Tuyến đường 2,75km, vốn 2.700 tỷ đồng 3 năm thi công vẫn dang dở

Nhàđầutư
Là tuyến đường trọng điểm của vành đai 2, với chiều dài chỉ vỏn vẹn gần 2,75km, đoạn đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) vẫn chưa thể hoàn thành. Lý do, vì chậm giải phóng mặt bằng và thiếu sự thống nhất giữa chủ đầu tư và chính quyền thành phố.
NGUYÊN VŨ
03, Tháng 12, 2020 | 06:57

Nhàđầutư
Là tuyến đường trọng điểm của vành đai 2, với chiều dài chỉ vỏn vẹn gần 2,75km, đoạn đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) vẫn chưa thể hoàn thành. Lý do, vì chậm giải phóng mặt bằng và thiếu sự thống nhất giữa chủ đầu tư và chính quyền thành phố.

3 năm thi công vẫn dang dở

Đường vành đai 2 là tuyến đường bộ đô thị cấp 1 vòng tròn ở TP.HCM. Được quy hoạch từ năm 2007, có quy mô từ 6 - 10 làn xe, chiều rộng trung bình 35m. Theo kế hoạch, việc xây dựng tuyến sẽ hoàn tất vào năm 2025.

Tuyến đường vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (quận 9) nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), điểm cuối ra QL1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM.

Sau gần 13 năm triển khai, tuyến đường này mới hoàn thành được hơn 50 km với các đoạn từ cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) trên QL1 đến vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh); đoạn từ nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh với đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, huyện Bình Chánh) đến cầu Phú Hữu (quận 9).

Hiện nay, đường vành đai 2 còn gần 13km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (quận Thủ Đức); đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tại ngã ba Linh Đông (quận Thủ Đức); đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức); đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Trong đó, đoạn 1 và 2 chuẩn bị hoàn tất các thủ tục chờ phê duyệt chủ trương đầu tư công với tổng mức 14.600 tỷ đồng. Đoạn 4 đang chờ bố trí vốn để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

128307481_812543716261077_5968247373160859792_n

Đoạn đường gần 3km với vốn hơn 2.700 tỷ đồng đang chậm tiến độ thi công

Đáng chú ý, đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) hiện nay đã dừng thi công do nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thiếu thống nhất giữa nhà đầu tư với chính quyền thành phố.

Đoạn đường đường này có chiều dài 2,75km, rộng 67m, giai đoạn 1 làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5m cho 6 làn xe. Dự kiến hoàn thành cuối năm 2020, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đoạn đường chỉ mới thi công được 44% khối lượng, vắng bóng công nhân, máy móc, cỏ mọc um tùm, sắt thép hoen gỉ.

Dự án có tổng vốn là 2.765 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm nhà đầu tư. Theo hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và Công ty CP Văn Phú Bắc Ái ký kết năm 2016, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.821 tỷ đồng, còn lại là giá trị thực hiện dự án. Các nhà đầu tư sẽ được UBND TP.HCM thanh toán bằng 6 khu đất. Nguyên tắc thanh toán là ưu tiên thanh toán trước, chi phí giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư ứng để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân vì sao?

Dự án phải dừng thi công, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng là do nhiều hộ dân chưa đồng ý chính sách bồi thường, chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền quận Thủ Đức. Thực tế cho thấy, đoạn đường này đến nay vẫn còn dang dở, vật liệu xây dựng ngổn ngang, sắt thép hoen gỉ, cỏ mục um tùm. Trong khi người dân cũng chưa biết đến bao giờ dự án mới hoàn thiện.

Trao đổi với chúng tôi, một số hộ gia đình có đất nằm trong dự án mở đường vành đai 2 cho biết, giá đất đền bù mà thành phố đưa ra hiện nay quá thấp so với thị trường, khoảng 12 triệu đồng/m2. Vì vậy, nhiều hộ gia đình vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

“Hơn 3 năm chúng tôi đợi con đường mới này để đi lại cho thuận tiện, bớt kẹt xe nhưng cho đến nay vẫn chưa xong. Nhiều người chưa chịu bàn giao mặt bằng là do số tiền đền bù quá ít, trong khi có những hộ có hơn 2.500m2 đất trong dự án. Không biết đến khi nào mới hoàn thành, từ khi có dự án đi qua, cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn”, ông Hưng, người sinh sống hơn 10 năm ở khu vực này cho hay.

Tháng 6/2019, Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận Thủ Đức đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư triển khai thi công công trình nhằm bảo đảm tiến độ dự án.

129418553_208114850897038_1076516734076803143_n

Công tác giải phóng mặt bằng là một trong nhiều nguyên nhân khiến dự án còn dang dở

Lúc đó, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, Trưởng đoàn giám sát dự án cho biết: Dự án đường vành đai 2 có mục tiêu kết nối các trục giao thông chính là đường Phạm Văn Đồng với QL1 và từng bước thực hiện khép kín tuyến đường vành đai 2 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các dự án chỉnh trang đô thị dọc tuyến vành đai 2 theo quy hoạch.

Vì vậy, HĐND thành phố đề nghị chủ đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận Thủ Đức sớm thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ động triển khai dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết trên tinh thần nhận mặt bằng đến đâu, triển khai thi công dự án đến đó.

Đồng thời, HĐND thành phố yêu cầu UBND quận Thủ Đức thường xuyên kiểm tra tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng; tổ chức tiếp dân để tuyên truyền, vận động người dân và nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ nhằm tạo sự đồng thuận để người dân bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ động phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ cho các nhà đầu tư và quận Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, việc chậm tiến độ là do dự án đang chờ điều chỉnh, thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã có Thông báo số 722/TB-KTNN kết luận, xác định Hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư không nêu cơ cấu tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để đền bù giải phóng mặt bằng, điều khoản quy định số tiền được khấu trừ bao gồm chi phí lãi vay và các chi phí khác liên quan là không đúng quy định.

Trong đó, việc lập dự toán bóc tách khối lượng, áp dụng đơn giá ở dự án chưa chính xác khoảng 10,5 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Công ty CP Văn Phú Bắc Ái điều chỉnh giảm chi phí đầu tư thực hiện và chi phí lãi vay số tiền hơn 46,5 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại tại các gói thầu hơn 38,7 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ số tiền hơn 33,8 tỷ đồng.

Yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với cơ quan nhà nước điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Để thực hiện đoạn đường đoạn đường gần 3km này, nhà đầu tư được UBND TP.HCM thanh toán bằng 6 khu đất để khai thác kinh doanh thu hồi vốn, bao gồm: khu đất số 234 Lý Tự Trọng (quận 1) rộng 643m2; 129 Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) rộng 7.200 m2; 132 Đào Duy Từ (quận 10) rộng hơn 10.600m2; 12 Kỳ Đồng (quận 3) rộng 940 m2; 42 Trương Định (quận 3) rộng 807m2 và số 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) rộng 12.240 m2.

128707212_213714780275758_8541403246014820764_n

 Công trường vắng bóng công nhân, vật liệu xây dựng ngổn ngang, sắt thép hoen gỉ…

Theo Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, hiện nay, công ty vẫn chưa được bàn giao bất cứ khu đất nào như đã ký kết trong hợp đồng, dù dự án đã triển khai thi công với giá trị gần 448 tỷ đồng, gần 44% khối lượng. Mới đây, công ty cũng đã có văn bản gửi cơ quan chức năng TP.HCM kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, dự án chậm tiến độ ngoài nguyên nhân giải phóng mặt bằng, còn bởi năng lực quản lý điều hành của chủ đầu tư hạn chế, sự phối hợp với các cơ quan liên quan chưa tốt. Qua đó, Sở đề nghị chủ đầu tư rà soát, lập tiến độ chi tiết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, giải pháp đẩy nhanh tiến độ… để cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Tuyến đường vành đai 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với quy hoạch giao thông TP.HCM, giúp hạn chế lượng lớn phương tiện vận tải đi vào trung tâm thành phố. Qua đó, giảm thiểu được tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng, cho đến nay tuyến đường này vẫn còn dang dở do những nguyên nhân nêu trên, dẫn đến hệ thống giao thông thành phố thiếu tính đồng bộ kết nối.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ