TIKI được định giá 600 triệu USD

Nhàđầutư
TIKI là một trong 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất, chiếm 90% thị phần Việt Nam, bên cạnh Shopee, Lazada và Sendo.
THANH HƯƠNG
25, Tháng 06, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
TIKI là một trong 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất, chiếm 90% thị phần Việt Nam, bên cạnh Shopee, Lazada và Sendo.

tiki-ho-tro-1

Ảnh: Internet

Theo chứng thư thẩm định giá số 174/CT-VALUINCO do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 26/2/2021, giá trị một cổ phần của CTCP TIKI là 665.245 đồng/CP.

Vào đầu tháng 3/2021, TIKI đã phát hành thêm 2.156.465 cổ phần, nâng tổng số cổ phần đang lưu hành lên 22.987.633 cổ phần. Do đó, giá trị 1 cổ phần TIKI bị điều chỉnh tương ứng là 602.838,5 đồng/CP.

Giá trị vốn hoá của TIKI theo đó được định giá ở mức 13.858 tỷ đồng, tương đương khoảng 600 triệu USD.

TIKI được thành lập năm 2010 bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn với vốn ban đầu 5.000 USD. Sau hơn một thập kỷ, TIKI với sự chèo lái của CEO sinh năm 1981 đã trở thành sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, bên cạnh Shopee, Lazada, Sendo.

Tương tự các đối thủ trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này, TIKI cũng phải gánh chịu những khoản lỗ lớn trong các năm qua, với đỉnh điểm là khoản lỗ sau thuế 756,5 tỷ đồng năm 2018. Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ tiếp 324,3 tỷ đồng, với doanh thu 820,3 tỷ đồng. 2 năm trước đó, TIKI báo lỗ 178,7 tỷ đồng năm 2016 và lỗ 282,1 tỷ đồng năm 2017.

Thua lỗ liên tục khiến vốn chủ sở hữu của TIKI tới cuối năm 2019 ở mức âm 354,3 tỷ đồng, tổng tài sản là 637,2 tỷ đồng.

Giai đoạn 2020-2021, các chỉ tiêu tài chính không được công bố, trong TIKI tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ sừng sỏ, đặc biệt là Shopee. Sàn thương mại với sự hậu thuẫn của Tencent Group đang bỏ xa các đối thủ còn lại ở Việt Nam, đặc biệt sau thương vụ hợp nhất thất bại giữa TIKI và Sendo đầu năm ngoái.

Năm 2020, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng 16%, đạt quy mô trên 14 tỷ USD, và là miếng bánh hấp dẫn các ông lớn nước ngoài. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 29% và đến năm 2025, quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD.

Bởi vậy, không bất ngờ khi các sàn thương mại điện tử đang hoạt động ở Việt Nam đều có dấu ấn rõ nét của nhà đầu tư ngoại. Trong khi 2 tập đoàn Trung Quốc là Tencent và Alibaba đầu tư vào Shopee là Lazada, thì 64,33% vốn Sendo cũng được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài, đến từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc.

Về phần mình, đối tác ngoại đầu tiên của TIKI là tập đoàn SUMITOMO của Nhật với khoản góp vốn vào năm 2013. TIKI sau đó tiếp tục đón nhận dòng vốn ngoại từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI, VNG, JD.com, đến các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; đến từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures. Đây là các quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ trên thế giới cũng như khu vực châu Á.

Sau đợt phát hành tăng vốn tháng 3/2021, có 20 cổ đông ngoại đang nắm 49,388% cổ phần TIKI, trong đó đáng kể nhất là JD.COM International (Singapore) với 18,152%, Ubiquitous Traders Pte Ltd (Singapore) có 9,913%.

Đáng chú ý, CTCP VNG tới cuối tháng 3/2021 công bố sở hữu 20,18% cổ phần TIKI, so với 22,27% thời điểm đầu năm, và giảm mạnh so với 38% ở thời điểm đầu tư tháng 2/2016. Nhiều khả năng VNG đã không tham gia các đợt phát hành tăng vốn sau này của TIKI.

Báo cáo thường niên năm 2020 của VNG cho biết công ty ghi nhận khoản lỗ 3,84 tỷ đồng trong năm 2020 cho khoản đầu tư vào TIKI, lỗ luỹ kế của khoản đầu tư là hơn 510 tỷ đồng.

Screen Shot 2021-06-24 at 10.40.25 PM

 

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc các doanh nghiệp chìm trong thua lỗ không có gì bất ngờ. Các nhà đầu tư không chỉ chấp nhận điều này, mà thậm chí không ngân ngại dấn sâu vào cuộc chơi đốt tiền không giới hạn này. Lỗ càng lớn đồng nghĩa với càng chiếm lĩnh được thị phần, và đó chính là giá trị cốt lõi của thị trường thương mại điện tử, tương tự thị trường gọi xe công nghệ với sự thống trị của Grab.

Khoản lỗ 324 tỷ đồng của TIKI năm 2019, nên biết, vẫn còn khiêm tốn so với khoản lỗ 1.587 tỷ đồng cùng năm của Sendo hay mức lỗ 2.411 tỷ đồng của Shopee.

Điều này giải thích tại sao, dù thua lỗ lớn, lỗ âm vốn chủ, song TIKI vẫn được định giá lên tới 600 triệu USD, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp này.

Ở một diễn biến đáng chú ý, tham vọng "tranh đấu" của TIKI vừa được tiếp thêm động lực rất lớn, khi doanh nghiệp này vừa qua đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, nhằm tài trợ cho hoạt động của công ty; 92,4% được bán cho nhà đầu tư cá nhân trong nước, 7,15% bán cho nhà đầu tư tổ chức trong nước, 0,45% bán cho nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Dù vậy, mức lãi suất khá cao (cố định 13%/năm), so với bình quân từ 8-11% hiện nay đối với loại hình trái phiếu doanh nghiệp, sẽ là một thách thức không nhỏ đối với CEO Trần Ngọc Thái Sơn cùng các cộng sự. Bởi không như các quỹ đầu tư mạo hiểm vốn chấp nhận rủi ro cùng mức thua lỗ lâu dài, các trái chủ sẽ phải được thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi khi tới hạn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ