VIB đặt kế hoạch lợi nhuận 7.500 tỷ

Nhàđầutư
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của VIB cũng thông qua phương án tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và phát hành chào bán cổ phiếu, dự kiến lên mức 16.000 tỷ đồng.
NHÂN TÂM
24, Tháng 03, 2021 | 13:33

Nhàđầutư
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của VIB cũng thông qua phương án tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và phát hành chào bán cổ phiếu, dự kiến lên mức 16.000 tỷ đồng.

15T

Quang cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2021 của VIB. Ảnh: VIB.

Sáng ngày 24/3/2021, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Báo cáo các cổ đông tại ĐHĐCĐ, HĐQT VIB cho biết, tổng tài sản của ngân hàng năm 2020 tăng trưởng 33%, đạt 245 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42% so với năm 2019, đạt 5.803 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROE) đạt 30%, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống dưới 1,5%. 

Bên cạnh đó, tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng, trong đó trên 95% dư nợ bán lẻ có tài sản đảm bảo.   

Trong năm 2021, VIB đề ra kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 26% lên trên mức 300 nghìn tỷ đồng. Về dư nợ tín dụng, tùy thuộc hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng nhà nước phê duyệt, ngân hàng đặt mục tiêu đưa dư nợ tín dụng lên 225 nghìn tỷ đồng, tương đương 31%. Huy động vốn đạt 235 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng của tín dụng.

Về lợi nhuận, các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua kế hoạch lãi ròng 7.500 tỷ đồng, tức tăng trưởng 29,2% so với thực hiện năm 2020.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung đáng chú ý là việc ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn thông qua 2 nguồn, gồm: Chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (4.274 tỷ), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (163,3 tỷ). Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến phát hành chào bán tối đa 46,6 triệu cổ phiếu VIB sau khi hoàn thành phương án tăng vốn nêu trên. 

Tính ra, vốn điều lệ VIB sau các đợt tăng vốn sẽ lên đến gần 16.000 tỷ đồng. 

Về phương án sử dụng vốn tăng thêm, VIB sẽ dùng 4.903 tỷ đồng tiền huy động để tăng cường cấp tín dụng (4.403 tỷ); đầu tư tài sản thanh khoản (300 tỷ); đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, năng lực quản trị rủi ro (100 tỷ); đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh (100 tỷ).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, các cổ đông VIB đã đặt một số câu hỏi với Đoàn Chủ tọa.

Tỷ lệ nợ xấu năm 2019 là 1,7%, đến năm 2020 giảm xuống 1,5%, vậy con số nợ xấu về giá trị tuyệt đối là tăng hay giảm?

Ông Hoàng Linh – Giám đốc Ban dịch vụ tài chính VIB: Tổng số nợ xấu năm 2020 về mặt giá trị tuyệt đối dù chưa có mức cụ thể nhưng có thể nói là cao hơn so với năm 2019. Xét theo so với tổng dư nợ tín dụng, thì tỷ lệ nợ xấu đã giảm.

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB, cũng khẳng định nợ xấu ngân hàng không lớn. Nợ xấu thực chất, chủ yếu đi theo các hoạt động cho vay mua ôtô, có tài sản bảo đảm với chất lượng tốt. 96% tín dụng tại VIB đều có tài sản bảo đảm.

Sau khi phát hành riêng lẻ, tỷ lệ CAR của VIB là bao nhiêu?

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB: Hiện, hệ số CAR là 10,11%, VIB đang quản trị hiệu quả tài sản cổ đông. Hệ số CAR càng cao sẽ càng cho thấy khả năng phòng vệ của ngân hàng vững chắc. Tuy vậy, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ nhìn nhận, việc CAR cao đến 15% sẽ không đảm bảo việc quản trị hiệu quả tài sản cho cổ đông, do đó mức 10% là con số hợp lý.

Ông Vỹ đánh giá, COVID-19 đang được kiểm soát tốt, do đó ngân hàng tự tin mức tăng vốn điều lệ 3% từ việc phát hành cổ phiếu chào bán (so với mức vốn mới sau khi chia cổ phiếu thưởng) sẽ giúp tỷ lệ an toàn vốn lớn hơn trong điều kiện phát triển bình thường, lợi nhuận đủ bù đắp tăng trưởng tín dụng mà không cần tăng vốn. Ngoài ra, việc tăng 3% vốn còn đề phòng trường hợp có những biến cố khách quan.

Ngân hàng định hướng mảng dịch vụ thu phí trong 3 – 5 tới thế nào? VIB sẽ mở rộng danh mục sản phẩm hay tiếp tục tập trung vào 2 mảng chính là Bancassurance và thẻ tín dụng?

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB:  Mảng bán lẻ hiện chiếm 84% tổng dư nợ. Trong đó, mức thu phí ngân hàng bán lẻ của VIB chiếm khoảng 20% thu nhập, 50% thu nhập từ banca, 50% còn lại từ dịch vụ tín dụng, phí thẻ tín dụng, giao dịch tài khoản, các loại phí khác. Ông Vỹ cũng kỳ vọng, số thu phí sẽ tăng 20-30% trong 2-3 năm tới. Bởi, thị trường Việt Nam rất rộng lớn, thị phần VIB mới chỉ chiếm 2% – 2,5%, và chỉ chiếm 4% thị phần ngân hàng bán lẻ.

Ở giai đoạn hiện tại, 2021 – 2022, VIB sẽ tập trung cao độ vào MyVIB và thẻ tín dụng – 2 lĩnh vực trọng tâm của VIB trong thời gian tới.

Chuyển đổi số đang được VIB thực hiện thế nào?

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB: Một trong các vấn đề của thị trường mới nổi trong vấn đề chuyển đổi số là dữ liệu. Tại Hoa Kỳ, các số nhà, tên phố rất chính xác, nhưng ở các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam), việc này trở nên khó xác định bởi trùng tên, sự phức tạp của số ngõ, số nhà,…

Trong 3 năm trở lại đây, VIB đã kết hợp với Amazon để chuẩn hóa dữ liệu đầu vào. Hiện, VIB có khoảng 15 dự án đang thực hiện đồng thời. Quá trình số hóa sẽ cho phép bán được lượng sản phẩm gấp 2 hoặc 3 so với lượng hiện nay trên thị trường.

Nhiều năm qua, VIB đã dành nhiều nguồn lực vào các sản phẩm ngân hàng số, phản ánh ở mức độ tăng trưởng trên 200% về số lượng thẻ và trên 300% về ứng dụng MyVIB.

“Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ xây dựng nền tảng bán hàng cho các chuyên viên sale. VIB dự kiến thí điểm cục bộ và trong tháng này sẽ triển khai 3/12 vùng của VIB. Đến khoảng quý III/2021, VIB sẽ ứng dụng cho 5.000 – 6.000 cán bộ công nhân viên qua máy tính bảng. Quá trình này vừa tiết kiệm tài chính của VIB, vừa giúp lượng sản phẩm của VIB chào bán tăng gấp đôi, gấp ba”, ông Vỹ cho biết.

Tỷ lệ Casa hiện tại là bao nhiêu? Kế hoạch các năm tới thế nào?

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB: Tín dụng bán lẻ của VIB chiếm 84% trên tổng tín dụng. Tại thời điểm năm 2017 thì tỷ lệ này rất thấp. Hiện VIB có gần 3 triệu khách hàng cá nhân giao dịch qua 166 chi nhánh, tỷ lệ Casa cũng đang phát triển đều và đi lên.

Riêng tỷ lệ Casa của mảng bán lẻ năm 2020 tăng 71%, tổng Casa của mảng bán lẻ chiếm khoảng 10%/tổng huy động bán lẻ. VIB đang có lộ trình đưa tỷ lệ Casa bán lẻ lên con số 20%/tổng huy động của mảng bán lẻ trong 1 – 1.5 năm tới. Hy vọng tỷ lệ Casa thời gian tới sẽ cải thiện nhiều hơn. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ