TP. Cần Thơ: Kêu gọi đầu tư vào 54 dự án với tổng vốn 5,6 tỷ USD

Nhàđầutư
Để trở thành thành phố đô thị, trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, ngoài quyết tâm từ nội lực, Cần Thơ luôn tìm các giải pháp thu hút đầu tư để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra hôm nay (10/8), Cần Thơ đặt mục tiêu thu hút hơn 5,6 tỷ USD .
TRƯỜNG CA
10, Tháng 08, 2018 | 09:56

Nhàđầutư
Để trở thành thành phố đô thị, trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, ngoài quyết tâm từ nội lực, Cần Thơ luôn tìm các giải pháp thu hút đầu tư để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra hôm nay (10/8), Cần Thơ đặt mục tiêu thu hút hơn 5,6 tỷ USD .

can-tho-diem-den-hap-dan-cua-nha-dau-tu-trong-va-ngoai-nuoccan-tho-diem-den-hap-dan-cua-nha-dau-tu-trong-va-ngoai-nuoc-085846-2

Môt góc đô thị góc nước Cần Thơ nhìn từ trên cao

Khởi sắc thu hút đầu tư

Năm 2017 vừa qua, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.468 doanh nghiệp (DN) các loại hình, tổng vốn đăng ký 5.600 tỷ đồng; thu hút 21 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 4.762,8 tỷ đồng (tương đương 226,8 triệu USD), tổng diện tích sử dụng cho các dự án trên 162ha.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, 7 tháng đầu năm nay, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 823 DN các loại hình, với tổng vốn đăng ký kinh doanh 3.990 tỉ đồng, đạt 67,6% so với kế hoạch. So với cùng kỳ, số DN đăng ký mới tăng 11,8% và số vốn tăng 28,3%.

Về thu hút đầu tư dự án mới, các tháng đầu năm 2018, Cần Thơ thu hút được 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 4,67 triệu USD và 01 dự án vốn trong nước, tổng vốn đầu tư 141,5 tỷ đồng. Tính chung đến nay, TP. Cần Thơ có 412 dự án đang triển khai, tổng vốn đầu tư 81.157 tỉ đồng. Riêng về thu hút FDI, đến tháng 7 năm 2018, TP. Cần Thơ thu hút 79 dự án, khoảng 692 triệu USD.

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, chủ đề của Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Cần Thơ năm nay là “Chia sẻ tiềm năng để cùng nhau phát triển”. Bởi vì tiềm năng, vị trí của Cần Thơ không chỉ là của riêng Cần Thơ. Cần Thơ phát triển thì cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển và góp phần cùng cả nước phát triển.

Mục đích của Hội nghị là nhằm tập trung giới thiệu, chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, đặc biệt trong 3 lĩnh vực là dịch vụ logistics và du lịch, nông nghiệp hiệu quả cao và công nghệ thông tin. UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ trì; Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ là cơ quan điều phối chung; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ là cơ quan thực hiện. 

Nghị trình của Hội nghị tập trung vào sáu nội dung chính: Một là, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các quy hoạch, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư. Hai là, tham vấn kinh nghiệm, phát triển thành phố Cần Thơ theo hướng là trung tâm dịch vụ - nông nghiệp hiệu quả cao - công nghệ thông tin. Ba là, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư và doanh nghiệp về đầu tư, phát triển thương mại, du lịch. Bốn là, trao chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án đầu tư. Năm là, khởi công một số dự án trọng điểm. Và nội dung thứ sáu là trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có thương hiệu uy tín của TP. Cần Thơ. 

Theo Chủ tịch UBND TPTP. Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển thành phố đô thị loại I trực thuộc Trung ương, qua đó thúc đẩy phát triển KTXH cho Cần Thơ và vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang trông chờ vào cơ chế đặc thù sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới. “Hiện tại Cần Thơ còn có những hạn chế nhất định như giá thuê đất cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận, nhưng Cần Thơ vẫn có những điểm sáng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đó là lợi thế về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực là con người đã qua đào tạo, là vị trí trung tâm kinh tế - chính trị vùng ĐBSCL. Các nhà đầu tư đến với Cần Thơ là những đơn vị có năng lực về vốn và quản trị tốt, chắc chắn sẽ tạo ra giá trị mới hơn hẳn những địa phương khác”, ông Võ Thành Thống cho biết.

Do tính hấp dẫn của Cần Thơ nên trong 54 dự án kêu gọi đầu tư, với tổng nguồn vốn đầu tư 124.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5,6 tỷ USD được mời gọi đầu tư. Nhân hội nghị này, đã có 44 dự án có nhà đầu tư đăng ký và 22/44 dự án có tổng số vốn khoảng 82 ngàn tỷ đồng (hơn 3,7 tỷ USD) sẽ triển khai được ngay nếu đủ các điều kiện pháp lý.

Tận dụng lợi thế

TP. Cần Thơ thường xuyên đẩy mạnh công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: Môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn được cải thiện với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương vươn lên nhóm khá. Theo kết quả công bố xếp hạng PCI những năm trở lại đây, TP. Cần Thơ luôn giữ mức phát triển ổn định, đứng thứ hạng cao trong khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Phương Lam - Phó Giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho biết, TP. Cần Thơ đang là một trong những địa phương được nhiều doanh nghiệp đánh giá là phát triển ổn định. Kết quả chỉ số PCI mặc dù không có sự thay đổi lớn nhưng rất ổn định. Chính sự ổn định đó đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố an tâm sản xuất.

"Những năm trở lại đây, môi trường đầu tư của TP. Cần Thơ đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt năm 2017 chỉ số PCI của thành phố xếp hạng 10 tăng 1 bậc so với năm 2016 và 4 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong các tỉnh ĐBSCL, xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt", ông Lam cho biết.

Lợi thế nổi trội của TP. Cần Thơ thuộc về vị trí địa lý và chiến lược phát triển. Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến nông, thủy sản, du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch, các ngành công nghiệp phụ trợ… hướng đến vai trò là trung tâm giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, là động lực phát triển của vùng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng, mặc dù không có lợi thế về giá thuê đất, nhưng, thành phố có lợi thế về vị trí địa lý cho phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ hiện đại, có hệ thống cảng sông, được Chính phủ chọn quy hoạch phát triển trung tâm logistics của vùng ĐBSCL, có cảng hàng không quốc tế, có hệ thống cơ sở giáo dục, y tế phát triển nhất vùng ĐBSCL. Đó là những điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư cho TP. Cần Thơ.

Ngoài ra, với vị trí hết sức thuận lợi, nằm giữa trung tâm ĐBSCL, TP. Cần Thơ là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật và y tế của khu vực. Cùng với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, TP. Cần Thơ còn tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm đưa thành phố trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng trưởng mạnh cả về chất và lượng là một trong các mục tiêu quan trọng thúc đẩy tăng trưởng KTXH của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP và số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, TP. Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định, đồng thời ban hành nhiều chỉ thị, các chương trình hành động. Theo đó, thành phố đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác CCHC, trong đó tập trung thực hiện nội dung như: tiếp tục CCHC, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.

Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa hiện đại”. Định kỳ hằng tháng, UBND thành phố tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng đó, thành phố luôn tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, hiện thời gian cấp gấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 2 ngày (làm việc), thậm chí có những hồ sơ được cấp phép ngay trong ngày. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng  để rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi dự án bắt đầu triển khai thành phố tiếp tục hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng, rà soát các quy hoạch cũng như các thủ tục về dịch vụ kèm theo để hỗ trợ cho doanh nghiệp để dự án đi vào triển khai nhanh và đạt kết quả tốt nhất.

Công tác CCHC trong lĩnh vực hải quan được đẩy mạnh với trọng tâm “Giảm thời gian thông quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ việc kê khai hải quan điện tử qua hệ thống VAACCS/VCIS”, thực hiện phương thức quản lý rủi ro trên cơ sở phân loại doanh nghiệp, phân loại người khai hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tiến tới cơ chế một cửa quốc gia (NSW), sẵn sàng cho cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã kê khai, nộp thuế, lệ phí bằng phương thức điện tử qua ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch quy trình thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng niềm tin, sự ủng hộ của doanh nghiệp trong cải cách, hiện đại hóa ngành hải quan và của đơn vị.

Bà Lê Dương Cẩm Thúy - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố cho biết: “Năm qua, thành phố tổ chức nhiều chuyến đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; trong đó có 2 đoàn sang Nhật Bản. Hiện thành phố đã kết nối được với nhiều địa phương của Nhật Bản; đây là bước đệm để năm nay tạo ra những hợp tác mới tại cuộc gặp gỡ với đối tác Nhật Bản tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra hôm nay 10/8. Để chuẩn bị cho công tác này, thành phố đã chuẩn bị khu đất khoảng 30ha và đang giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng thu hút nhà đầu tư Nhật. 

Theo bà Thúy, thu hút FDI vào thành phố còn một số khó khăn nhất định. Nhưng với quyết tâm thực hiện chủ trương đồng hành cùng DN để hỗ trợ, gỡ vướng cho DN, kỳ vọng Cần Thơ sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới. TP. Cần Thơ hiện có 76 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư khoảng 656,7 triệu USD. Các dự án thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, HongKong, Đài Loan, Thái Lan, Singapore… đầu tư trên các lĩnh vực chế biến công nghiệp thủy sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ về ô tô, khách sạn, sản xuất hàng may mặc, kinh doanh bất động sản, gia công chế biến…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ