Từ tranh chấp 170 tỷ đồng tại VietABank, nhìn lại những vụ mất tiền 'khủng'

Nhàđầutư
Trước vụ việc tại VietABank, nhiều vụ mất tiền của khách hàng từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng đã xảy ra trong quá khứ.
MINH TRANG
05, Tháng 01, 2019 | 12:48

Nhàđầutư
Trước vụ việc tại VietABank, nhiều vụ mất tiền của khách hàng từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng đã xảy ra trong quá khứ.

viet-a-bank-mat-tien

 

Dư luận đang hết sức xôn xao trước vụ việc diễn ra tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). Cụ thể, cuối tháng 12/2018, một nhóm khách hàng của VietABank liên tục gửi đơn thư tố cáo tới nhiều cơ quan báo chí, với nội dung họ có 6 món tiền với tổng số 170 tỷ đồng có kỳ hạn tại VietABank, phòng giao dịch Đông Đô (Hà Nội). Các sổ này có thời hạn gửi tiền từ khoảng tháng 9-10/2018, thời hạn gửi ba tháng.

Ngày 8/12/2018, khi hai khách hàng là bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (Hoàng Mai, Hà Nội) đến phòng giao dịch rút tiền nhưng không được. "Thông qua cán bộ VietABank có tên là Nguyễn Thanh Tùng, tôi được biết số tiền của tôi đã bị giả mạo chữ ký để chiếm đoạt", nội dung đơn tố cáo viết.

Theo VietABank, nhóm khách hàng này bắt đầu giao dịch từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, họ lập tức cầm cố các sổ tiết kiệm để vay từ 95% đến 98,5% giá trị đã gửi, đồng thời chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản và có giao dịch với Nguyễn Thị Hà Thành - một đối tượng vừa bị khởi tố liên quan đến tội danh lừa đảo. "Bằng thủ đoạn này, con số giao dịch mở sổ tiết kiệm lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng số tiền gửi thực tế lại rất ít", VietABank phản hồi.

Phía ngân hàng khẳng định có đủ bằng chứng về việc chuyển tiền qua lại giữa các đối tượng và các sổ tiết kiệm trên đã được cầm cố cho các khoản vay mà sau đó được giải ngân vào chính các tài khoản gửi tiền tại VietABank.

Theo VietABank, sự việc đang được Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ và Ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các bên. Đơn vị này cũng cam kết sẽ kiến nghị xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng câu kết, móc nối với nhân viên thiếu phẩm chất của ngân hàng trong vụ việc.

Đây là vụ việc khách hàng tố cáo mất tiền mới nhất diễn ra. Đúng sai sẽ được cơ quan công an làm rõ. Trong quá khứ, không ít vụ mất tiền đình đám với số tiền từ vài chục lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Khách hàng Chu Thị Bình, Eximbank, 245 tỷ đồng

Đây là vụ việc tốn giấy mực của báo chí nhất, không chỉ với số tiền rất lớn, mà còn liên quan tới bà Chu Thị Bình - một nữ doanh nhân lớn trong lĩnh vực thuỷ sản. Sự việc căng thẳng đến độ cổ đông Eximbank đã đòi lãnh đạo nhà băng này từ chức trong ĐHĐCĐ thường niên giữa năm ngoái.

Sự việc bắt đầu từ trước năm 2007, bà Chu Thị Bình đã giao dịch gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Do số tiền gửi tại ngân hàng rất lớn nên khách hàng này được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank TP.HCM đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình cũng như kẽ hở của ngân hàng để chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả, rút tiền từ tài khoản của bà Bình, với tổng số tiền 245 tỷ đồng.

chu-thi-binh

Khách hàng Chu Thị Bình

Qua nhiều buổi làm việc, giữa ngân hàng và khách hàng không tìm được tiếng nói chung, vụ việc được trình báo với cơ quan cảnh sát điều tra phía Nam. Đồng thời, ngày 6/3/2017, Eximbank cũng chủ động gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Hưng đến cơ quan công an.

Cuối tháng 3/2018, Cơ quan công an đã khởi tố 5 nhân viên Eximbank liên quan đến vụ án này. Cuối tháng 8/2018, Eximbank đã tạm ứng đủ 245 tỷ đồng cho khách hàng Chu Thị Bình. Ngày 23/11/2018, vụ án được đưa ra xét xử phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên Eximbank phải trả cho bà Bình 245 tỷ đồng tiền gốc và 92 tỷ đồng tiền lãi. Eximbank ngày 12/12/2018 đã nộp đơn kháng cáo. Bà Bình cho rằng đó là động thái thiếu thiện chí và đã rút toàn bộ số tiền tạm ứng 245 tỷ đồng.

Hơn 400 tỷ tiền tiết kiệm tại OceanBank Hải Phòng "bốc hơi"

Tháng 9/2017, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Oceanbank đã phát hiện vi phạm xảy ra tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng, khi thông tin trên một số sổ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống corebanking.

Theo đó, hơn 400 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại chi nhánh này của 17 khách hàng từ năm 2012 đến 2017 đã không được hạch toán vào hệ thống corebanking. Một số khách hàng cho biết số ít tiền trên sổ tiết kiệm của họ vẫn có trong hệ thống ngân hàng, và vẫn rút ra được nhưng hàng trăm tỷ đồng khác trên sổ lại không có trong hệ thống.

Cùng với đó, bà Trần Thị Kim Chi, nguyên Giám đốc chi nhánh; bà Nguyễn Thị Minh Huệ, nguyên Trưởng phòng kế toán kho quỹ và ông Lê Vương Hoàng, nguyên Kiểm soát viên kế toán đã biến mất. 3 đối tượng trên sau đó bị truy nã và bị bắt trong quá trình trốn ở TP.HCM.

"Kiều nữ" Nghệ An giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống lừa rút 48 tỷ đồng

Sự việc khác xảy ra tại Eximbank vào tháng 10/2016, khi Nguyễn Thị Lam, cán bộ kiểm ngân thuộc Phòng giao dịch Eximbank huyện Đô Lương, chi nhánh TP. Vinh (Nghệ An) từ tháng 4/2016 đã nhiều lần giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống, đề nghị khách hàng ký khống vào các giấy rút tiền để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Lợi dụng việc quen nhiều khách hàng giàu có, Lam chèo kéo gửi tiền vào chi nhánh của mình, hứa hẹn trả lãi 8-12%/năm, trong khi mức quy định của ngân hàng có thời điểm chỉ 4-5%.

Tin tưởng nữ cán bộ ngân hàng, nhiều khách hàng đã tới nhà riêng của Lam ký hồ sơ mà không tới ngân hàng. Sổ tiết kiệm sau đó được Lam giao tận tay khách hàng.

Khi có nhiều khách hàng thân tín, Lam nhiều lần tạo cớ mời khách VIP tới ngân hàng "ký trước, hoàn tất hồ sơ sau", do "sắp có các chương trình khuyến mãi về tăng lãi suất". Sau khi có chữ ký, Lam tự tạo văn bản đề nghị rút tiền trình ban giám đốc hoặc kiểm soát viên để rút tiền. Lam đã tự ý rút tiền mặt hoặc chuyển khoản của 6 khách hàng, với tổng số tiền lên tới 48 tỷ đồng, trong đó có nạn nhân lên tới cả chục tỷ đồng.

Ngày 21/9/2016, ba ngày sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, Lam đã ra đầu thú. Ngày 16/7/2018, Nguyễn Thị Lam bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên mức án chung thân, buộc bồi thường gần 17,6 tỷ đồng cho Eximbank. Về phần mình, Eximbank phải chịu trách nhiệm tất toán cho khách hàng các khoản tiền thuộc về trách nhiệm sai sót từ phía ngân hàng.

Hai vợ chồng tranh chấp 43 tỷ đồng với VietABank An Giang

Một vụ việc khác liên quan tới VietABank. Cụ thể, ông Lê Đình Trung, (An Giang), cho biết vợ chồng ông có gửi 5 sổ tiết kiệm tại VietABank chi nhánh An Giang với tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng. 3 cuốn đứng tên ông Trung, 2 đứng tên bà Ngọc (vợ ông) và được gửi trong khoảng 13/1-6/4/2016 với cùng kỳ hạn 6 tháng.

Đầu tháng 7/2016, khi gần đáo hạn cuốn đầu tiên, ông bà phát hiện đã mất cả 5 cuốn. Hỏi ngân hàng, ông được biết toàn bộ số tiền trong 5 quyển sổ nêu trên đã được chuyển cho ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng - cha mẹ ruột của ông Trung.

Ông Trung cho rằng đã bị nhân viên ngân hàng câu kết "lừa" vợ chồng ông ký khống giấy tờ chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Sau đó, vợ chồng ông Trung trình báo vụ việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang và làm đơn tố giác gửi tới cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ về việc ông Phước và bà Hồng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ