Xung đột Israel - Hamas: Nhận định về tác động kinh tế toàn cầu và Việt Nam
Tương tự các cuộc giao tranh trước đây ở Trung Đông, xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas nổ ra trong thời gian qua có thể tác động tiêu cực, và thậm chí khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong trường hợp có thêm nhiều quốc gia tham chiến.

Máy bay Israel oanh kích xuống Dải Gaza. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một số nét chính về leo thang căng thẳng Israel - Hamas
Sau hơn một tháng từ thời điểm đầu tháng 10/2023, xung đột Israel - Hamas vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi tình trạng bấp ổn sau đại dịch Covid-19 và những hệ lụy từ xung đột giữa Nga-Ukraine.
Nhìn lại những năm qua, việc Ả Rập Xê-út và Iran xích lại gần nhau cũng như các hiệp ước hòa bình được ký kết giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập mở ra viễn cảnh kết thúc xung đột hàng thập kỷ tại Trung Đông. Song, bạo lực bùng phát giữa Israel và Hamas kể từ ngày 7/10/2023 đã dập tắt kỳ vọng trên. Trong những ngày qua, quân đội Israel liên tục thắt chặt vòng vây Gaza với những cuộc giao tranh khốc liệt.
Bất chấp lời kêu gọi giảm căng thẳng từ cộng đồng quốc tế, xung đột leo thang biến thành nỗi lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động tiêu cực sâu rộng đến giá năng lượng, chi phí lương thực, thương mại toàn cầu.

Từ phía Hamas, họ mong muốn điều gì sau cuộc tấn công vào Israel? Ở phạm vi hẹp, diễn biến căng thẳng có thể kích động các phản ứng như chúng ta đang thấy nhằm làm tổn hại uy tín toàn cầu của Israel cũng như triển vọng hòa bình trong khu vực. Nói cách khác, chiến lược này nhằm tôn vinh những người tử vì đạo của Gaza vì một mục đích lớn lao hơn. Cách thức điều này diễn ra sẽ có tác động nhất định tới cuộc sống người dân, sự cân bằng quyền lực trong khu vực và cả nền hòa bình toàn cầu.
Hệ lụy từ cuộc chiến này có thể khiến kinh tế thế giới tệ hơn, vốn đã bị "vùi dập" bởi hàng loạt cú sốc trong 4 năm qua như đại dịch Covid-19, lạm phát hậu Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine, và giờ là cú sốc mang tên chiến sự "Israel - Hamas". Một câu hỏi đặt ra là xung đột mới này có thể gây ra cú sốc lớn tới mức nào?
Quy mô cú sốc từ cuộc chiến Israel - Hamas
Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới về tác động ngắn hạn của xung đột ở Trung Đông trong Báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa mới đây, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng tới hơn 200 triệu người từ giữa năm 2019 và năm 2021. Cuộc chiến Nga - Ukraine được tiên liệu có thể khiến điều này trở nên tệ hơn, dù số liệu thực chưa được công bố. Điều này một phần do xung đột trên trực tiếp tác động đến giá lương thực, và một phần do giá năng lượng tăng cao. Một sự nhảy vọt nữa về giá năng lượng sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Để trả lời cho câu hỏi tác động từ cuộc chiến Israel - Hamas có thể lớn đến mức nào, chúng ta trước hết cần có lời giải đáp cho hai vấn đề: (1) Xung đột quân sự và sự phân nhánh chính trị có thể lan rộng và nghiêm trọng đến mức nào?; (2) Những hậu quả nào có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu (thông qua thị trường năng lượng)?
Khu vực Trung Đông từ lâu đã được biết tới là trung tâm sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Theo Báo cáo thống kê về năng lượng thế giới năm 2023, khu vực này chứa 48% lượng dự trữ dầu mỏ toàn cầu và đóng góp 1/3 trữ lượng sản xuất dầu mỏ của thế giới trong năm 2022. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, 1/5 nguồn cung dầu thế giới đã đi qua eo biển Hormuz - điểm trung chuyển quan trọng của nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng các cú sốc năng lượng trong quá khứ đã gây thiệt hại đáng kể. Cuộc xâm lược Kuwait của Iraq vào năm 1990 đã làm tăng giá dầu trung bình ba tháng sau đó lên 105%, lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973-1974 đã tăng giá dầu lên 52% và cuộc cách mạng Iran năm 1978 đã tăng giá dầu lên 48%. Tuy nhiên, đến nay, tác động lên giá dầu của các cuộc tấn công của Hamas vào Israel và cuộc chiến ở Gaza vẫn còn tương đối khiêm tốn. Trên thực tế, giá dầu trong tháng 9/2023 đã tiệm cận mức trung bình kể từ năm 1970. Ngoài ra, dầu mỏ đã trở nên ít quan trọng hơn và thị trường dầu mỏ cũng ít bị tổn thương hơn kể từ những năm 1970: cường độ sử dụng dầu mỏ trong sản lượng toàn cầu đã giảm gần 60% kể từ đó; nguồn cung cũng đa dạng hơn; dự trữ chiến lược lớn hơn; và việc thành lập Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cải thiện sự phối hợp giữa các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, dầu mỏ vẫn là nhiên liệu quan trọng cho hoạt động vận tải. Khí đốt tự nhiên từ vùng Vịnh cũng là một phần quan trọng trong nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên toàn cầu. Sự gián đoạn lớn đối với những nguồn cung này sẽ có tác động mạnh mẽ đến giá năng lượng, sản lượng toàn cầu và mức giá chung, đặc biệt là đối với thực phẩm. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra các kịch bản với sự gián đoạn nguồn cung nhỏ, vừa và lớn, cụ thể:
- Kịch bản 1: Nguồn cung sẽ giảm tới 2 triệu thùng/ngày (khoảng 2% nguồn cung thế giới);
- Kịch bản 2: Nguồn cung sẽ giảm 3-5 triệu thùng/ngày;
- Kịch bản 3: Nguồn cung sẽ giảm 6-8 triệu thùng/ngày.
Tương ứng các kịch bản, giá dầu ước tính lần lượt là 93-102 USD, 109-121 USD và 141-157 USD. Theo đó, kịch bản 3 sẽ đưa mức giá thực chạm đỉnh lịch sử giá dầu. Nếu eo biển bị đóng cửa, hậu quả dự kiến sẽ nặng nề hơn. Thế giới vẫn đang trong kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, vì thế một cuộc xung đột ở khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới có thể gây thiệt hại rất lớn.

Tất cả những tác động tiềm tàng phụ thuộc vào mức độ diễn biến của cuộc chiến trong những tuần hoặc tháng tới. Kịch bản thứ nhất, căng thẳng thù địch chủ yếu vẫn giới hạn ở Gaza và Israel. Kịch bản thứ hai, xung đột cũng có thể lan sang các nước láng giềng như Lebanon và Syria, nơi có lực lượng dân quân hùng mạnh được Tehran hậu thuẫn – về cơ bản biến đây trở thành một cuộc chiến "ủy nhiệm" (Proxy War) giữa Israel và Iran. Kịch bản thứ ba, sự kiện xung đột vũ trang cũng có thể leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai bên thù địch trong khu vực.
Trong tất cả các trường hợp, xu hướng hệ quả là như nhau – giá dầu tăng cao, lạm phát trở nên căng thẳng và tăng trưởng chậm hơn – dù mức độ có thể khác nhau. Xung đột càng leo thang, tác động của nó càng lan rộng trên bình diện toàn cầu thay vì chỉ giới hạn trong khu vực.
Tác động kinh tế của xung đột Israel - Hamas theo các kịch bản

- Kịch bản 1: Xung đột giới hạn ở Gaza
Tác động đến nền kinh tế toàn cầu theo kịch bản này sẽ ở mức tối thiểu, đặc biệt nếu Ả Rập Xê-út và UAE có thể bù đắp lượng dầu bị mất của Iran bằng công suất dự phòng của họ. Trong kịch bản này, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1% và lạm phát sẽ tăng không đáng kể, khoảng 0,1%
- Kịch bản 2: Chiến tranh "ủy nhiệm"
Tác động kinh tế toàn cầu trong kịch bản này đến từ hai cú sốc: Giá dầu tăng 10% và động thái né tránh rủi ro trên thị trường tài chính giống như những gì đã xảy ra trong sự kiện "Mùa xuân Ả Rập". Điều này dẫn đến mức tăng 8 điểm của chỉ số VIX, một thước đo được sử dụng rộng rãi để phòng vệ rủi ro. Chúng có thể góp phần khiến tăng trưởng toàn cầu giảm bớt 0,3 điểm % trong năm tới (tương ứng với mức thiệt hại sản lượng khoảng 300 tỷ USD), đưa tăng trưởng dự báo về chỉ còn 2,4%. Bên cạnh cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020 và cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009, đây có thể sẽ là mức tăng trưởng yếu nhất trong ba thập kỷ qua.
Giá dầu cao hơn cũng sẽ làm tăng lạm phát khoảng 0,2 điểm %, khiến lạm phát toàn cầu chạm mốc gần 6%, theo đó duy trì áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt tiền tệ ngay cả trong bối cảnh tăng trưởng còn trì trệ.
- Kịch bản 3: Chiến tranh Iran - Israel
Xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel là kịch bản có khả năng xảy ra thấp nhưng có tính chất nghiêm trọng. Nó có thể là tác nhân gây ra suy thoái toàn cầu. Giá dầu tăng cao và tài sản rủi ro sụt giảm sẽ tác động hết sức bất lợi tới tăng trưởng và làm trầm trọng hơn vấn đề lạm phát.
Ở kịch bản này, căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn cao. Mỹ là đồng minh thân cận của Israel, trong khi Trung Quốc và Nga đang tăng cường quan hệ với Iran. Các giới chức phương Tây lo ngại Trung Quốc và Nga sẽ tận dụng cuộc xung đột để chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực quân sự khỏi các khu vực khác trên thế giới.
Với khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới đến từ vùng Vịnh, giá dầu được dự báo sẽ tăng cao. Giá dầu thô có thể sẽ không tăng gấp 4 lần như năm 1973 khi các quốc gia Ả Rập áp đặt lệnh cấm vận để trả đũa việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc chiến năm đó. Song, nếu Israel và Iran gây hấn với nhau bằng các cuộc bắn tên lửa, giá dầu có thể tăng tương ứng với những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 của Iraq. Với điểm khởi đầu cao hơn nhiều hiện nay, mức tăng đột biến có thể đưa giá dầu lên tới 150 USD/thùng.
Năng lực sản xuất dầu mỏ dự phòng ở Ả Rập Xê-út và UAE có thể khó cứu vãn tình thế nếu Iran quyết định đóng cửa eo biển Hormuz. Cũng sẽ có sự chuyển dịch né tránh rủi ro cực đoan hơn trên thị trường tài chính, có lẽ có thể so sánh với mức tăng đột biến 16 điểm của VIX vào năm 1990.

Từ các con số trên, Bloomberg Economics dự báo mức tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 1%, đưa mức của năm 2024 giảm xuống còn 1,7%. Bên cạnh đó, việc đánh giá về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng không đơn giản, bởi lẽ sự mở rộng nhanh chóng của các nền kinh tế như Trung Quốc đồng nghĩa việc suy thoái hoàn toàn là rất hiếm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng toàn cầu 1,7% sẽ đồng nghĩa với việc chạm mốc suy thoái. Một lần nữa, bỏ qua cú sốc Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu, con số 1,7% này cũng sẽ là mức tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ năm 1982 - giai đoạn FED tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát từ cú sốc dầu mỏ những năm 1970. Đáng chú ý, một cú sốc dầu lớn như trên cũng sẽ làm chệch hướng nỗ lực kiềm chế giá cả trên toàn thế giới, khiến cho lạm phát toàn cầu có thể lên đến 6,7% trong năm tới.
Đối với kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp của chiến sự Israel-Hamas có thể sẽ không lớn, theo cả kênh thương mại, đầu tư và du lịch. Dù vậy, một số tác động của xung đột có thể nhìn nhận là ảnh hưởng đối với lạm phát, tăng trưởng GDP, lãi suất, tỷ giá, thị trường chứng khoán, bất động sản và giá vàng cuối năm 2023 và năm 2024 của Việt Nam. Giá dầu tăng do xung đột lan rộng sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu và trong nước. Lạm phát tăng sẽ làm giảm sức mua của người dân, giảm tăng trưởng GDP, và tăng tỷ giá VND/USD. Lạm phát tăng cũng làm tăng lãi suất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường chứng khoán và bất động sản trong nước. Đồng thời, chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá vàng thế giới tăng do giá dầu tăng (cùng với tỷ giá VND/USD tăng) sẽ làm tăng giá vàng trong nước.
TS. Phạm Đức Anh, Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng
- Cùng chuyên mục
Mỹ áp thuế 20% với Việt Nam, nhà đầu tư nên có chiến lược giao dịch thế nào?
Giới chuyên gia khuyến nghị các nhịp điều chỉnh có thể được xem là cơ hội mua vào, song cần hạn chế giải ngân ở những cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ thuế quan như xuất khẩu gồm dệt may, thủy sản, đồ gỗ... hay bất động sản khu công nghiệp.
Tài chính - 03/07/2025 07:47
UBCKNN tin tưởng chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào tháng 9/2025
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch UBCKNN tin tưởng các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đồng thuận với việc nâng hạng TTCK Việt Nam vào kỳ tháng 9/2025.
Tài chính - 02/07/2025 22:36
Ngân hàng nào đang cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất ưu đãi nhất?
Trong bối cảnh nhu cầu sở hữu nhà ở ngày càng gia tăng, nhiều ngân hàng đang chạy đua triển khai các gói vay ưu đãi với mức lãi suất rất thấp.
Tài chính - 02/07/2025 17:04
Những lời hứa của lãnh đạo doanh nghiệp về cổ phiếu
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra lời hứa nỗ lực hết mình để đưa công ty đi lên, cổ phiếu về giá trị thực, mang lại niềm tin cho cổ đông trong mùa đại hội 2025.
Tài chính - 02/07/2025 06:59
Bán dự án Lam Hạ, DIC Corp dự thu hơn 1.100 tỷ đồng
DIC Corp bán toàn bộ dự án Lam Hạ dự thu 1.114 tỷ đồng và ước lãi khoảng 300 tỷ đồng. Đối tác mua chưa được tiết lộ.
Tài chính - 01/07/2025 17:12
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2025: Gió đã thuận chiều?
Các chuyên gia đánh giá, dù còn những khó khăn từ bên ngoài nhưng các chính sách thúc đẩy nền kinh tế trong nước sẽ là động lực lớn giúp thị trường chứng khoán tích cực hơn trong 6 tháng còn lại của năm 2025.
Tài chính - 01/07/2025 13:45
DNSE bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới
Bà Nguyễn Ngọc Linh vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Công ty CP Chứng khoán DNSE từ ngày 1/7/2025, theo Nghị quyết vừa công bố của HĐQT DNSE.
Tài chính - 01/07/2025 11:16
Doanh nghiệp niêm yết ngày càng nhận thức cao về công bố thông tin
Năm 2025, số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin là 460 đơn vị, đạt tỷ lệ 67% - cao nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm IR Awards.
Tài chính - 01/07/2025 10:53
Bộ Tài chính đề xuất thu thuế ngay khi nhận cổ tức bằng chứng khoán
Tại dự thảo sửa Nghị định 126 quy định một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính cho rằng cần quy định rõ thời điểm khấu trừ, kê khai thuế với thu nhập từ cổ tức, thưởng bằng chứng khoán để hạn chế lợi dụng chính sách, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tài chính - 01/07/2025 08:00
CII chuẩn bị phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%
CII thông báo được UBCKNN chấp thuận việc phát hành 77 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 14% cho cổ đông. Doanh nghiệp sẽ không tạm ứng cổ tức tiền mặt quý III.
Tài chính - 30/06/2025 16:02
Khẩn trương triển khai các biện pháp để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức quốc tế.
Tài chính - 30/06/2025 09:04
Tăng trưởng tín dụng cao có thể trở thành 'con dao 2 lưỡi'
Chuyên gia cảnh báo, nếu tăng trưởng tín dụng không đi kèm với cải thiện năng suất và tiêu dùng, nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn: lạm phát gia tăng – tỷ giá mất ổn định – niềm tin suy giảm – đầu tư chững lại.
Tài chính - 29/06/2025 07:40
Về với T&T Group, Vietravel Airlines bắt đầu có máy bay riêng
Vietravel Airlines vừa đón chiếc máy bay thuộc quyền sở hữu đầu tiên và trong tháng 7 sẽ nhận thêm 2 tàu bay nữa. Hãng sẽ được tăng vốn lên 2.600 tỷ đồng để thực hiện hóa tham vọng mở rộng.
Tài chính - 29/06/2025 07:00
Loạt dự án tỷ USD của Novaland được tháo gỡ pháp lý
Từ giữa tháng 6 đến nay, Novaland liên tục đón tin vui hoàn thiện pháp lý then chốt từ 2 dự án tỷ USD gồm Aqua City và NovaWorld Phan Thiet.
Tài chính - 29/06/2025 07:00
Cú hích từ những thương vụ 'bom tấn'
Những thương vụ chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), niêm yết mới hay chuyển sàn... được kỳ vọng trở thành lực đẩy quan trọng với thị trường chứng khoán.
Tài chính - 28/06/2025 11:58
Cổ phiếu Taseco Land được chấp thuận niêm yết trên HoSE
Việc niêm yết cổ phiếu TAL lên sàn HoSE đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.
Tài chính - 28/06/2025 08:53
- Đọc nhiều
Đáng đọc
- Đáng đọc
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Bộ tứ trụ cột' để giúp đất nước cất cánh
Sự kiện - Update 1 month ago
Thủ tướng: Cần truyền cảm hứng cho doanh nhân cống hiến vì đất nước
Sự kiện - Update 1 month ago
Chuyên gia: Không nên quá ‘hoảng loạn’ với con số thuế 46% từ Mỹ
Tài chính - Update 2 month ago