Thúc đẩy 5G - Thúc đẩy chuyển đổi số

Nhàđầutư
Nền kinh tế số được coi là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế khi Chính phủ đã đặt mục tiêu đạt 20% GDP vào năm 2025, do vậy thúc đẩy chuyển số được xem là yêu cầu bắt buộc, mà trong đó, theo nhiều chuyên gia 5G chính là chìa khóa.
ANH PHONG
21, Tháng 03, 2023 | 13:25

Nhàđầutư
Nền kinh tế số được coi là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế khi Chính phủ đã đặt mục tiêu đạt 20% GDP vào năm 2025, do vậy thúc đẩy chuyển số được xem là yêu cầu bắt buộc, mà trong đó, theo nhiều chuyên gia 5G chính là chìa khóa.

z4199433309873_8b9effc1358ffb44a79db63cec7d4b0f

 

Áp lực chuyển đổi số

Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, vì vậy đã sớm tiếp cận mô hình phát triển xanh và bền vững, với các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn về chủ đề "Chuyển đổi số – Nhanh hơn - Thông minh hơn - Xanh hơn" do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững.

Gần đây, khái niệm "Chuyển đổi kép" tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh Châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai. Trong quá trình xây dựng các chiến lược, Quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Khoa học Công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

"Đối với các doanh nghiệp, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã ký kết, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Đây là sức ép và cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để được thị trường chấp nhận", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Cùng phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh đánh giá, nếu cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố trọng tâm trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, thì chuyển đổi số là một động lực giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các công nghệ số hiện đại để đẩy nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và thị trường tiêu thụ, trong khi vẫn có thể tăng cường khả năng giám sát và quản lý môi trường, giảm thiểu được sự tiêu hao năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.

"Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến thế giới buộc phải thay đổi để thích nghi với giãn cách xã hội và làm việc từ xa, các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng chuyển sang sử dụng các nền tảng và dịch vụ số. Nền kinh tế số được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, đóng góp vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch", ông Lê Trọng Minh nói.

5G - Chìa khóa chuyển đổi số

Hiện nay, trên thế giới, 5G và hệ sinh thái ứng dụng của 5G đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau và ngày càng trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chính phủ Việt Nam với tầm nhìn "Cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0" đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm 20% GDP; Phủ sóng băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; Dịch vụ 5G và điện thoại thông minh trở thành phổ biến; Thanh toán điện tử chiếm hơn 50%; Đến năm 2030, Việt Nam phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

"Thúc đẩy sự phát triển của 5G sẽ đẩy nhanh quá trình tích hợp, ứng dụng và thương mại hóa các công nghệ cao, công nghệ mới, từ đó tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi từ quản lý đến phương pháp sản xuất, giúp gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp truyền thống. Đồng thời, sẽ tăng tốc hiện đại hóa năng lực quản trị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân", ông Nguyễn Phong Nhã nhìn nhận.

Đồng quan điểm trên, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, là một hạ tầng số quốc gia quan trọng, 5G có tiềm năng ảnh hưởng đáng kể tới xã hội, các ngành công nghiệp, nền kinh tế cũng như mang lại lợi ích cho môi trường.

Ông Denis Brunetti phân tích, với 3G, xã hội và doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng giá trị của mạng internet không dây, tạo ra làn sóng đầu tiên của nền kinh tế số và hoạt động thương mại điện tử. Ngày nay, thông qua mạng băng rộng di động tốc độ cao 4G cũng như 5G, Việt Nam đang bắt đầu tận hưởng những lợi ích của việc kết nối không dây giữa các ngành và doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả và năng suất.

"Thông qua 5G, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ tại hàng nghìn nhà máy tại Việt Nam, cho phép rô-bốt, công nghệ bản sao số (digital twin technology), phương tiện điều khiển tự động, theo dõi hàng tồn kho từ xa và bảo trì dự đoán (predictive maintenance) giúp nâng cao hiệu quả đáng kể và tăng cường an toàn cho các cơ sở sản xuất. Cùng với việc giúp tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của quốc gia lên mức 7,5%/năm theo Chiến lược Quốc gia về Chuyển đổi số của Chính phủ, nó cũng sẽ kích thích đầu tư FDI vào công nghệ cao và thu hút thêm đầu tư sản xuất thông minh vào Việt Nam trong những năm tới", ông Denis Brunetti nói.

Chia sẻ về quá trình triển khai 5G tại Việt Nam, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, đến thời điểm hiện nay, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone) với những thử nghiệm ở những góc độ khác nhau trên 40 tỉnh, thành phố.

Với cơ quan quản lý nhà nước, từ kinh nghiệm quốc tế, từ kết quả thử nghiệm của doanh nghiệp, từ trải nghiệm của người dùng, từ những dự báo về nhu cầu của thị trường là những yêu cầu để hoàn thiện các chính sách để 5G phát triển, tạo dựng một môi trường kinh doanh phù hợp với đặc tính của 5G.

Ông Nguyễn Phong Nhã cũng cho biết thêm, Chính sách đấu giá băng tần số đang được xây dựng thông qua luật Tần số sửa đổi.

Các quy chuẩn về 5G như: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 128:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G độc lập - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 127:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G – (QCVN 126:2021/BTTTT) đã sẵn sàng cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người sử dụng.

Chính sách dừng công nghệ không còn phù hợp đã được đẩy mạnh và có những kết quả. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp sử dụng các tần số đang dùng cho các công nghệ 2G, 3G để triển khai 5G.

"Mục tiêu về 5G của nhà nước cũng được định hình rõ nét hơn. Các yêu cầu về dùng chung hạ tầng, dùng chung mạng lưới phần tích cực, dùng chung tần số, … vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu để đưa ra các chính sách nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác mạng đồng thời khuyến khích, thúc đẩy tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị Make in Vietnam", Nguyễn Phong Nhã cho biết. 

Ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen: "Chuyển đổi số giúp Nestlé nâng cao năng suất, giảm phát thải CO2"

Phương pháp tiếp cận của Nestlé đối với vấn đề Chuyển đổi số trong sản xuất tại Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu là tìm kiếm trong xu hướng phát triển công nghệ bên ngoài những cơ hội có ý nghĩa mà chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ cũng như giúp chúng tôi có thể tiết kiệm và/hoặc có được cơ hội tăng trưởng. Chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp chúng tôi trong việc số hóa dữ liệu và mang lại nhiều lợi ích cho chúng tôi. Nhờ chuyển đổi số, chúng tôi tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững. Về những kết quả đạt được, chúng tôi đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm.

Ông Madhav Joshi, Giám đốc Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB: "Trong chuyển đổi số, cơ hội nhiều hơn khó khăn"

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng mang tính tự nhiên. Chúng tôi đã chuyển đổi số trong nhiều thập kỷ và quá trình này được thể hiện ở mọi góc cạnh, từ hệ thống quản lý điện năng và năng lượng tại nhà máy cho tới tăng cường hiệu suất làm việc…

Với ABB, có 3 xu hướng lớn đang diễn ra trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Thứ nhất là dữ liệu và xử lý dữ liệu. Thứ hai là công tác tổ chức nhân lực, dịch chuyển về con người. Thứ ba là tăng trưởng bền vững hơn.

Trong quá trình chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ hội hơn là khó khăn. Tuy nhiên, một số yếu tố khiến các doanh nghiệp cảm thấy lúng túng, trong đó có việc chưa nhận thức rõ ràng về những lợi ích của quá trình. Bên cạnh đó, an ninh mạng cũng là mối bận tậm. 75% dữ liệu trong quá trình sẽ được xử lý bên ngoài, cần biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu. Con người cũng là vấn đề, chúng ta cần tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, có cách tiếp cận nhất quán.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ