu vật liệu cát lên đến hàng trăm triệu m3. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có tỉnh An Giang có thể chủ động được nguồn vật liệu này, còn lại các địa phương khác chưa biết xoay xở thế nào.
AN HÒA
13, Tháng 11, 2022 | 10:05

Nhàđầutư
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 2 tuyến đường cao tốc quy mô lớn đi qua 6 tỉnh, thành với nhu cầu vật liệu cát lên đến hàng trăm triệu m3. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có tỉnh An Giang có thể chủ động được nguồn vật liệu này, còn lại các địa phương khác chưa biết xoay xở thế nào.

cao toc chau doc can tho soc trang

Chỉ tính riêng 2 tuyến đường cao tốc quy mô lớn sắp triển khai tại ĐBSCL thì vùng này cần hơn 40 triệu m3 cát để san lấp.

Thiếu cát xây dựng trầm trọng

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188km đi qua địa phận 4 địa phương là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 44.690 tỷ đồng, được chia làm 4 dự án thành phần vận hành độc lập.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng về việc triển khai dự án này vào ngày 11/11, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP.Cần Thơ với chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.845 tỷ đồng.

Địa phương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư dự án này. Hiện nay, địa phương đã cắm cọc giải phóng mặt bằng được 90%. Dự án đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất. Các đơn vị chuyên môn cũng đã điều tra, thu thập các số liệu và thực hiện xong công tác quan trắc, lấy mẫu thí nghiệm các thông số về môi trường phục vụ cho công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là dự án này cần khoảng 5 triệu m³ cát san lấp, hơn 600 ngàn m³ cát xây dựng nhưng Cần Thơ chưa tìm được nguồn cung cấp.

Chúng tôi đã có trao đổi với 2 địa phương đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền- nơi có nguồn cát xây dựng tốt nhất vùng là An Giang và Đồng Tháp, tuy nhiên 2 địa phương này cho biết chưa đánh giá được trữ lượng và cân đối nguồn cung. Chúng tôi cũng đã cử cán bộ đi tìm kiếm nguồn cát từ Campuchia nhưng việc nhập khẩu cát cũng không dễ dàng gì", ông Hè nêu khó khăn khi triển khai dự án cao tốc tại địa phương.

Trước đó, các địa phương khác: Hậu Giang, Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ GTVT sớm xem xét, hướng dẫn cơ chế, cách tính vận chuyển vật tư đến chân công trình, cũng như cách tính chi phí quản lý đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án. Hướng dẫn định mức xây dựng đồng bộ cho toàn dự án và hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu cho đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, các địa phương cũng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp Bộ TN&MT xem xét công bố danh sách các mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu chất lượng, trữ lượng. Đồng thời, phân chia khối lượng cụ thể cho từng dự án thành phần trước khi áp dụng thống nhất cho các tỉnh trong dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Từ đó làm cơ sở tính toán xác định chi phí xây dựng cho dự án.

Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ TN&MT xem xét sớm triển khai thực hiện dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng ĐBSCL” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu cát san lấp.

Dự án đường bộ tốc Cần Thơ - Cà Mau, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án  có tổng chiều dài hơn 110km, quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, hiện nay các địa phương có dự án đi qua đang khẩn trương thực hiện công tác cấm mốc, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tiến tới triển khai thi công dự án đồng loạt trước ngày 31/3/2023.

Theo ước tính của đơn vị tư vấn nhu cầu cát san lấp toàn tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng và dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau sẽ cần hơn 40 triệu m3 cát.

Như vậy, trong 6 địa phương có đường cao tốc đi qua thì chỉ có duy nhất tỉnh An Giang là có khả năng đáp ứng nguồn vật liệu cát tại chỗ, còn lại 5 địa phương khác đang không biết phải xoay xở thế nào khi vật liệu cát tại chỗ không đủ đáp ứng.

cao toc can vat lieu

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai cũng đang thiếu trầm trọng nguồn cát đắp nền và cát xây dựng. Ảnh TC

Chưa xác định được nguồn vật liệu cát phục vụ cho công trình

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: Nhu cầu cát san lấp cho cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau gần 19 triệu m3, tuy nhiên hiện nay về phía tỉnh An Giang chỉ cam kết cung cấp được khoảng 1 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp thì cho biết do chưa xác định được nguồn nên không dám hứa hẹn gì. Như vậy, chỉ riêng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã không biết tìm đâu ra nguồn cát 18 triệu m3 để san lấp.

Về đánh giá tổng thể nguồn cung cấp cát tại khu vực ĐBSCL hiện nay, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết: Đối với cát sông, nguồn chủ yếu tập trung tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua, được chia theo 2 khu vực: Tại các tỉnh hạ lưu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ) có tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3, công suất khai thác hàng năm 5,7 triệu m3; trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém, lẫn nhiều tạp chất, không bảo đảm các tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.

Tại các tỉnh thượng lưu (An Giang, Đồng Tháp), tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng hơn 23 triệu m3, công suất hàng năm 7,5 triệu m3, trữ lượng còn lại 9,4 triệu m3. Tổng trữ lượng các mỏ cát theo quy hoạch khoảng 88,11 triệu m3 (An Giang hơn 54 triệu m3, Đồng Tháp hơn 33 triệu m3). Tuy nhiên, trữ lượng dự kiến trong quy hoạch được khảo sát từ thời điểm năm 2015 và đã khai thác đến nay nên không còn phù hợp với thực tế. Hiện nay các địa phương đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch nên chưa xác định chính xác trữ lượng và khả năng cung ứng.

Đối với nguồn cát biển, hiện nay tuy theo số liệu đánh giá sơ bộ thì trữ lượng tại các cửa luồng Định An, Trần Đề còn rất lớn nhưng việc sử dụng cát mặn trong xây dựng công trình chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trong buổi làm việc với UBND TP. Cần Thơ liên quan đến việc triển khai đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, tháng 8/2022 các cơ quan chuyên môn mới bắt đầu nghiên cứu, thí nghiệm đưa cát nhiễm mặn vào thi công công trình. Theo tiến độ thì phải đến hết 2023 mới kết thúc thí nghiệm. Như vậy, nếu kết quả nghiên cứu thành công thì nhanh nhất phải đến năm 2024 mới có thể đưa cát nhiễm mặn vào sử dụng, trong khi các dự án đang có nhu cầu san lấp trong năm 2023 là rất lớn.

"Do đó, các chủ đầu tư phải tìm ra phương án khác, khả thi hơn, không thể trông chờ vào nguồn cát của An Giang hay Đồng Tháp. Vì chỉ có 2 địa phương này thì trữ lượng khai thác cũng không nhiều. Chúng ta không thể khai thác đột ngột cả chục triệu m3 cát cùng lúc trên khúc sông, điều này sẽ phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường. Trong trường hợp phải nhập cát từ nước ngoài thì phải tính toán lại chi phí phát sinh, tổng mức đầu tư, nên các chủ đầu tư phải hết sức cân nhắc, chủ động lường trước tình hình trong các phương án tài chính", Thứ trưởng Lê Quang Hùng lưu ý.

Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Jean-Paul Bravard (Đại học Lyon-Pháp) và nhóm nghiện cứu, lượng cát khai thác trên lưu vực sông Mê Kông mỗi năm chỉ được khoảng hơn 50 triệu tấn. Trong đó, Campuchia khai thác 30 triệu tấn; Việt Nam 12,4 triệu tấn; Thái Lan 5,9 triệu tấn; và Lào 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, do nhu cầu cát phục vụ cho công trình xây dựng cao nên nhiều quốc gia có xu hướng khai thác nhiều hơn mức cho phép, dẫn đến tác hại sạt lở, sụt lún và nhiều hiểm họa về môi trường khác.

Theo Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), công suất cấp phép khai thác cát xây dựng cả nước vào khoảng 62 triệu m3/năm nhưng nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3.

Như vậy, nguồn cung cát hợp pháp chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu, do đó đã xảy ra tình trạng thiếu cát xây dựng ở nhiều nơi trong thời gian vừa qua.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ