Từ chối kế nghiệp cha, con trai tỷ phú Trung Quốc kiếm 740 triệu USD

Ở Trung Quốc, Vương Tư Thông nổi tiếng là thiếu gia biết cách tiêu tiền và cũng giỏi kiếm tiền. Từ chối kế nghiệp người cha tỷ phú, anh xây dựng sự nghiệp bằng năng lực bản thân.
TỐ UYÊN
04, Tháng 05, 2019 | 09:54

Ở Trung Quốc, Vương Tư Thông nổi tiếng là thiếu gia biết cách tiêu tiền và cũng giỏi kiếm tiền. Từ chối kế nghiệp người cha tỷ phú, anh xây dựng sự nghiệp bằng năng lực bản thân.

“Phú nhị đại” (thế hệ giàu có thứ hai) là cụm từ dùng để gọi những cậu ấm cô chiêu, con của chủ các tập đoàn, công ty lớn hoặc quan chức chính phủ tại Trung Quốc. Vương Tư Thông - con trai của tỷ phú Vương Kiện Lâm, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vạn Đạt và chuỗi rạp chiếu phim AMC - cũng là một "phú nhị đại".

Là một trong “Kinh thành tứ thiếu” (4 thiếu gia hàng đầu tại Bắc Kinh), Vương Tư Thông nổi tiếng với lối sống xa hoa và có nhiều phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội. Nhưng trong lĩnh vực kinh doanh, không ai có thể phủ nhận tài năng của doanh nhân trẻ này.

Điều làm Vương Tư Thông trở nên khác biệt chính là việc anh từng từ chối tiếp quản sản nghiệp khổng lồ của người cha và làm giàu bằng năng lực kinh doanh của chính mình.

vuong tu thong-1jpg

Đến năm 16 tuổi, Vương Tư Thông mới biết mình là con tỷ phú. Ảnh: Weibo.

Đến năm 16 tuổi mới biết mình là con tỷ phú

Vương Tư Thông (tên tiếng Anh là Sephirex), sinh ngày 3/1/1988 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Anh là người con trai duy nhất của ông Vương Kiện Lâm -  tỷ phú giàu thứ 4 Trung Quốc và thứ 36 thế giới hiện nay. Theo tạp chí Forbes, ông Vương Kiện Lâm hiện sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 30,1 tỷ USD.

Thiếu gia họ Vương được bố mẹ đưa ra nước ngoài học tập từ rất sớm. Anh học tiểu học ở Singapore, sau đó sang Anh học trung học tại trường nội trú Winchester College và University College London - trường đại học lâu đời và uy tín hàng đầu xứ sở sương mù.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí , Vương Tư Thông từng tiết lộ rằng lúc nhỏ anh cứ tưởng bản thân chỉ là con trai của một gia đình bình thường.

Đến năm 16 tuổi, Vương Tư Thông mới biết về gia thế của mình. Khi anh tìm gặp cha để xác nhận, ông Vương Kiện Lâm chỉ điềm nhiên trả lời: “Thế là bị con phát hiện rồi”.

Vương Tư Thông khẳng định cũng chính vì từng sống tự lập, không nhận thức về gia cảnh giàu có nên Vương Tư Thông không quá xem trọng tiền nong trong các mối quan hệ.

Anh chia sẻ về quan điểm kết giao bạn bè của mình: “Tôi không quan tâm đến gia thế của người đó lắm, chỉ cần nhân phẩm tốt, chơi đẹp là được. Có giàu thì cũng chẳng giàu bằng gia đình tôi được”.

Trên mạng xã hội, Vương Tư Thông thường gây xôn xao với những phát ngôn bị cho là ngông cuồng và khoe khoang cuộc sống thượng lưu, đẳng cấp. Vương Tư Thông có quan hệ với nhiều ngôi sao trong giới giải trí Trung Quốc, danh sách bạn gái thì dài dằng dặc, gồm toàn những ngôi sao xinh đẹp, nóng bỏng. 

Tuy nhiên, Vương Tư Thông không chỉ là một thiếu gia nhà giàu ăn chơi hưởng lạc, mà còn là một doanh nhân thực thụ với khả năng đầu tư và kiếm tiền đáng nể. 

Đầu tư vào eSports từ sở thích chơi game

Vương Tư Thông không muốn kế nghiệp cha mà muốn tạo dựng sự nghiệp kinh doanh gắn liền với niềm đam mê của mình. Tất nhiên con nhà tỷ phú khi khởi nghiệp luôn có điều kiện thuận lợi vượt xa người thường.

Năm 2009, tỷ phú Vương Kiện Lâm đưa cho Vương Tư Thông 500 triệu NDT (74,2 triệu USD) và giao ước rằng nếu anh không thể làm số vốn tăng gấp 20 lần trong vòng 5 năm thì phải trở về tiếp quản tập đoàn bất động sản Vạn Đạt của ông.

Ban đầu, Vương Tư Thông dùng số vốn có được để thành lập công ty TNHH Đầu tư Phổ Tư Bắc Kinh. Là người “nghiện” game và yêu thích eSports (thể thao điện tử), đến năm 2011, Vương Tư Thông quyết định mua lại đội tuyển eSports Catastrophic Cruel Memory (CCM) của Trung Quốc với giá 6 triệu USD và lập nên IG eSports Club (Invictus Gaming) với tham vọng cải thiện, phát triển lĩnh vực eSports.

Trước năm 2011, tình hình phát triển của eSports tại Trung Quốc không mấy sáng sủa. Các tuyển thủ eSports buộc phải thi đấu tốt, đạt thành tích cao để có tiền thưởng từ giải đấu. Họ không nhận được nhiều tiền từ các nhà tài trợ. Đời sống của hầu hết tuyển thủ eSports khi ấy không dư dả và họ kiên trì với sự nghiệp gần chỉ bằng niềm đam mê.

vuong tu thong-2jpg

Vương Tư Thông quyết định đầu tư cho eSports vào năm 2011. Ảnh: Invictus Gaming.

Làn sóng đầu tư vào eSports tại Trung Quốc được tiên phong bởi chính Vương Tư Thông. Sau khi Invictus Gaming được lập nên, anh bổ nhiệm Tôn Lực Vỹ (tuyển thủ eSports) làm CEO và đầu tư mạnh vào các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2 và StarCraft II.

Bên cạnh đó, Invictus Gaming chiêu mộ tuyển thủ giỏi, thành lập nơi sinh hoạt và luyện tập cho các tuyển thủ. Không chỉ vậy, Vương Tư Thông còn thiết lập cơ cấu lương thưởng ổn định cho các tuyển thủ dưới trướng để họ yên tâm thi đấu.

Rót tiền liên tục cho Invictus Gaming, Vương Tư Thông không cần phải đợi quá lâu để “hái được quả ngọt”. Năm 2011, đội tuyển Dota 2 của Invictus Gaming được mời tham dự The International lần 1 (Giải vô địch quốc tế Dota 2) và xuất sắc giành ngôi vị quán quân trong lần thứ 2 tham dự vào năm 2012.

6 năm sau đó, đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại của Invictus Gaming tạo được dấu ấn trong làng eSports. Đội tuyển LMHT của Invictus Gaming giành chiến thắng chóng vánh trong trận chung kết thế giới LMHT lần thứ 8 vào năm 2018 dù chưa từng vô địch giải đấu khu vực nào trước đó.

Với việc đội tuyển Dota 2 và Liên Minh Huyền Thoại đều từng bước lên đỉnh cao, có thể nói ông chủ Vương Tư Thông đã thành công khi đầu tư vào Invictus Gaming nói riêng và eSports nói chung. 

Từ chối kế nghiệp bố và muốn tạo dựng sự nghiệp riêng

Tại hội nghị thường niên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc năm 2016, ông Vương Kiện Lâm chia sẻ Vương Tư Thông một lần nữa tỏ ý từ chối tiếp quản tập đoàn Vạn Đạt và vị tỷ phú bất động sản tôn trọng sự lựa chọn của cậu con trai.

Nhằm gầy dựng một “đế chế eSports” vững mạnh, bên cạnh sự phát triển của Invictus Gaming, công ty Phổ Tư Bắc Kinh của Vương Tư Thông còn đầu tư vào nhiều công ty trò chơi khác như iDreamSky, ImbaTV, Forgame Hldgs...

Ngoài ra, Vương Tư Thông tiếp tục phát triển ngành eSports bằng việc lập ra Panda TV vào năm 2015 với số vốn 20 triệu NDT (3 triệu USD) và đưa Panda TV trở thành một trong những kênh phát trực tiếp hàng đầu Trung Quốc bên cạnh Huya và Douyu.

vuong tu thong

Vương Tư Thông từ chối tiếp quản sản nghiệp của bố và muốn tạo dựng sự nghiệp riêng. Ảnh: 5stmt.

Trong lĩnh vực giải trí, Vương Tư Thông lập ra Banana Culture và đầu tư vào một số dự án âm nhạc, điện ảnh. Không chỉ sở hữu nguồn lực “khủng”, Vương Tư Thông còn có nhiều mối quan hệ với những ngôi sao hàng đầu trong giới giải trí.

Vương Tư Thông từng lọt vào bảng xếp hạng 50 nhà đầu tư hàng đầu Trung Quốc với vị trí thứ 37 vào năm 2017. Hiện anh nằm trong ban lãnh đạo của tập đoàn Vạn Đạt, là chủ tịch của công ty Phổ Tư Bắc Kinh, công ty TNHH Phát triển Văn hóa Banana Thượng Hải và là CEO của Panda TV.

Theo dữ liệu từ tạp chí Hồ Nhuận, tính đến năm 2017, Vương Tư Thông sở hữu khối tài sản trị giá 5 tỷ NDT, tương đương khoảng 742 triệu USD. Với số tài sản này, Vương Tư Thông được xếp vào hàng giàu có nhất trong nhóm "phú nhị đại" ở Trung Quốc. 

Với nhiều người, Vương Tư Thông cũng chỉ là một cậu ấm ngồi mát ăn bát vàng từ nhỏ. Nhưng với không ít người khác, anh thực sự là nguồn cảm hứng của cộng đồng start-up. "Là con trai của người giàu nhất Trung Quốc, thách thức lớn nhất của tôi là đáp ứng được sự trông đợi của mọi người và vượt qua cha mình", Vương Tư Thông khẳng định. 

(Theo Zing.vn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ