Thị trường có thể điều chỉnh ngắn hạn, nhưng còn dư địa trung, dài hạn

Nhàđầutư
Các chuyên gia chứng khoán đều nhìn nhận tâm lý nhà đầu tư đang yếu và chưa sẵn sàng gia nhập thị trường do lo ngại điều chỉnh trong ngắn hạn.
HỮU BẬT
18, Tháng 07, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Các chuyên gia chứng khoán đều nhìn nhận tâm lý nhà đầu tư đang yếu và chưa sẵn sàng gia nhập thị trường do lo ngại điều chỉnh trong ngắn hạn.

chot-10-1622382240271300359381

Ảnh: Internet

Kết thúc tuần giao dịch 12 - 16/7, VN-Index cán mốc 1.299,31 điểm, giảm 3,6% so với tuần trước đó, tương đương số tuyệt đối là -38,8 điểm. 

Thanh khoản tiếp tục suy giảm với tổng giá trị giao dịch (khớp lệnh) bình quân trên sàn HOSE tuần này đạt khoảng 17.876 tỷ đồng/phiên, giảm gần 8,1% so với tuần trước.  

Nhìn chung, thị trường trong tuần giao dịch vừa qua diễn biến giằng co, xu hướng không rõ ràng. Người “kẹp” cổ dường như chấp nhận tiếp tục nắm giữ và không cắt lỗ, người mua cũng chỉ dám giải ngân với tỷ trọng thấp do lo ngại chỉ số còn điều chỉnh.

Vậy thị trường sẽ có xu hướng vận động thế nào? Với mức giảm hiện tại, định giá TTCK đã hấp dẫn? Nhà đầu tư nên tiếp tục lo ngại, hay có thể mạnh dạn giải ngân trở lại?

Để làm rõ các câu hỏi trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam và ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VnDirect.

PV: VN-Index tiếp tục điều chỉnh với mức giảm 3,6% tuần qua. Dễ nhận thấy, các phiên giảm điểm của chỉ số thường có thanh khoản khá lớn và vượt trội hơn hẳn so với những phiên tăng. Phải chăng tâm lý nhà đầu tư vẫn còn yếu? Thị trường cần thời gian tìm lại mức cân bằng? Hay điều này phản ánh TTCK vẫn chưa “thoát” khỏi vùng rủi ro?

Ông Lê Đức Khánh: Trước khi rơi vào nhịp điều chỉnh, thanh khoản thị trường đã sẵn ở mức thấp. Đến khi chỉ số giảm điểm, áp lực bán rất mạnh đã đẩy thanh khoản tăng. Cùng với đó, việc thị trường giảm nhanh đã khiến nhiều nhà đầu tư bị lỗ sâu và họ không bán nữa. Dù vậy, họ cũng không dám mua vào khi thị trường tăng vì lo ngại điều chỉnh tiếp. Điều này dẫn tới thanh khoản các phiên tăng điểm thường khá thấp.

Tôi cho rằng, thị trường có thể điều chỉnh thêm và áp lực bán từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn. Các phiên giao dịch trong tuần tới có thể khá quan trọng. Phiên thứ Hai đầu tuần, chỉ số chính có thể hồi phục, nhưng sau đó có thể điều chỉnh. Thậm chí, thị trường có thể còn giảm nữa và tìm điểm cân bằng quanh vùng  1.210 – 1.220 điểm theo kịch bản tệ nhất. Tôi kỳ vọng, chỉ số chỉ giảm xuống vùng 1.280 điểm.

luu-duc-khanh-0941

TS. Lê Đức Khánh.

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong đà giảm của thị trường, những nhịp điều chỉnh đi kèm thanh khoản tăng cao thường cho thấy khả năng duy trì xu hướng giảm vẫn còn.

Trong 2 tuần giao dịch trở lại đây, thanh khoản mặt bằng chung của của thị trường thường ở mức thấp. Đây vừa là dấu hiệu lực cầu đang yếu đi, áp lực bán vẫn còn lớn, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng và bi quan về xu hướng hiện tại. Do đó, sự hồi phục của chỉ số trong một số phiên tuần qua có thanh khoản thấp.

Tại vùng đáy của thị trường, các nhà đầu tư thường có xu hướng mua vào. Tuy nhiên, với tâm lý “dò đáy” (do lo ngại thị trường còn giảm nữa – PV), họ chỉ giải ngân mua với tỷ trọng khá thấp.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Thị trường điều chỉnh giảm gần 51 điểm ngay trong phiên đầu tuần với thanh khoản rất cao. Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn do lo ngại về tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, điều này dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu. Ở các phiên cuối tuần, thị trường có phần bình ổn hơn, giá cổ phiếu hồi phục, nhưng thanh khoản lại giảm. Thị trường do đó tăng trong sự hoài nghi.

Điều này cho thấy nhà đầu tư rất thận trọng do dịch bệnh COVID-19 ngày càng có diễn biến phức tạp.

PV: Trong tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 2.328 tỷ đồng. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này, đặc biệt đặt trong bối cảnh chỉ số tuần rồi điều chỉnh mạnh?

Ông Lê Đức Khánh: Theo thống kê, trong 2 tuần giao dịch đầu tháng 7, khối ngoại mua ròng 6.000 tỷ đồng. Việc khối ngoại mua ròng có thể hiểu là họ coi chỉ số hiện đang ở mức rẻ. Mặt khác, ở các quỹ mô phỏng chỉ số VN30, họ cơ cấu quỹ và mua cổ phiếu vào đúng thời điểm chỉ số giảm mạnh.  

Ông Nguyễn Thế Minh: Việc khối ngoại mua ròng có thể vì họ đánh giá thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn, tiệm cận mức P/E trung bình từ năm 2000 đến nay là 16,1 lần.

Đồng thời, sắp tới, chúng ta chuẩn bị bước vào kỳ BCTC quý II/2021, đây có thể là quý tăng trưởng kế tiếp. Với lợi nhuận tăng, EPS doanh nghiệp cũng tăng theo, P/E có thể được định giá lại. Theo tính toán, P/E thị trường có thể về mức thấp và thậm chí dưới 16 lần.

Việc NĐTNN mua ròng có thể do áp lực giải ngân. Cho đến hết quý II/2021, tỷ lệ tiền mặt của các quỹ đều tăng. Trong khi đó, nguyên tắc của quỹ là không được duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong thời gian dài. Do vậy, họ bắt buộc phải giải ngân để giảm tỷ lệ tiền mặt. Đặc biệt, việc thị trường đang ở vùng hấp dẫn càng khuyến khích NĐTNN gia nhập thị trường.

Mặt khác, dù TTCK Việt Nam suy giảm, nhưng TTCK ở các nước trên thế giới như Mỹ, London, Hàn Quốc, HongKong,... không giảm mạnh. Do vậy, các quỹ “offshore” (thường niêm yết tại các TTCK các nước phát triển) không bị giảm nhiều, nên tỷ lệ premium tăng mạnh (tỷ lệ premium tính bằng giá chứng chỉ quỹ trừ đi NAV quỹ - PV). Đây cũng là lý do các quỹ này huy động thêm tiền vào TTCK.

Lưu ý rằng, tỷ lệ này càng cao, các quỹ ETF càng có xu hướng mua ròng. Theo thống kê của tôi, với tỷ lệ premium tăng từ 1% trở lên, nhà đầu tư thường có xu hướng đổ thêm tiền vào các quỹ ETF.

screen-shot-2021-03-31-at-111258-am-1113

Ông Nguyễn Thế Minh.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Việc TTCK giảm chủ yếu do tác động của yếu tố tâm lý. Kể từ vùng đỉnh, chỉ số chính đã giảm khoảng gần 10%, P/E hiện khoảng 17,5 lần. Với việc lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng 30%, P/E thị trường sẽ là khoảng 15 lần trong trường hợp thị trường giữ nguyên mức điểm số.

Tôi cho rằng, đây là mức hấp dẫn để NĐTNN mua ròng cổ phiếu. Mặt khác, phải kể đến nhiều yếu tố tác động khác như: VN-Index vận hành trơn tru sau khi HOSE có hệ thống giao dịch mới; mặt bằng cổ phiếu đã chiết khấu mạnh.

Ông Đinh Quang Hinh: Theo quan sát của chúng tôi, đà mua ròng của khối ngoại có đóng góp lớn từ quỹ Fubon khi quỹ này huy động tới gần 1.900 tỷ đồng trong tuần qua. Theo tôi, đà giảm điểm của thị trường chứng khoán vừa qua đã kích thích lực cầu của khối ngoại, khi định giá của TTCK Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm vài tuần trước đây. 

PV: Sau thông tin về việc NHNN tăng “room” tín dụng (phiên 15/7) cho các nhà băng đã đáp ứng chuẩn Basel 2, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phản hồi khá tích cực. Ông nhìn nhận thế nào về thông tin này? Và ảnh hưởng đến KQKD năm 2021 của các ngân hàng thế nào?

Ông Lê Đức Khánh: Những câu chuyện về tăng trưởng tín dụng, nới “room” đều được coi là các yếu tố hỗ trợ tốt về triển vọng doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng. Dù vậy, trong nhiều tháng trở lại đây, định giá cổ phiếu ngân hàng đã ở mức khá cao. Do đó, dù có thông tin hỗ trợ, nhưng yếu tố cơ bản không giải thích được. Bởi, đã có những cổ phiếu ngân hàng có thị giá quá cao, vượt mức hợp lý.  

Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu ngân hàng sau khi điều chỉnh đang giao dịch ở vùng giá thấp hơn mức hợp lý. Do đó, tôi cho rằng, các cổ phiếu ngân hàng thời gian tới sẽ có sự phân hóa.

Ông Nguyễn Thế Minh: Việc NHNN tăng “room” tín dụng cho một số nhà băng sẽ ảnh hưởng tích cực, vừa đảm bảo lợi nhuận các ngân hàng này, vừa giúp giải quyết bài toán thêm “room” cho các doanh nghiệp sản xuất trở lại.

Tôi cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng vẫn duy trì tốt từ “core” kinh doanh. Nhưng, lưu ý rằng, mảng kinh doanh chính yếu này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh. Trong trường hợp Chính phủ có thể kiểm soát dịch COVID-19 trong tháng 7 và tháng 8, tăng trưởng tín dụng các ngân hàng có thể tăng mạnh. Còn ở trường hợp ngược lại, mốc “timing” nói trên có thể phải lùi xuống tháng 10.

Ngoài nguồn thu từ tín dụng, lợi nhuận các nhà băng còn đến từ “Bancassurance”. Nguồn thu nhập ngoài lãi này đã đẩy lãi ròng năm 2020 nhiều ngân hàng tăng tốt. Do đó, nhiều khả năng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong quý II và quý III sẽ không còn được như quý I/2021, tất nhiên trừ trường hợp các nhà băng có thể “deal” lại phí với các công ty bảo hiểm.

Bên cạnh đó, phải kể đến nguồn thu từ trái phiếu. Trong năm 2019 và 2020, các nhà băng có nguồn thu nhập lớn nhờ trái phiếu. Dù vậy, với việc Bộ Tài chính và NHNN siết chặt việc các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu, về cơ bản tôi cho rằng lợi nhuận từ trái phiếu với các ngân hàng trong năm nay sẽ không còn đột biến.

Một vấn đề khác với các nhà băng là nợ xấu. Với tình hình đại dịch COVID-19 càng có diễn biến khó lường, nợ xấu ngân hàng có thể tăng lên, từ đó dẫn đến chi phí dự phòng tăng theo. Tôi cho rằng, có khả năng nợ xấu ngân hàng tăng trong quý III/2021, nhưng kiểm soát được vào quý IV năm nay.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi đánh giá thông tin này sẽ tác động tích cực tới các cổ phiếu ngân hàng. Nhìn lại một chút, việc cổ phiếu nhóm này thời gian trước đó bị điều chỉnh nhiều khả năng liên quan tới “room” tín dụng đã cạn, dòng tiền theo đó chốt lời cổ phiếu sau một thời gian tăng nóng. Sau khi được nới “room”, nhà đầu tư rõ ràng kỳ vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng sẽ cải thiện.

Tôi đánh giá, lợi nhuận các ngân hàng có thể tăng trưởng trên 30%. Với mặt bằng giá hiện tại, P/E nhóm này hiện ở mức dưới 10 lần, thấp hơn nhiều so với thị trường chung.

Ông Đinh Quang Hinh: Thông tin này không quá bất ngờ do NHNN vẫn thường giao chỉ tiêu tín dụng cho ngân hàng tùy thuộc vào tình hình thị trường thực tế cũng như điều kiện cụ thể của từng ngân hàng. Với dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt mức 13%, chúng tôi cho rằng NHNN có thể xem xét tiếp tục nới room tín dụng cho một số NHNN trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và trợ lực cho tăng trưởng kinh tế. Thông tin này sẽ có tác động tích cực đến KQKD của các ngân hàng được nới room tín dụng cũng như diễn biến giá cổ phiếu ngành ngân hàng.

3109_NDM_6538

Ông Đỗ Bảo Ngọc.

PV: Mùa BCTC quý II/2021 có thể coi là yếu tố “cứu cánh” thị trường trong thời gian tới? Ngoài ra, ông có thể chia sẻ về góc nhìn của TTCK trong trung/dài hạn hoặc ít nhất là trong gần nửa cuối năm 2021?

Ông Lê Đức Khánh: Mùa BCTC quý II/2021 chỉ phần nào đó tác động đến thị trường. Nhiều doanh nghiệp có sự tăng trưởng đột phá như cảng biển, chứng khoán, ngân hàng, thép, hóa chất,... nhưng cũng có các nhóm ngành có tình hình tài chính suy giảm.

Do đó, thị trường sẽ diễn biến theo chiều hướng có sự phân hóa.

Về diễn biến thị trường trong năm 2021, tôi cho rằng tăng trưởng GDP sẽ phần nào ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 có những diễn biến nghiêm trọng hơn dự tính. Từ đó, triển vọng TTCK trở nên ít lạc quan hơn.

Dù vậy, điểm cộng của thị trường là việc khối ngoại trở lại mua ròng trong tháng 7/2021. Mặt khác, việc dòng tiền nhập cuộc thị trường mạnh mẽ đã khiến chỉ số không điều chỉnh sâu.

Tôi cho rằng, chỉ số VN-Index trong năm 2021 có thể đạt mốc 1.500 điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi đánh giá lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2021 sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ. Tính toán P/E 4 quý gần nhất (từ quý II/2020 đến quý I/2021) của VN-Index khoảng 15,6 – 16 lần. Với việc KQKD quý II tăng trưởng, định giá P/E của chỉ số có thể hấp dẫn hơn.

Nhìn chung, tôi duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2021 là 23%. Dù vậy, với việc pha loãng cổ phiếu, mức tăng trưởng sẽ chỉ còn từ 5 – 6%.

Tôi cho rằng, nhóm thực phẩm, xuất khẩu, vận tải biển,... có thể được hưởng lợi.

Rủi ro của chỉ số sẽ ở chiều hướng thấp, khả năng VN-Index giảm điểm thêm sẽ thấp hơn so với các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Tôi đánh giá, VN-Index ít nhất có thể quay lại vùng đỉnh cũ 1.400 điểm và xa hơn có thể là 1.500 điểm.

Diễn biến này là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn tham gia trở lại thị trường và những ai bỏ lỡ cơ hội nhập cuộc thị trường từ đầu năm nay.

Ndt - Dinh Quang hinh

Ông Đinh Quang Hinh.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Kết quả kinh doanh trong quý II/2021 sẽ có sự phân hóa. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến vận động giá cổ phiếu trên thị trường.

Nhìn nhận về thị trường, có thể thấy các Ngân hàng Trung ương trên thế giới (đơn cử là FED) vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất “lỏng”.

Với Việt Nam, NHNN vẫn không thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại khi tiếp tục thúc đẩy giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Trong mặt bằng này, lãi suất Việt Nam sẽ tiếp tục thấp và TTCK sẽ là một trong những kênh đầu tư triển vọng thu hút dòng tiền.

Trong ngắn hạn, thị trường rõ ràng vẫn có rủi ro chịu tác động từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, triển vọng các doanh nghiệp niêm yết ở trung/dài hạn vẫn khả quan.

Ông Đinh Quang Hinh: Từ nay đến cuối năm 2021, chúng tôi cho rằng TTCK vẫn còn dư địa tăng trưởng nhờ (1) môi trường lãi suất thấp giúp TTCK hút dòng tiền từ nhà đầu tư nội, (2) lợi nhuận của các DN niêm yết tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực hỗ trợ cho định giá thị trường. Chúng tôi dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có thể tăng 30% so với cùng kỳ trong năm 2021, qua đó chỉ số P/E forward của chỉ số VN-INDEX chỉ ở mức 16,3 lần. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn các TTCK trong khu vực nếu xét trên yếu tố triển vọng phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và định giá trong giai đoạn 2021-2023. Do vậy, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam xứng đáng được trả “premium” so với mức định giá P/E bình quân lịch sử và kỳ vọng chỉ số VN-INDEX có thể đạt mức 1.400-1.450 điểm vào cuối năm nay, tương đương giao dịch tại mức P/E 17,5-18 lần.

Xin cám ơn!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ