Vốn FDI vào Việt Nam có “rút lui” khi Fed tăng lãi suất?

Nhàđầutư
Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) vừa quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%/năm, lên 1,25%/năm. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp trong vòng sáu tháng qua. Tốc độ tăng trên đã được dự báo trước ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Điều này liệu có ảnh hưởng tới dòng FDI vào Việt Nam?
HUY TOÀN
15, Tháng 06, 2017 | 10:20

Nhàđầutư
Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) vừa quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%/năm, lên 1,25%/năm. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp trong vòng sáu tháng qua. Tốc độ tăng trên đã được dự báo trước ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Điều này liệu có ảnh hưởng tới dòng FDI vào Việt Nam?

Lap rap xe hoi

Việc Fed tăng lãi suất không có ảnh hưởng rõ rệt tới dòng FDI vào Việt Nam  

Động thái tăng lãi suất của Fed luôn được cho là sẽ ảnh hưởng tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường mới nổi như Việt Nam. Bởi về lý thuyết, khi lãi suất của Mỹ tăng lên sẽ kéo theo giá trị đồng USD tăng lên, giá trị tài sản được tính bằng đồng USD tăng lên, cùng với đó lợi suất trái phiếu Mỹ cũng tăng theo, giá trái phiếu giảm. Điều này sẽ thu hút nguồn vốn lớn đầu tư từ nước ngoài, các dòng vốn được dự báo sẽ rời khỏi những thị trường mới nổi như Việt Nam để trở về Mỹ.

Nhưng trên thực tế liệu ảnh hưởng này có thực sự rõ nét? Để có được kết luận chính xác hơn, chúng ta cần phải nhìn lại diễn biến của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong quá khứ xung quanh thời điểm Fed tăng lãi suất.

Tại thời điểm tháng 12/2016 sau khi Fed tăng lãi suất lên 0,75%/năm, tính đến ngày 20/3/2017, so với cùng kỳ năm 2016, cả nước có 493 dự án FDI được cấp mới (tăng 4,2%) với tổng vốn đăng ký là 2,92 tỷ USD (tăng 6,5%); có 223 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư (tăng 9,9%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD (tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016) và 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 48,3%) với tổng giá trị góp vốn là 853 triệu USD (gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2016). Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD (tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước đó). Vốn thực hiện đạt 3,62 tỷ USD (tăng 3,4%).

Sau khi Fed tăng lãi suất lên 1,0% vào tháng 3/2017, tính đến ngày 20/5/2017 và so với cùng kỳ năm 2016, cả nước có 939 dự án FDI được cấp mới (tăng 3,5%) với tổng vốn đăng ký đạt 5,60 tỷ USD (giảm 26,1%); có 437 dự án tăng vốn (tăng 2,8%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,74 tỷ USD (tăng 83,0%) và 2.061 dự án góp vốn, mua cổ phần (tăng 34,4%) với tổng giá trị góp vốn 1,79 tỷ USD (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016). Như vậy, tính tới ngày 20/5/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 12,13 tỷ USD (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016). Vốn thực hiện đạt 6,15 tỷ USD (tăng 6,0%).

Xét theo đối tác đầu tư, tốp 5 quốc gia có tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam cao nhất đều là các nước nằm trong khu vực châu Á. Tính đến ngày 20/5/2017, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Đài Loan là 5 nền kinh tế có tổng vốn đăng ký vào Việt Nam với tỷ trọng đầu tư cao nhất, lần lượt là 36,4% (4,42 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ 2016), 16,0% (1,95 tỷ USD, tăng hơn 3 lần), 10,2% (1,24 tỷ USD, tăng 36,5%), 8,3% (1,01 tỷ USD, tăng hơn 2 lần) và 6,8% (827,7 triệu USD, giảm nhẹ 2,1%). Đây cũng chính là 5 nước đứng đầu về vốn đăng ký vào Việt Nam trong cả năm 2016 và đều là các quốc gia và vùng lãnh thổ có lợi thế về vị trí địa lý khi đầu tư vào Việt Nam.

Trong số trên, Nhật Bản và Trung Quốc là 2 nước có lượng vốn đăng ký vào Việt Nam tăng đột biến trong 5 tháng đầu năm nay, với Nhật Bản từ đứng thứ 5 cùng kỳ năm ngoái tăng lên vị trí thứ 2, Trung Quốc từ vị trí thứ 7 tăng lên vị trí thứ 4.

Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình với mức lãi suất âm 0,1% để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Bất chấp việc Fed tăng lãi suất, Thống đốc Kuroda nhấn mạnh Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) sẽ không “nối gót” Fed trong việc nâng lãi suất trong tương lai gần. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,25% từ tháng 6/2016 tới nay. Việc cùng duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ góp phần thúc đẩy dòng vốn FDI của những quốc gia này vào Việt Nam.

bang

                                              Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn gia tăng bất chấp việc Fed tăng lãi suất                                                                     (Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài và tổng hợp)

Những con số trên chưa cho ta thấy được bằng chứng về ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất lên nguồn vốn FDI vào Việt Nam từ các đối tác đầu tư châu Á trong ngắn hạn, do không xuất hiện một xu hướng giảm rõ ràng trong lượng vốn đăng ký qua các tháng sau khi lãi suất tại Mỹ tăng.

Nếu xét nguồn vốn từ các nhà đầu tư châu Âu, trong năm 2016, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực đồng Euro đạt 750,71 triệu USD, chiếm 3,1% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ khu vực đồng Euro đạt 611 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Phân tích các số liệu của dòng vốn Euro cũng cho ta thấy ảnh hưởng không rõ ràng của việc Fed tăng lãi suất lên đầu tư của khu vực này vào Việt Nam.

Đối với những nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 96 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, giữ nguyên tỷ trọng 0,8% tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng cho thấy việc Fed tăng lãi suất không tác động lớn đến dòng vốn FDI từ Hoa Kỳ.

Với những con số thống kế trên, có thể thấy số dự án và số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng lên và ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất tới dòng vốn FDI vào Việt Nam không thực sự rõ nét, ít nhất là trong ngắn hạn.

Để lý giải cho điều trên, thứ nhất, việc Fed tăng lãi suất thường đã được thị trường dự báo từ sớm trước đó và kỳ vọng thị trường cao thường đúng. Khi đó, các nhà đầu tư đã có những động thái đón đầu từ sớm, vì vậy rất ít khi xảy ra một diễn biến đột ngột trong việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

Thứ hai, nguồn vốn FDI vào Việt Nam phần lớn là ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với tỷ trọng đầu tư luôn xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lâu dài. Do đó, không thể vì việc lãi suất tăng lên mà doanh nghiệp lại ngừng triển khai dự án đã được nghiên cứu và hoạch định từ lâu để chuyển vốn sang nơi khác đầu tư.

Thứ ba, như đã phân tích ở trên, các nhà đầu tư đến từ châu Á chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam lại không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc Fed tăng lãi suất, mà ngược lại đang được chính sách tiền tệ tại nước họ ủng hộ. Trong khi đó các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ lại không có tác động tiêu cực và đáng kể, do tỷ trọng FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam thấp.

Một điều nữa là Hiệp định đối tác kinh tế TPP không có Mỹ đang được các quốc gia thành viên khác ủng hộ kết nối lại, nếu thành công, cơ hội thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ còn gia tăng.

Việt Nam có rất nhiều điểm mạnh trong việc thu hút vốn đầu tư FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như: tình hình chính trị và an ninh ổn định; vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc giao thương với thế giới và nằm trong trung tâm kết nối của khu vực; thêm nữa, với dân số lên tới 92 triệu người, Việt Nam có một lợi thế to lớn về nguồn lao động dồi dào và tay nghề chất lượng với chi phí lao động cạnh tranh. Bên cạnh đó, thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện cùng với quá trình hội nhập quốc tế, đảm bảo cho các nhà đầu tư triển vọng đầu tư dài hạn.

Bởi vậy, thông qua những lễ ký kết các dự án liên kết với đối tác nước ngoài trong chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua và với lợi thế sẵn có của mình, Việt Nam dự kiến vẫn sẽ tiếp tục thu hút mạnh vốn đầu tư FDI trong năm nay mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc điều chỉnh lãi suất của Fed.

Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý việc dòng vốn FDI từ Trung Quốc tăng mạnh. Sự gia tăng của nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang kéo theo nỗi lo về công nghệ và môi trường vì khi doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đổi sang sản xuất công nghệ cao thì sẽ dư thừa rất nhiều công nghệ cũ và không loại trừ họ sẽ chuyển giao các công nghệ này sang Việt Nam. Trong khi đó, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam lại không cao nên dễ dàng trở thành bãi rác công nghệ của nước này.

Bên cạnh nguy cơ nhập khẩu công nghệ, máy móc lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, một mối nguy khác được các chuyên gia chỉ ra khi các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc ồ ạt đặt nhà máy ở Việt Nam, đó là nguy cơ bị kiện bán phá giá. Hiện Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn trên toàn cầu nên nước này đang thực thi chính sách đẩy sản xuất sang nước khác để giảm thặng dư thương mại và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực thực hiện chính sách này. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp thép, gỗ, may mặc… đang sản xuất ở Việt Nam được gắn mác “made in Vietnam” song thực chất toàn bộ dây chuyền máy móc, công nghệ, nguyên liệu… lại được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do vậy, giá trị gia tăng mà Việt Nam được hưởng từ những dự án đầu tư này có thể rất thấp trong khi môi trường và các doanh nghiệp nội địa sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ