Xử lý chồng chéo thanh tra để tránh '9 tháng tiếp 29 đoàn'

Luật Thanh tra (sửa đổi) cần giải quyết được những bất cập để phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, thời gian, chồng chéo như hiện nay.
NGỌC THÀNH
26, Tháng 10, 2022 | 07:53

Luật Thanh tra (sửa đổi) cần giải quyết được những bất cập để phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, thời gian, chồng chéo như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4. Dự án luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Thanh tra và kiểm toán kết luận trái ngược nhau thì xử lý thế nào?

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, quy định xử lý chồng chéo là cần thiết, để làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị bị thanh tra, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh vì "khi đã có một đoàn thanh tra vào thì các đối tác ký hợp đồng đều rất dè dặt và rất khó khăn".

"Việc thanh tra, kiểm toán đều có kế hoạch nhưng đến lúc triển khai kế hoạch mới phát hiện chồng chéo thì lúc đó thôi hay bổ sung vào kế hoạch đã được xây dựng từ trước? Việc này tôi nghĩ cần phải xem xét và cần phải quy định thật rõ và thật cụ thể", ông Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.

ta_van_ha_thao_luan_luat_thanh_tra

Đại biểu Tạ Văn Hạ.

Ông cũng băn khoăn trường hợp thanh tra kết luận như thế này, nhưng kiểm toán kết luận khác, thậm chí là trái ngược thì xử lý như thế nào, chế tài cho vấn đề này ra sao, cũng như trách nhiệm của trưởng đoàn, của người ra kết luận.

Liên quan đến chậm ban hành kết luận thanh tra, ông Tạ Văn Hạ cho biết có những cuộc thanh tra từ những năm 2015-2016 nhưng đến năm 2021 vẫn giải quyết vấn đề chậm ban hành kết luận. Vậy nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục như thế nào và chế tài ra sao?

Phản ánh có địa phương trong 9 tháng đầu năm đã tiếp và làm việc với khoảng 29 đoàn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định, điều đó ít nhiều đã làm hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn bị ảnh hưởng, bởi bình quân một cuộc thanh tra có thời gian từ 10 đến 30 ngày.

"Vấn đề này đặt ra yêu cầu làm sao Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này giải quyết được những vấn đề còn bất cập để có thể phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, thời gian và tạo sự chồng chéo như hiện nay", bà Phúc nhấn mạnh và lưu ý có đủ điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, chia sẻ thông tin trong phối hợp thanh tra và xử lý các vụ việc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo luật quy định rõ mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất, tránh chồng chéo giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước, kể cả các trường hợp có phát sinh chồng chéo theo phản ánh của các địa phương và các bộ, ngành thành thì Tổng Thanh tra và Tổng Kiểm toán sẽ ngồi để thống nhất theo các quy định hiện hành.

Phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm sang cơ quan điều tra

Dẫn quy định "Người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm", đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng thể hiện như vậy còn 4 hạn chế.

do_duc_hong_ha_thao_luan_luat_thanh_tra

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà.

Thứ nhất, theo ông là không thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng, vì cả hai văn bản luật này đều quy định "phải chuyển ngay" các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra và việc chuyển này là trách nhiệm chứ không phải nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.

Thứ hai là không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản; cũng không bảo đảm thực hiện nguyên tắc mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh.

Ba là không thể hiện thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Quốc hội và mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát của Nhân dân đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra.

Bốn là không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng trong tình trạng hiện nay, cũng không khắc phục có hiệu quả được tình trạng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.

"Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả", ông Đỗ Đức Hồng Hà lưu ý và đề nghị bổ sung các cụm từ để đảm bảo thống nhất.

Cũng đề cập nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) phản ánh thực tế hiện nay đang có sự lấn cấn trong việc khi nào sẽ chuyển hồ sơ nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay hay sau khi đã kết thúc việc thanh tra.

"Tôi đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết", bà Yến Nhi nêu quan điểm.

Ở góc độ khác, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đánh giá, hiện nay tỷ lệ thu hồi sau kết luận thanh tra tương đối tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh tra.

"Tôi đề nghị cần trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm, kể cả ngay trong quá trình thanh tra chứ không phải chúng ta chờ sau kết luận thanh tra chúng ta mới ban hành các quy định để xử lý", ông Mai Văn Hải đề xuất.

(Theo VOV)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ