Thu hút đầu tư nước ngoài: Vấn đề đồng hành của nhà đầu tư - Chủ đầu tư KCN - Chính phủ

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần có sự đổi mới về tư duy, cần sự đồng hành thực chất với tinh thần hài hòa lợi ích của tất cả các bên.
HƯƠNG VŨ
11, Tháng 08, 2022 | 10:43

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần có sự đổi mới về tư duy, cần sự đồng hành thực chất với tinh thần hài hòa lợi ích của tất cả các bên.

ey-huong-vu-v2

Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

Sáng 11/8, tại TP.HCM, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới".

Nhadautu.vn xin giới thiệu toàn văn bài tham luận của bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn thuế và pháp lý tại Việt Nam:

Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều hội nghị về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh phải đổi mới tư duy và hành động để xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, công bằng, đồng hành thực chất, hiệu quả với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn và hỗ trợ đúng quy định của pháp luật. Trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị học hỏi, lắng nghe, Chính phủ, Thủ tướng sẵn sàng làm việc, chia sẻ, đối thoại với bất kỳ đối tác nào trên cơ sở chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Có thể thấy, các nội dung trên là những điểm nhấn hết sức quan trọng. Hoạt động xúc tiến đầu tư cần có sự đổi mới về tư duy, cần sự đồng hành thực chất với tinh thần hài hòa lợi ích của tất cả các bên.

Trong bức tranh tổng thể về môi trường đầu tư của Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đóng vai trò là những mắt xích quan trọng. Thực tế trong những năm qua, sự hình thành, phát triển của các KCN, KKT đã góp phần phát triển các đô thị kinh tế và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, qua đó đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế của từng vùng và trong cả nước. Nếu hiểu rằng việc “làm tổ đón đại bàng” là việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thì các KCN, KTT chính là những bến đỗ, những chiếc “tổ” hữu hình đối với mỗi nhà đầu tư. Chính vì vậy, muốn khai thông dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những mắt xích quan trọng này, và nhất thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN, KKT.

Nhà đầu tư cần gì từ các KCN, KKT?

Khi triển khai dự án sản xuất, các nhà đầu tư luôn đặt yếu tố hiệu quả lên hàng đầu. Tùy thuộc vào tính chất của từng dự án, các tiêu chí được đưa ra và xem xét, lựa chọn có thể có mức độ ưu tiên khác nhau. Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ luôn đóng vài trò tiêu chí quan trọng, cơ bản bao gồm: vị trí địa lý, khả năng kết nối giao thông, tiêu chuẩn chất lượng cơ sở hạ tầng, sự kết nối với các khách hàng và nhà cung cấp, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và không kém phần quan trọng là sự đồng hành của chính các chủ đầu tư KCN.

Trên thực tế, có những KCN đã làm rất tốt. Những lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý, như lợi thế về cảng hàng không, cảng biển, hay cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi, là những điều kiện mà các KCN trong cùng một vùng đều có thể có. Do đó, những yếu tố này không tạo ra nhiều khác biệt. Để tự tạo lợi thế cạnh tranh cho mình, một số KCN đã đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư như: hỗ trợ các thủ tục về cấp phép như giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, kết nối với các dịch vụ tư vấn thuế, kế toán, đào tạo, huấn luyện và cung ứng nhân lực. Nhiều KCN thực hiện hoặc kết nối dịch vụ từ A tới Z, tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư tập trung nguồn lực vào sản xuất và kinh doanh.

Nhà đầu tư khi bắt đầu hoạt động đầu tư của mình tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Hoặc mỗi khi chính sách, quy định pháp luật thay đổi đều ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Sự đồng hành của KCN sẽ giúp cho các nhà đầu tư có cảm giác tin cậy và có thêm sức mạnh và tự tin hơn trong quá trình đầu tư của mình tại địa bàn.

Ví dụ, trong giai đoạn vừa qua, không ít nhà đầu tư trong KCN đã gặp khó khăn trong việc đăng ký và áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (Nghị định 82). Với các yêu cầu về điều kiện áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Nghị định 82, cả nhà đầu tư, ban quản lý KCN, cơ quan hải quan đều bối rối trong việc thực hiện vì các yêu cầu dẫn đến tình huống “con gà quả trứng”. Cụ thể theo quy định, doanh nghiệp chỉ được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất khi đáp ứng đủ các điều kiện kiểm tra giám sát hải quan. Trong khi để đáp ứng các điều kiện kiểm tra giám sát hải quan đó, doanh nghiệp phải thực hiện triển khai hoạt động xây dựng, mua sắm và đầu tư, lắp đặt hệ thống hàng rào, camera giám sát, và nhiều hoạt động đầu tư khác.

Đây cũng chính là giai đoạn mà nhà đầu tư rất cần được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất để đảm bảo các lợi ích về dòng tiền. Vấn đề này đã thực sự gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi đã chứng kiến sự vào cuộc và phối hợp của cả cơ quan hải quan, cơ quan quản lý đầu tư để đưa ra các phương án giải quyết linh hoạt cho doanh nghiệp. Ở một số địa phương, chúng tôi đã thấy UBND cùng các sở ban ngành đã thường xuyên tổ chức các diễn đàn, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời xử lý và hỗ trợ nhà đầu tư về vấn đề này. Cuối cùng, sự ra đời của Nghị định 18/2021/NĐ-CP (Nghị định 18) với các nguyên tắc quy định tại điều 28 (a) thực sự tháo gỡ và xử lý rất có tình, có lý đối với tất cả những khó khăn vướng mắc này.

Tuy nhiên, chúng tôi được biết vẫn còn tồn đọng một số trường hợp doanh nghiệp chưa giải quyết hết được các hậu quả của giai đoạn trước khi Nghị định 18 được ban hành. Ví dụ, Nghị định 18 cho phép doanh nghiệp được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tức là tài sản, máy móc thiết bị mua từ nội địa được áp dụng thuế giá trị gia tăng 0%. Song, doanh nghiệp không thể quay lại làm tờ khai hải quan cho các tài sản, máy móc thiết bị đã mua sắm trong giai đoạn đó vì không có cơ chế. Doanh nghiệp loay hoay tìm cách khắc phục vì hồ sơ chứng từ không có sự thống nhất, mà nguyên nhân sâu xa là do thay đổi không đồng bộ về quy định của Chính phủ.

Trong tình huống khác, Nghị định 18 cũng cho phép xử lý hoàn lại số thuế doanh nghiệp đã nộp thừa cho giai đoạn trước khi Nghị định được ban hành. Nhưng thực tế khi thực hiện hoàn thuế GTGT nội địa, cơ quan thuế vẫn lúng túng chưa hướng dẫn được cơ chế nào phù hợp để hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Từ những tình huống trên, có thể thấy, dù chính sách đã có, tưởng chừng vấn đề đã được khai thông, nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn không phải dễ dàng. Vì vậy, đồng hành với nhà đầu tư là cả một quá trình liên tục và lâu dài, đi đến cùng của các vấn đề thì mới có thể tạo được niềm tin và giữ chân họ ở lại.

KCN, KKT cần gì từ Chính phủ?

Để thu hút đầu tư, các KCN, KKT cần có cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn tốt, dịch vụ xuất sắc và rất quan trọng là cần có sự đồng hành với nhà đầu tư. Nhưng để làm được như vậy, KCN, KKT cũng cần có được những hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho KCN từ phía Chính phủ cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư và ngược lại khó khăn của KCN, một cách trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ là những trở ngại đối với nhà đầu tư.

Tại đây, một ví dụ liên quan tới vấn đề đất đai. Chúng tôi gần đây thấy rằng, rất nhiều các KCN gặp khó khăn trong quá trình làm việc với các sở tài nguyên môi trường để xác định số tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất. Nhiều địa phương đưa ra phương án, tạm xác định thời gian miễn tiền thuê đất tương ứng với số tiền đền bù giải phóng mặt bằng và để ngỏ tiền thuê đất cho thời gian còn lại. Như vậy, KCN chưa thể xác định chính xác toàn bộ chi phí thuê đất mà mình phải trả cho Nhà nước, trong khi KCN cần xác định giá cho các nhà đầu tư thuê cho toàn bộ thời gian thuê.

Không còn cách nào khác, KCN đành chuyển cho nhà đầu tư chịu phần rủi ro bằng việc quy định trong khoảng thời gian còn lại nhà đầu tư sẽ phải trả tiền thuê theo mức Nhà nước quy định tại thời điểm đó. Như vậy, nhà đầu tư mặc dù không phải là đơn vị đi thuê đất trực tiếp từ Nhà nước và sẵn sàng chi trả một lần các chi phí về đất để có thể yên tâm trong quá trình hoạt động, nhưng vẫn không thể thực hiện được phương án đó mà vẫn phải chịu những rủi ro không đáng có. Đó là không thể xác định được chi phí thực sự để có thể lập kế hoạch đầu tư rõ ràng và luôn có sự lo lắng bất an về nghĩa vụ trong tương lai với Nhà nước.

Trên thực tế, chúng tôi thấy rằng nhiều KCN đã rất chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc đầu tư vào các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong KCN, thậm chí có những KCN còn đầu tư cả hệ thống cấp phát điện với chi phí rất lớn để dự phòng trường hợp điện lưới bị cắt. Những công trình này thực sự rất có ý nghĩa đối với nhà đầu tư vì tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn và bảo đảm để họ có thể yên tâm sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khi thực hiện những khoản đầu tư lớn cho những công trình phụ trợ này, các KCN lại đứng trước một mối lo ngại về việc các khoản chi, hoặc khoản khấu hao đối với các tài sản này không được khấu trừ chi phí khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp với lý do các chi phí này không trực tiếp liên quan đến doanh thu. Về nội dung này Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (Nghị định 35) đã có những sửa đổi, bổ sung vào khoản 4 Điều 22 một số khoản chi phí đầu tư được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các nội dung này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và chưa bao gồm hết được các trường hợp phát sinh trên thực tế, vì mỗi KCN, KKT ở những vị trí khác nhau lại phát sinh những nhu cầu đầu tư khác nhau để khắc phục các vấn đề ở từng địa điểm cụ thể. Thiết nghĩ, đối với vấn đề này cần nhìn vào bản chất, những khoản đầu tư đó có ý nghĩa như thế nào và đóng góp như thế nào vào hoạt động thu hút đầu tư và việc vận hành của KCN, KKT, vì hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp cũng có những đặc thù riêng.

Nhà nước và nhà đầu tư cùng đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo hài hòa lợi ích, hợp tác và chia sẻ để cùng phát triển. Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN, KKT luôn khẳng định tinh thần đó khi xác định “bắt tay” đầu tư vào một dự án hạ tầng KCN, KKT. Chính vì vậy, họ sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với chính quyền địa phương để có những bước tiến quan trọng trong quá trình đầu tư vào mỗi địa bàn cụ thể.

Như trên đã nêu, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông đều là các yếu tố mà nhà đầu tư rất quan tâm xem xét khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Chính vì vậy, để thu hút nhà đầu tư vào KCN, KKT, Chính phủ cần có những khoản đầu tư cần thiết vào hạ tầng và các công trình công cộng quan trọng như đường giao thông, đê chắn sóng, hay những công trình công cộng ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của các KCN, KTT trong địa bàn. Chúng tôi thấy rằng, các nhà đầu tư hạ tầng KCN, KKT thường theo dõi rất sát sao và luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương trong quá trình triển khai các dự án quan trọng này.

Thậm chí, trong những trường hợp cấp thiết có những nhà đầu tư còn sẵn sàng tham gia, chia sẻ chi phí với chính quyền địa phương để đẩy nhanh việc triển khai các công trình quan trọng khi ngân sách địa phương chưa được phân bổ kịp thời hoặc không bố trí được kinh phí. Đây là sự hợp tác, chia sẻ rất đáng được hoan nghênh và khuyến khích. Mặc dù đây là các công trình công cộng thuộc trách nhiệm đầu tư của nhà nước, song các chủ đầu tư hạ tầng KCN, KKT vẫn sẵn sàng chia sẻ vì chính họ và các khách hàng của họ cũng được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình này.

Tuy nhiên, trong những tình huống như vậy, khi nhà đầu tư hạ tầng KCN đề nghị được khấu trừ các chi phí đầu tư nói trên khi xác định thu nhập chịu thuế thì cơ quan thuế lại cho rằng khoản đóng góp đó mang tính chất là một khoản tài trợ và không thuộc các khoản tài trợ được khấu trừ cho mục địch tính thuế TNDN, nội dung được quy định tại pháp luật thuế TNDN hiện hành và từ chối việc ghi nhận chi phí.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư đã chia sẻ và đồng hành cùng chính quyền nhưng ở chiều ngược lại, liệu Nhà nước đã thực sự đồng hành với doanh nghiệp chưa nếu không nhìn nhận vào bản chất khoản chi để chấp nhận cho doanh nghiệp khấu trừ chi phí.

Do đó, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào KCN, Chính phủ cũng như các cơ quan chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN. Mối quan hệ ba bên Nhà đầu tư – Chủ đầu tư KCN – Chính phủ mang tính tương hỗ mật thiết và cần được quan tâm thường xuyên để duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư tại địa bàn các KCN, KKT. Bên cạnh đó, hoạt động của các KCN, KKT liên quan đến nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thuế, và nhiều luật khác. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét và có sự tích hợp đồng bộ giữa các luật để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bao gồm cả các chính sách về thuế để tháo gỡ các vướng mắc cho cả chủ đầu tư KCN, KKT và bản thân các doanh nghiệp đầu tư trong đó.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ