Thấy gì từ việc phát sinh hơn 230 tỷ đồng lãi vay đoạn 2,75 km đường Vành đai 2 TP.HCM?

Nhàđầutư
Công ty CP Văn Phú Bắc Ái được UBND TP.HCM lựa chọn làm nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đoạn 2,75 km (Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa) đường Vành đai 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Nhiều năm “trùm mền”, đến nay, dự án này đã phát sinh hơn 230 tỷ đồng.
ĐÌNH NGUYÊN
18, Tháng 12, 2021 | 08:20

Nhàđầutư
Công ty CP Văn Phú Bắc Ái được UBND TP.HCM lựa chọn làm nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đoạn 2,75 km (Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa) đường Vành đai 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Nhiều năm “trùm mền”, đến nay, dự án này đã phát sinh hơn 230 tỷ đồng.

vanh-dai-2-tphcm

Đoạn đường dài 2,75 km từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, TP. Thủ Đức thuộc dự án đường Vành đai 2 TP.HCM nhiều năm ngưng thi công.

"Trùm mền" phát sinh hàng trăm tỷ đồng

Công ty CP Văn Phú Bắc Ái được UBND TP.HCM lựa chọn làm nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đoạn 2,75 km (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, TP. Thủ Đức) thuộc đường Vành đai 2 TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Cuối năm 2017, dự án khởi công và tạm dừng khi đạt gần 44% khối lượng.

Trong báo cáo của  Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM gửi UBND TP.HCM liên quan tình hình thực hiện dự án này đã đề cập đến việc phát sinh lãi vay cho đoạn đường rất ngắn này. Cụ thể, sau khi nhà đầu tư Văn Phú Bắc Ái tính toán từ lúc công trình dừng thi công từ tháng 3/2020 đến nay, con số phát sinh lãi vay là hơn 230 tỷ đồng.

Ghi nhận thực thế của phóng viên Nhadautu.vn cho thấy, sau nhiều năm “trùm mền” dự án, đoạn đường này đến nay vẫn còn dang dở, vật liệu xây dựng ngổn ngang, sắt thép hoen gỉ, cỏ mục um tùm. Người dân cũng không biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành.

Phía Văn Phú Bắc Ái cho rằng, nguyên nhân việc dự án ngưng thi công là do giải phóng mặt bằng chậm, đồng thời phải chờ UBND TP.HCM ký phụ lục hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, định giá các lô đất để thanh toán cho đầu tư công trình... Đến nay, dự án đã được TP. Thủ Đức bàn giao gần 74% diện tích đất cần giải tỏa.

Còn Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, dự án dừng thi công khiến thời gian hoàn thành công trình kéo dài, phát sinh lãi vay trong quá trình thực hiện. Đơn vị đã kiến nghị UBND TP.HCM sớm chỉ đạo sở ngành giải quyết vướng mắc liên quan điều chỉnh dự án, thời gian thực hiện, thanh toán đất đối ứng... Điều này giúp tránh hệ luỵ phát sinh lãi vay, lãng phí ngân sách, ảnh hưởng môi trường đầu tư ở TP.HCM.

Theo quy hoạch, Vành đai 2 TP.HCM dài hơn 64 km, đến nay hoàn thành 50 km. Ngoài đoạn 2,75 km nói trên, tuyến còn hơn 11 km chưa được đầu tư, chia làm 3 đoạn. Cụ thể đoạn từ Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,5 km, vốn đầu tư gần 8.600 tỷ đồng) và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8 km, tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng). Đoạn còn lại dài 5,3 km, từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (đi qua quận 8, Bình Tân, Bình Chánh), tổng đầu tư ước tính hơn 9.200 tỷ đồng.

Tuyến Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức), điểm cuối ra QL 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM.

Đây là trục đường có vai trò đặc biệt quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Nhưng nhiều năm qua, dự án chưa thể khép kín khiến giao thông thành phố ngày càng quá tải, đặc biệt, đời sống người dân - nơi dự án đi qua gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vấn đề hoài nghi?

Ngày 25/11/2016, UBND TP.HCM và liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest - Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái ký hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1, TP. Thủ Đức theo hình thức BT.

Hợp đồng nêu rõ, thời điểm thanh toán hợp đồng BT là thời điểm UBND TP.HCM ban hành quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Các khu đất được sử dụng để thanh toán gồm: khu đất 234 Lý Tự Trọng (quận 1, rộng 643 m2), khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, 7.200 m2), khu đất 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, 12.240 m2), khu đất 132 Đào Duy Từ (quận 10, 10.618,5 m2), khu đất 12 Kỳ Đồng (quận 3, 940 m2) và khu đất 42 Trương Định (quận 3, 807 m2).

Đến ngày 6/3/2017, Văn Phú Bắc Ái với tư cách bên chuyển nhượng đã ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 132 Đào Duy Từ (quận 10) cho Công ty TNHH Joming với giá 370 tỷ đồng (37 triệu đồng/m2). Giá trị này được các bên xác nhận là đã bao gồm tiền sử dụng đất, giá trị tài sản trên đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Như vậy, căn cứ vào thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc và nội dung trong hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND thì khu đất 132 Đào Duy Từ chưa được cơ quan chức năng chấp thuận cho phép chuyển đổi.

Tuy nhiên, phía Văn Phú Bắc Ái đã làm ngược với quy định khi ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng cho Công ty TNHH Joming với giá trị 370 tỷ đồng, chia làm 4 đợt thanh toán gồm: Các đợt 1, 2, 3 đặt cọc với số tiền mỗi đợt 74 tỷ đồng và đợt thanh toán cuối cùng là 148 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khi tìm hiểu thông tin về Công ty TNHH Joming, trong giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi địa chỉ công ty tại phòng 1, lầu 2, số 253 Điện Biên Phủ, quận 3. Nhưng thực tế, nhân viên toà nhà cho biết, hiện tại không có bất kỳ công ty nào đang thuê hoặc làm việc tại đây.

Đến trụ sở chính tại tầng 15, Toà nhà Lim II Tower, quận 3 của Joming được ghi rõ trong hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng khu đất 132 Đào Duy Từ cũng cho thấy điều tương tự. Bộ phận quản lý tòa nhà khẳng định, tên Joming nghe rất lạ và địa chỉ này đang do một doanh nghiệp khác thuê làm văn phòng.

Công ty Văn Phú Bắc Ái nói gì?

Trao đổi Nhadautu.vn, đại diện Văn Phú Bắc Ái cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dừa - Quốc lộ 1, TP. Thủ Đức theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT). Cụ thể, giá trị hợp đồng BT là hơn 2.765 tỷ đồng gồm giá trị Dự án BT là hơn 944,2 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 1.821 tỷ đồng. 

Các khu đất được thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định tại Hợp đồng BT: Khu đất 234 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM; khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM; khu đất 582 Kinh An Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM; khu đất 132 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10, TP.HCM; khu đất 12 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP.HCM; khu đất 42 Trương Định, phường 7, quận 3, TP.HCM.

Ngoài ra, theo quy định tại Hợp đồng BT thì nhà đầu tư được quyền đề xuất để UBND TP.HCM xem xét giao bổ sung các khu đất khác vào Quỹ đất để thanh toán cho Hợp đồng BT. Trong trường hợp giá trị các quỹ đất thanh toán chưa đủ để thanh toán, UBND TP.HCM sẽ trả phần còn thiếu từ nguồn tiền thu được từ đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, từ nguồn thu khác và ngân sách thành phố.

Đến nay, công tác thi công giá trị sản lượng đạt 447,940 tỷ đồng, tương đương 43,79% tổng sản lượng dự án. Công tác giải phóng mặt bằng và đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay đã hoàn thành xong 91,5%. Công ty đã triển khai thi công hết công địa với những mặt bằng đã tiếp nhận từ địa phương đủ diện tích bố trí thi công. 

Tuy nhiên, theo Văn Phú Bắc Ai thì dự án vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Cụ thể, vướng mắc chính của dự án là trong quá trình thực hiện dự án đến nay, nhà đầu tư Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái đã tạm ứng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí thi công tuyến đường trong thời gian hơn 2 năm kể từ ngày khởi công, đến nay lên đến gần 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm qua, do gặp một số vướng mắc về chính sách nên UBND TP.HCM chưa giải ngân được cho Văn Phú Bắc Ái khoản thanh toán nói trên theo thoả thuận Hợp đồng BT, khiến doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn.

Về thông tin Văn Phú Bắc Ái có ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất 132 Đào Duy Từ, P6, Quận 10 cho Công ty TNHH Joming, theo đại diện Văn Phú Bắc Ái, đây là thoả thuận nguyên tắc và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. "Việc có một số thông tin liên quan cho rằng Công ty Văn Phú Bắc Ái xẻ thịt, bán đất công là không có cơ sở, mang tính quy chụp và gây nên hiểu nhầm từ dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp", đại diện Văn Phú Bắc Ái nói.

Cũng theo Văn Phú Bắc Ái, đến nay công ty đã rất tuân thủ theo toàn bộ quy định của hợp đồng dự án. Công ty đã tự ứng chi phí của doanh nghiệp để chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án BT lên đến gần 1.400 tỷ đồng, nhưng do nhiều vướng mắc nên UBND TP.HCM đang bị chậm trong việc giải ngân cho doanh nghiệp các khoản thanh toán theo điều khoản hợp đồng BT đã ký. "Trong giai đoạn khủng hoảng kép vì COVID-19 và thiếu nguồn vốn hiện nay, Văn Phú Bắc Ái rất cần sự động viên từ các cơ quan chức năng để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn", vị đại diện Văn Phú Bắc Ái nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ