TP.HCM 'vỡ' kế hoạch di dời nhà ven kênh rạch

Nhàđầutư
Từng là một trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay, kế hoạch di dời khoảng 20.000 căn nhà ven kênh, rạch gần như "dậm chân tại chỗ". Nguyên nhân là thiếu vốn, thiếu cơ chế ưu đãi, thu hút nhà đầu tư.
ĐÌNH NGUYÊN
17, Tháng 12, 2022 | 08:18

Nhàđầutư
Từng là một trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay, kế hoạch di dời khoảng 20.000 căn nhà ven kênh, rạch gần như "dậm chân tại chỗ". Nguyên nhân là thiếu vốn, thiếu cơ chế ưu đãi, thu hút nhà đầu tư.

Nan giải "bài toán" về vốn và thu hút nhà đầu tư

Còn nhớ hồi tháng 10/2021, khi mà lãnh đạo TP.HCM có chia sẻ rằng, TP.HCM mới chỉ di dời được khoảng 2.000 căn nhà ven kênh, rạch, vẫn còn hơn 20.000 căn nhà chưa di dời. Những tồn tại này là của nhiệm kỳ 2016-2020 và TP.HCM sẽ phải thay đổi cách làm và tính toán để chuyển người dân sang vị trí phù hợp hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch di dời nhà ven kênh rạch ở TP.HCM thật không dễ dàng và chưa có nhiều chuyển biến. TP.HCM đặt mục tiêu di dời 20.000 căn nhà này từ những năm 2015. Đến nay, 7 năm trôi qua, tỷ lệ di dời mới đạt khoảng 12,4%, khoảng 2.500 căn. Con số này là quá thấp mà lãnh đạo TP.HCM nhiệm kỳ trước đã đặt ra.

Cũng chính vì vậy, từ nay đến năm 2025, TP.HCM lên kế hoạch triển khai 53 dự án di dời nhà ven kênh, rạch. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước và kêu gọi tư nhân.

nha-ven-kenh-rach

TP.HCM vẫn còn khoảng 20.000 căn nhà ven kênh, rạch chưa thể di dời. Ảnh: Vũ Phạm

Đối với dự án vốn ngân sách, Sở Xây dựng TP.HCM chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 sẽ di dời 3.220 căn, tổng mức đầu tư dự kiến 12.530 tỷ đồng để giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường có kết hợp di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị.

Ở nhóm này, Sở Xây dựng TP.HCM tính toán triển khai 3 dự án gồm: Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp với tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 4.860 tỷ đồng, di dời 2.196 căn nhà.

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình, giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.596 tỷ đồng, quy mô di dời 190 căn nhà. Dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, quy mô di dời 834 căn nhà.

Nhóm 2, Sở Xây dựng TP.HCM di dời 3.250 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.543 tỷ đồng. Đơn vị sẽ triển khai 14 dự án di dời nhà ven kênh, rạch đã thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Nhóm 3, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư 30 dự án khác, di dời 7.282 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỷ đồng.

Còn đối với dự án thực hiện kêu gọi đầu tư, TP.HCM sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án, dự kiến di dời 6.630 căn nhà. Trong đó, ưu tiên thực hiện dự án bờ Nam kênh Đôi (quận 8) với số lượng di là 5.055 căn nhà.

Theo tính toán của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM chỉ di dời khoảng 6.500 căn nhà - một con số rất khiêm tốn, nhưng với số vốn khoảng hơn 19.200 tỷ đồng. Câu chuyện đặt ra là lấy tiền ở đâu để làm trong khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP.HCM eo hẹp. Không những vậy, không chỉ mỗi việc di dời nhà ven kênh, rạch, TP.HCM cũng còn rất nhiều dự án giao thông trọng điểm cần đến nguồn vốn này.

"Nguồn vốn ngân sách của TP.HCM dành cho chương trình còn hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Phần lớn các tuyến rạch không được mở rộng hơn so với biên chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, khó hấp dẫn nhà đầu tư nên phải dùng vốn ngân sách. Nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách lại chiếm tỷ trọng lớn với 62%", Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân nói.

Ngoài ra, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 đã thay đổi, không thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) như trước đây. Do thiếu cơ chế, chính sách mà các nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà.

Đơn cử là trường hợp khu vực phía Nam kênh Đôi (quận 8) với nhu cầu di dời hơn 8.000 căn nhà, thời gian đầu một số nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhưng sau đó cũng rút lui. Nguyên nhân là do quy định hiện hành, nhà đầu tư phải lo quỹ nhà tái định cư trước khi tiến hành đền bù giải tỏa.

Mối lo an sinh 

Ông Sáu, người đang sinh sống trong căn nhà rộng hơn 30m2 ở khu vực kênh Đôi (quận 8) cho biết, từ năm 2015 đã có nhiều đoàn của phường, quận tới trao đổi sẽ di dời, giải tỏa. Sau đó cũng có nhà đầu tư đến khảo sát, chính quyền phát phiếu điều tra, yêu cầu người dân khai báo về nhân khẩu... Nhưng rồi từ đó đến nay không thấy tiến triển gì nữa.

Tương tự, gia đình cô Ba ở kênh Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) đang sinh hoạt trong căn nhà xuống cấp chỉ rộng khoảng 20m2, với 3 thế hệ. Cô Ba nói rằng, mấy năm trước có nghe qua chủ trương di dời, không chỉ gia đình mà người dân ở đây mong mỏi nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy. Thêm nữa, chi phí bồi thường thấp cũng khiến người dân băn khoăn.

"Khoản tiền đền bù rẻ quá, không đủ để mua nhà tái định cư, rồi chưa kể đến các chi phi sinh hoạt khác. Quan trọng hơn vẫn là mưu sinh, công việc, làm ăn buôn bán sẽ ra sao khi đến nơi ở mới?", cô Ba chia sẻ và cho rằng, dù khó khăn, nhưng ở đây vẫn còn công việc có thể kiếm ra tiền.

PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, Hội Quy hoạch Phát triển TP.HCM nhìn nhận, người dân không muốn di dời là do việc tái định cư làm cho họ mất "vốn xã hội" và bị tách ra khỏi "mạng lưới xã hội" đã có từ trước. Khi họ bị tách ra khỏi cộng đồng quen thuộc vốn đã sống rất lâu thì cũng là mất đi những mối làm ăn.

Điển hình nhất là dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè di dời giải toả hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu vào sống trong các chung cư. Nhưng sau khoảng 10 năm số người dân còn sống ở chung cư chỉ còn dưới 50%.

Nguyên nhân được nêu ra là khi sống ở các chung cư họ mất cơ hội mưu sinh. Sống ở trên kênh rạch, đúng là có nhếch nhác, bẩn thỉu nhưng họ lại có chỗ phơi các loại bao túi nilon, giấy vụn nhặt được, có chỗ bán hàng ngay ở cửa nhà, dễ dàng khi đi bán hàng rong và làm thợ đụng. Ở chung cư họ không có chỗ để xe ba gác, xích lô, xe hủ tiếu, mì gõ. Ở căn hộ chung cư sạch, đẹp nhưng khó kiếm tiền vì mất hẳn không gian mưu sinh trước đây.

Không những vậy, khi chuyển lên căn hộ chung cư, người dân phải chi nhiều tiền cho các loại dịch vụ quản lý mà khi ở trên kênh không phải trả như dịch vụ bảo vệ, đèn chiếu sáng, bơm nước, gửi xe, tưới cây, vệ sinh công cộng, đổ rác… chi phí những khoản trên này ít nhất cũng phải trả 300-400.000 đồng/tháng…

Với người nghèo, chỗ ở cũng là chỗ để sản xuất, làm ăn, trong khi căn hộ dành cho tái định cư rất nhỏ thường là 42m2, lớn hơn cũng chỉ 60m2. Mặt khác nhân khẩu của các hộ gia đình rất cao khoảng 6-7 người/hộ. Như vậy, tính ra mỗi đầu người chỉ khoảng 4,7m2, không thoả mãn được nhu cầu thực tế của người dân.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ