Việt Nam sẵn sàng đón làn sóng đầu tư thế hệ mới

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang ở chân làn sóng thứ tư sau khi quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 9/2023.
MINH TUẤN
10, Tháng 02, 2024 | 16:03

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang ở chân làn sóng thứ tư sau khi quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 9/2023.

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư

Sau hiệu ứng gia nhập WTO, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam suy giảm trong vòng gần 1 thập kỷ kể từ năm 2008 và tăng trở lại kể từ năm 2017. Do tác động của đại dịch Covid-19, vốn FDI đăng ký sụt giảm trong giai đoạn 2020-2022. Tuy nhiên, vốn FDI đăng ký bật tăng 32,1% so với cùng kỳ lên 36,6 tỷ USD trong năm 2023, chỉ thua mức 38 tỷ USD của năm 2019 - mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.

FDI Vietnam theo nam3

 

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành thu hút được quan tâm nhiều nhất, chiếm trên 50% tổng số vốn đăng ký trong giai đoạn 2021-2023 và đạt mức cao nhất (64,2%) trong giai đoạn 2016-2023. Năm 2023, ngành này duy trì vị thế dẫn đầu, thu hút hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64% tổng vốn FDI đăng ký và tăng gần 40% so với năm trước. Trong đó, nguồn vốn đăng ký cấp mới đạt gần 15,85 tỷ USD, gấp hơn 2 lần lượng vốn cấp mới trong năm 2022.

FDI nganh

 

Điểm khác biệt rõ rệt của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây là chất lượng được nâng lên. Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay đã được chọn lọc kỹ càng hơn theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ mới nổi và có hiệu ứng lan tỏa.

Nhờ nhiều lợi thế, nước ta đã thu hút một loạt dự án FDI thuộc các ngành sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip. Tiêu biểu là: Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Bắc Ninh; Foxconn đầu tư 1,5 tỷ USD vào Thanh Hóa và 300 triệu USD để sản xuất iPad, AirPods tại Bắc Giang; Luxshare-ICT đầu tư thêm 330 triệu USD mở rộng nhà máy sản xuất tại Bắc Giang; Hana Micron mới khánh thành nhà máy chất bán dẫn trị giá 600 triệu USD tại Bắc Giang và dự kiến nâng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD vào năm 2025.

Một xu hướng khác là một số nhà đầu tư nước ngoài tập trung khai thác thị trường nội địa Việt Nam thay vì hướng đến xuất khẩu. Trong đó, các nhà bán lẻ Nhật Bản như Uniqlo, Muji, Sasuko và Aeon liên tục công bố kế hoạch mở rộng ở nước ta. Mới đây nhất, Aeon công bố kế hoạch đầu tư thêm 500 triệu để xây mới hai trung tâm thương mại tại Cần Thơ và Bắc Giang.

Ông Ryotaro Hagiwara, Trưởng phòng nghiên cứu, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, nếu như trước đây FDI từ Nhật Bản ở Việt Nam chủ yếu là chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu, thì gần đây, các doanh nghiệp xứ “Mặt trời mọc” quan tâm nhiều hơn đến bất động sản và bán lẻ nhằm khai thác tiềm năng phát triển của thị trường nội địa. Ngoài ra, nhà đầu tư Nhật còn quan tâm đến chuyển đổi số và kinh tế xanh.

Một sự dịch chuyển đáng chú ý khác là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng đều và mạnh trong vài năm trở lại đây, nhất là sau khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được đẩy lên mức mới dưới thời Tổng thống Donald Trump. Làn sóng trở lại của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ... đang là trọng tâm chuyển dịch đầu tư. Đồng thời, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét.

Động lực đầu tư từ hội nhập và nâng cấp quan hệ

Cho đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ kín các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế. Vị thế cởi mở với hội nhập toàn cầu này giúp nước ta thu hút được dòng vốn FDI bền vững trong những năm qua bất chấp sự suy giảm hoạt động đầu tư trên toàn cầu.

Với ngoại giao chính trị đóng vai trò mở lối cho ngoại giao kinh tế, việc nâng cấp quan hệ với một số cường quốc kinh tế như Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong vòng một năm trở lại đây và các cuộc thăm viếng cấp cao đã tạo thêm xung lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của nguyên thủ các nước cũng như các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo nước ta, nhiều thỏa thuận, văn bản hợp tác trong lĩnh vực đầu tư được ký kết.

Việc nâng cấp quan hệ với các đối tác kinh tế lớn tạo kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao vào Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9/2023, hai nước đã thỏa thuận về hợp tác toàn diện, phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn giữa hai quốc gia. Trong khi đó, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản trung tuần tháng 12 đã mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Với một loạt thỏa thuận hợp tác được công bố, chuyến công tác được đánh giá là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào các lĩnh vực mới tại Việt Nam trong tương lai gần.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường và thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng là nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao. Việc nước ta nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Trong năm 2023, nước ta đã ký hiệp FTA với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp.

Đón dòng đầu tư chất lượng cao

Theo các chuyên gia phân tích và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tiếp tục là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong thời gian tới khi dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất. Rủi ro địa chính trị trên thế giới và sự chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư, bao gồm doanh nghiệp Mỹ, chọn Việt Nam là thị trường mới để đặt nhà máy, hoặc xem xét chiến lược Trung Quốc+1.

Chinh Hana Micron Vina

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina tại Bắc Giang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đặc biệt, chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội có thể sẽ là đem đến một cơ hội, kích thích các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, mở ra làn sóng FDI lần thứ tư, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa doanh nghiệp và cơ quan chính phủ hai nước trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn. Trong chuyến công tác tại Mỹ cuối tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Nvidia, Tesla, Microsoft… Kết quả từ các nỗ lực mời gọi “đại bàng” là trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 12, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia, ông Jensen Huang, đã cam kết biến Việt Nam thành “quê hương thứ hai” và thành lập pháp nhân tại đây.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), nhắc lại việc có một đoàn doanh nghiệp hùng hậu nhất từ trước đến nay tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm Hà Nội tháng 6/2023. Ông Hong Sun nhấn mạnh các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các ngành khoa học công nghệ cao như chất bán dẫn để đáp đứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Trước những lo ngại về năng lực tiếp nhận dòng vốn mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và nguồn nhân lực để làm chủ và đón làn sóng đầu tư vào ngành bán dẫn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ