Thoái vốn Nhà nước: Chờ đợi làn sóng cuối năm

Nhàđầutư
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết trong nửa đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hoá của 19 doanh nghiệp nhà nước, với tổng giá trị định giá là 40.600 tỷ đồng.
MINH TRANG
18, Tháng 10, 2018 | 11:22

Nhàđầutư
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết trong nửa đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hoá của 19 doanh nghiệp nhà nước, với tổng giá trị định giá là 40.600 tỷ đồng.

loc-dau-binh-son

Nhiều trường hợp thực hiện IPO và được đón nhận tích cực bởi nhà đầu tư, như Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, thu về 5.566 tỷ đồng)

Cùng đó là hoàn thành công tác cổ phần hoá tại 16 đơn vị, bằng 73% số thương vụ cổ phần hoá thực hiện được trong cả năm 2017, trong đó tám trường hợp nằm trong kế hoạch năm 2017 và số còn lại thuộc kế hoạch 2018.

Diễn biến trái chiều

Theo phương án được phê duyệt, tổng vốn điều lệ của 16 doanh nghiệp này là hơn 136.000 tỷ đồng. Nhà nước đã thu về được 22.500 tỷ đồng từ đợt IPO các doanh nghiệp trên và hiện tại đang bước vào giai đoạn tìm kiếm các đối tác chiến lược tiềm năng để tiếp tục thoái vốn theo đúng lộ trình.

Cũng trong nửa đầu năm 2018, 42 doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn Nhà nước, với số tiền thu về ngân sách gần 5.600 tỷ đồng, gấp ba lần mệnh giá. Tính chung từ năm 2016 đến nay, Nhà nước đã thu về 198.000 tỷ đồng từ cổ phần hoá và thoái vốn, trong đó năm 2016 là 30.000 tỷ đồng, năm 2017 đạt kỷ lục 140.000 tỷ đồng (chủ yếu nhờ 110.000 tỷ đồng từ thương vụ Sabeco), và nửa đầu năm 2018 đạt 28.100 tỷ đồng. Tổng số tiền thu về từ cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-nay đã gấp hơn ba lần giai đoạn 2011-2015.

Trong nửa đầu năm, một loạt thương vụ cổ phần hoá, thoái vốn đáng chú ý diễn ra. Nhiều trường hợp thực hiện IPO và được đón nhận tích cực bởi nhà đầu tư, như Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, thu về 5.566 tỷ đồng), Tổng công ty Dầu (PVOil, 4.177 tỷ đồng), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower, 7.000 tỷ đồng), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro, 1.000 tỷ đồng), Vinafood 2 (1.160 tỷ đồng), Tổng công ty Mía đường 2 (664 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, nhiều thương vụ có thể coi là không thành công như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) đấu giá lần hai gần 300 triệu cổ phần, chỉ bán thành công 5,1 triệu cổ phần; Tập đoàn Cao su chỉ bán được 101 triệu cổ phần, tương đương 1/5 khối lượng chào bán (475 triệu đơn vị), Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) chỉ bán thành công 2,8% khối lượng đăng ký, Tổng công ty Hàng Hải (Vinalines) chỉ bán thành công 5,4 triệu cổ phần trên 489 triệu cổ phần đăng ký. Vào đầu tháng 10, phiên đấu giá thứ hai của Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) cũng đã phải huỷ vì không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Chờ đợi làn sóng quý cuối năm

 Theo Quyết định 1232 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm ngoái, giai đoạn 2017-2020, 406 doanh nghiệp sẽ thực hiện thoái vốn Nhà nước, trong đó năm 2018 có thể coi là năm bản lề với 181 đơn vị, với một loạt tên tuổi lớn do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện này, sau đợt thoái vốn ở Nhựa Bình Minh hồi đầu năm, SCIC gần như phải chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Nghị định 32 về bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ ban hành đầu năm nay.

Đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC ông Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 32, tạo khung pháp lý cụ thể để triển khai hoạt động bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Ông Chi cho biết trong thời gian chờ đợi văn bản hướng dẫn trên, SCIC đã chủ động chuẩn bị trước các công tác như ký hợp đồng với các đầu mối thẩm định giá, các bước kỹ thuật liên quan, để khi có hướng dẫn chính thức sẽ rà soát, khớp nối và điều chỉnh hoặc bổ sung sự chuẩn bị đó, nhằm rút ngắn thời gian và chủ động hơn trong công tác bán vốn.

"Thời gian qua nếu ngồi chờ có các văn bản hướng dẫn mới làm thì bao giờ mới xong. Nên phải làm các công tác chuẩn bị trước, sau đó đối chiếu rà soát khi hướng dẫn ban hành. Khi có cơ chế hướng dẫn, đã chuẩn bị từ trước thì việc triển khai được nhanh", Chủ tịch SCIC nói, bổ sung thêm đầu mối này đã bắt đầu cho kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn trong những tháng cuối năm nay như Vinaconex, Vinacontrol...

Về cơ chế mới cho việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch SCIC cho rằng vì đặc thù của mỗi doanh nghiệp gắn với phương án thoái vốn khác nhau, phù hợp với các điều kiện, với các đối tượng nhà đầu tư, do vậy Nghị định 32 đã thể chế hóa điểm này, cho các phương án khác nhau, lựa chọn phương án phù hợp với mỗi doanh nghiệp. Đây là một bước tiến mới của cơ chế.

Như vậy, văn bản hướng dẫn mới ban hành của Bộ Tài chính có thể "cởi trói" cho SCIC và loạt doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thoái vốn trong phần còn lại của năm. Theo kế hoạch trong năm nay, nhiều cái tên đình đám dự kiến thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước là Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 95% về 65%, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (PLX) sẽ giảm từ 76% về 51%, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giảm về 36% so với 88% hiện nay... Với diễn biến kinh tế vĩ mô ổn định, cùng thị trường chứng khoán dần khởi sắc (VnIndex tăng 15% trong gần ba tháng qua), quý cuối cùng trong năm hứa hẹn sẽ chứng kiến nhiều cuộc thoái vốn có chất lượng cao.

Một khó khăn hiện nay là phần vốn Nhà nước tại nhiều công ty cổ phần vẫn chưa được chuyển giao về SCIC quản lý theo quyết định của Thủ tướng. Theo Quyết định 1232, các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh phải chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp thuộc 6 bộ và 16 địa phương, với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 chuyển giao 4 doanh nghiệp, năm 2018 là 55 doanh nghiệp và năm 2019 cần chuyển giao 3 doanh nghiệp cho SCIC quản lý.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2018, chỉ có 25/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 953 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.365 tỷ đồng được chuyển giao cho SCIC. Còn 37 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng đến nay chưa được chuyển giao. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng chậm trễ trên có nhiều, trong đó nhiều bộ, ngành chần chừ hoặc thậm chí "câu giờ" vì vấn đề lợi ích, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn, hoạt động có hiệu quả, được ví như "con gà đẻ trứng vàng". Do vậy, để quá trình cổ phần hoá được diễn ra một cách mạch lạc, cung cấp ra thị trường hàng hoá có chất lượng tốt, cần đầy nhanh hơn nữa quá trình chuyển giao phần vốn Nhà nước sang cho SCIC quản lý và thực hiện thoái vốn theo đúng quy định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ