Thủ tướng: Năm 2023, ngành nông nghiệp xuất khẩu phải đạt 55 tỷ USD

Nhàđầutư
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành nông nghiệp năm 2023 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mốc 55 tỷ USD.
TRANG NGUYỄN
13, Tháng 01, 2023 | 15:36

Nhàđầutư
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành nông nghiệp năm 2023 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mốc 55 tỷ USD.

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sáng 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022.

"Năm 2022, chúng ta vẫn phải xác định mục tiêu đầu tiên là kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để có thể phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng để đạt được những kết quả khả quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 sáng 13/1. Ảnh: Đình Tùng.

Chính phủ kỳ vọng Bộ NN&PTNT sẽ phát huy, kế thừa những thành quả và với truyền thống ngành nông nghiệp, năm 2023 tiếp tục phát triển, bứt phá và mạnh mẽ, bền vững hơn.

Ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế

Phân tích thêm về mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2022, Thủ tướng cho biết, con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam những năm vừa qua trong một hoàn cảnh khó khăn.

"Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân đủ ăn đủ mặc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả", Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Bộ NN&PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Cần gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động, để công nghiệp hóa được nông nghiệp.

Về những bài học kinh nghiệm rút ra từ kết quả đạt được năm 2022 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đó là bài học về sự đoàn kết, thống nhất từ nhận thức đến hành động; bài học về việc nắm chắc tình hình, điều hành sáng tạo; tăng cường phân cấp phân quyền gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra...

Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Đó là: tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình nông nghiệp tại Nghệ An, Hà Nam còn chậm; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mốc 55 tỷ USD năm 2023

Bước sang năm 2023, Thủ tướng nhận định bối cảnh thế giới sẽ có nhiều thách thức hơn như: xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng năng lượng, chính sách chống lạm phát của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Người đứng đầu Chính phủ đề ra các giải pháp cho năm 2023. Một là, việc xây dựng thương hiệu cần làm ngay sau khi quy hoạch. Hai là, quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm. Ba là, đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo Thủ tướng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải triển khai nhanh hơn. Các địa phương phải chủ động phối hợp cùng Bộ NN&PTNT nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, chống lãng phí, tiêu cực, đi đôi với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Thu-tuong

Thủ tướng tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Đình Tùng.

Về hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để tìm thêm những thị trường tiêu thụ mới.

Với tinh thần mới, khí thế mới, Thủ tướng bày tỏ mong muốn, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT trong năm 2023, tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế để phát triển mạnh mẽ hơn năm vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mốc 55 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, "nông nghiệp có tin vui" là dòng tiêu đề xuất hiện trên nhiều mặt báo những ngày cuối năm. Đó là nhờ giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt chỉ tiêu, đạt 53,2 tỷ USD. Ngoài ra, giá trị xuất siêu của ngành chiếm khoảng 70% tổng giá trị của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như tinh thần vượt khó của toàn thể bà con nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo là ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế. Một trong số đó được tư lệnh ngành nông nghiệp nêu ra là mặt hàng gỗ, lĩnh vực chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị xuất khẩu. Ông nhấn mạnh, toàn ngành nông nghiệp cần "nêu cao tinh thần sẵn sàng" với mọi tình huống.

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng cho biết đã chủ động bằng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, cũng như các công tác xúc tiến, tiếp cận mở rộng thị trường. Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều địa phương giờ đã thay đổi cách tiếp cận về nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Người tiêu dùng cũng có thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam nhiều hơn, giúp hàng Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường 100 triệu dân.

Với tiêu chí lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ, ngành nông nghiệp cam kết kiên trì mục tiêu thực hiện "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ