‘Thiên thời, địa lợi, nhân hòa’, vì sao VN-Index vẫn chưa vượt mốc 1.200 điểm?

Nhàđầutư
Lần vượt đỉnh 1.200 trong phiên 18/3/2021 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung, VN-Index nói riêng ở vị thế rất khác so với hồi năm 2018.
HÓA KHOA
23, Tháng 03, 2021 | 07:22

Nhàđầutư
Lần vượt đỉnh 1.200 trong phiên 18/3/2021 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung, VN-Index nói riêng ở vị thế rất khác so với hồi năm 2018.

nhadautu - TTCK tang manh

Ảnh: Internet.

Đã từ rất lâu, giới đầu tư chứng khoán Việt Nam không lạ lẫm với con số 1.200. Đây là mốc điểm rất quan trọng với VN-Index. Nó vừa là mốc đỉnh lịch sử của thị trường (từng đạt được trong phiên 9/4/2018 và gần đạt được vào tháng 3/2007). Mặt khác, 1.200 cũng là vùng kháng cự rất mạnh của chỉ số VN-Index xét về mặt phân tích kỹ thuật.

Việc chinh phục thành công mốc 1.200 điểm đồng nghĩa VN-Index sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng dài hạn mới với các ngưỡng kháng cự cao hơn.

Mới đây, VN-Index đã đạt ngưỡng này trong ngày giao dịch 18/3/2021 với con số cụ thể là 1.200,94 điểm (tăng 1,25%). Dù vậy, ngay phiên sau đó (19/3), chỉ số đã  giảm 0,57% xuống 1.194,05 điểm.

Trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát dịch bệnh COVID-19 thành công, vĩ mô ổn định khi tăng trưởng GDP đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng năm 2020 cao nhất thế giới, nhà đầu tư hẳn có lý do để sốt ruột khi VN-Index mãi vẫn chưa thể chinh phục thành công mốc đỉnh lịch sử.  

Dẫu vậy, nên nhớ rằng lần vượt 1.200 điểm hiện tại của VN-Index đã khác rất nhiều so với hồi năm 2018.

Đặt bên cạnh các thành tựu đạt được, nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi nhờ vắc-xin.

Theo đó, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của dịch bệnh cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nối lại đường bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VnDirect nhận định tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp, và vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi trong năm 2021 nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Tăng trưởng của GDP Việt Nam trong năm 2021 được dự báo đạt trên dưới 7%.

Điều quan trọng nhất là sức khỏe doanh nghiệp năm 2021 đã tốt hơn rất nhiều so với năm 2018. Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nói, “Năm 2018 là chu kỳ gần đỉnh tăng trưởng của doanh nghiệp Việt bắt đầu từ năm 2016. Bước sang 2019, tăng trưởng có phần chậm lại và đến năm 2020 thì sụt giảm, dĩ nhiên cũng một phần do COVID-19”.

Trong một báo cáo mới đây, SSI Research kỳ vọng ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong quý 1/2021 nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý 4/2020.

Do đó, năm 2021 sẽ là câu chuyện hồi phục của các doanh nghiệp. Xét về mặt tâm lý, đây sẽ là một năm tích cực do Việt Nam đã vượt qua một năm 2020 chống chọi thành công với đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, còn phải đề cập đến sự tăng trưởng mạnh về mặt thanh khoản của VN-Index. Cụ thể, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân năm 2018 đạt 6.500 tỷ đồng/phiên. Đến năm 2020, con số này đạt hơn 12,44 nghìn tỷ đồng, tức gần gấp đôi so với năm 2018. Sang năm 2021, VN-Index gây ấn tượng với thanh khoản các phiên giao dịch dao động từ mức 13 nghìn tỷ - 15 nghìn tỷ đồng/phiên.

Bên cạnh các lập luận kể trên, ông Minh nhận định, “Điều quan trọng là mặt bằng lãi suất năm 2021 của Việt Nam khá thấp. Nên nhớ, lãi suất là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường chứng khoán”.

Vì sao VN-Index vẫn chưa thể “phá” mốc 1.200 điểm?

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam khẳng định, một trong những lý do cản trở VN-Index “phá” đỉnh là vấn đề nghẽn lệnh. Rõ ràng, nhà đầu tư đã quá quen thuộc với tình cảnh thị trường ngưng giao dịch khi tổng giá trị giao dịch VN-Index đạt khoảng 14.000 – 15.000 tỷ đồng.

“Chính vì nghẽn lệnh, nhà đầu tư đã cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu thuộc nhóm HNX, UPCOM – điều này vô hình chung khiến các chỉ số này tăng mạnh hơn so với VN-Index. Ngoài ra, ở thời gian trước, việc HOSE có dự định tăng lô từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu cũng dẫn đến nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa trung bình, vốn hóa nhỏ. Do đó, dòng tiền không tập trung ở nhóm vốn hóa lớn, hoặc các mã trên 3 con số cũng là lý do khiến VN-Index không chinh phục thành công mốc 1.200”, ông Nguyễn Thế Minh phân tích.

Mặt khác, margin tại các công ty chứng khoán đang trong tình trạng căng. “Việc thanh khoản thị trường tăng nhanh khiến các công ty chứng khoán không kịp tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay. Chúng ta có thể thấy, một số đơn vị đã dùng đến phương án huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ khách hàng với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm”, ông Minh nhận định.

Dẫu vậy, cần hiểu rằng bài toán này sẽ được giải quyết một khi các công ty chứng khoán hoàn thành việc tăng vốn. Mới đây, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2020 CTCP Chứng khoán VnDirect (HOSE: VND) đã thông qua phương án chào bán tối đa hơn 220 triệu cổ phiếu (tỷ lệ thực hiện quyền mua 1:1). Mục đích của đợt chào bán này là tăng quy mô vốn hoạt động của công ty, mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có đảm bảo.

Hay, trước đó vào tháng 2/2021, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ gấp rưỡi lên lên 4.583 tỷ đồng thông qua hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Nếu được chấp thuận, công ty chứng khoán này sẽ phát hành mới 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 31/3 tới đây tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Nhadautu.vn sẽ tổ chức Toạ đàm: "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững".

Buổi toạ đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ KH&ĐT, các sàn giao dịch HNX, HoSE, các chuyên gia tài chính cùng đại diện các công ty chứng khoán, công ty niêm yết lớn. Toạ đàm sẽ được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tin đại chúng.

Để toạ đàm có chất lượng, thiết thực góp phần phát triển thị trường, Tạp chí điện tử Nhadautu.vn hoan nghênh và mong muốn lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư về thực trạng và những băn khoăn về thị trường chứng khoán hiện nay. Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ