Thanh khoản hệ thống thu hẹp gây áp lực lên lãi suất

Nhiều ngân hàng liên tục tăng mạnh khung lãi suất tiền gửi, phản ánh áp lực thanh khoản đang lớn dần chứ không đơn thuần điều chỉnh chỉ để giữ chân người gửi tiền vì lo ngại lạm phát.
TUỆ NHIÊN
18, Tháng 07, 2022 | 09:53

Nhiều ngân hàng liên tục tăng mạnh khung lãi suất tiền gửi, phản ánh áp lực thanh khoản đang lớn dần chứ không đơn thuần điều chỉnh chỉ để giữ chân người gửi tiền vì lo ngại lạm phát.

lai-suat

Sau BIDV đến lượt Agribank cũng nhập cuộc tăng lãi suất trong đợt tăng lãi suất nửa đầu tháng 7/2022. Ảnh: N.K

Áp lực lạm phát có đáng kể?

Mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tiếp tục có đợt tăng mới trong nửa đầu tháng 7/2022, có thể kể đến như BaoViet Bank, ACB, Techcombank, Sacombank,… Đây đa phần là những ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn trong hệ thống. Đáng lưu ý là trong nhóm ngân hàng gốc quốc doanh cũng đã chứng kiến BIDV rồi đến Agribank nhập cuộc tăng lãi suất.

Trước lạm phát kỳ vọng ngày càng gia tăng, trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa trên toàn cầu tăng vọt, giá các mặt hàng thiết yếu trong nước cũng bị ảnh hưởng leo thang trong thời gian gần đây, động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng dường như là chiến lược hợp lý để giữ chân người gửi tiền.

Dù vậy, lạm phát của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm vẫn đang ở trong tầm kiểm soát của nhà điều hành. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng đến tháng 6/2022 tăng 3,37% so với cùng kỳ, trong khi xét theo lũy kế bình quân sáu tháng cũng chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu 4% đề ra trong năm nay.

Trước việc giá dầu thế giới đang có dấu hiệu điều chỉnh, giá xăng trong nước giảm mạnh từ ngày 11/7/2022, cùng những đề xuất giảm một số loại thuế đánh lên mặt hàng xăng dầu trong nước như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…, kỳ vọng sẽ giúp cho lạm phát hạ nhiệt trong thời gian còn lại của năm nay.

Trong khi đó, lãi suất huy động vốn trên thị trường thời gian gần đây có tần suất đi lên ngày càng dày đặc hơn. Nhiều ngân hàng liên tục tăng mạnh khung lãi suất tiền gửi, phản ánh áp lực thanh khoản đang lớn dần chứ không đơn thuần điều chỉnh chỉ để giữ chân người gửi tiền vì lo ngại lạm phát. Thực tế biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của hầu hết các ngân hàng thời gian qua vẫn cao hơn đáng kể so với mức lạm phát hiện hành, phổ biến từ 6-7%/năm.

Tính chung sáu tháng, số dư huy động vốn tăng hơn 493.600 tỉ đồng so với đầu năm, thấp hơn 482.900 tỉ đồng so với số dư nợ, cho thấy thanh khoản chịu áp lực trở lại cũng là điều tất yếu.

Nhìn vào xu hướng đi lên trở lại của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng từ đầu tháng 7 đến nay càng củng cố nhận định thanh khoản hệ thống đang ngày càng bị thu hẹp. Tính đến ngày 6-7, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các tổ chức tín dụng đã leo lên mức 0,82%, gấp 2,5 lần so với thời điểm cuối tháng 5, trong khi các kỳ hạn khác cũng tăng lên cao hơn.

Thanh khoản hệ thống có thiếu hụt?

Theo số liệu chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30-6-2022 đã lên mức 9,35% so với thời điểm đầu năm, tương ứng mức tăng tuyệt đối hơn 976.500 tỉ đồng. Nếu so với con số 8,51% mà TCTK công bố trước đó tính đến ngày 20-6, có thể thấy chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6 dư nợ tín dụng đã kịp tăng thêm đến 0,84%, tương ứng với số tuyệt đối là gần 88.000 tỉ đồng.

Trong khi đó ở chiều huy động đầu vào, tăng trưởng huy động vốn đến 30-6 là 4,51% so với đầu năm, chỉ tăng thêm 0,54% so với con số 3,97% mà TCTK công bố tính đến ngày 20-6, tương ứng số dư tuyệt đối tăng thêm là hơn 59.000 tỉ đồng trong 10 ngày cuối tháng 6.

Tính chung sáu tháng, số dư huy động vốn tăng hơn 493.600 tỉ đồng so với đầu năm, thấp hơn 482.900 tỉ đồng so với số dư nợ, cho thấy thanh khoản chịu áp lực trở lại cũng là điều tất yếu.

Với triển vọng phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn gia tăng mạnh mẽ trở lại, đặc biệt là khi chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đang được triển khai, tăng trưởng tín dụng trong năm nay được dự báo có thể vượt mục tiêu 14% đặt ra. Theo đó, chênh lệch giữa số tăng trưởng dư nợ và huy động vốn của toàn hệ thống nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng sẽ ngày càng mở rộng, kéo theo áp lực thanh khoản là điều có thể thấy trước.

Ngoài ra, thời gian gần đây nhà điều hành cũng có một loạt động thái càng khiến thanh khoản chịu áp lực thu hẹp. Đầu tiên là việc bán ra lượng ngoại tệ hơn 10 tỉ đô la Mỹ trong tháng 6, nâng tổng lượng ngoại tệ bán ra từ đầu năm đến nay lên khoảng 12 tỉ đô la, tức lượng tiền đồng bị hút vào tương ứng lên đến 279.000 tỉ đồng (theo tỷ giá 23.250 đồng/đô la).

Chưa dừng lại ở đó, sau hai năm đóng băng, NHNN đã khởi động lại việc phát hành tín phiếu trong hai tuần cuối tháng 6 để hút tiền về. Cụ thể, trong tuần từ 20 đến 24-6 phát hành 69.600 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, tiếp đến tuần cuối tháng 6 phát hành 72.615 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 35.025 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, nâng lượng tín phiếu đang lưu hành lên mức 107.640 tỉ đồng. Tính cả kênh OMO, chỉ trong hai tuần cuối tháng 6, nhà điều hành đã hút ròng 107.794 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số hút ròng gần 119.000 tỉ đồng tính từ đầu năm.

Cập nhật mới nhất trong tuần đầu tiên của tháng 7 (từ 4 đến 8-7), NHNN tiếp tục hút ròng 99.000 tỉ đồng khỏi hệ thống ngân hàng, đánh dấu tuần hút ròng mạnh nhất kể từ năm 2020 đến nay. Đáng lưu ý là đi cùng xu hướng tăng khối lượng tiền hút về, NHNN cũng tăng cả thời gian hút tiền khỏi thị trường. Cụ thể, bên cạnh 21.800 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 78.049,6 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày được bán ra, tuần này NHNN cũng bán ra 39.899,9 tỉ đồng tín phiếu với 28 ngày.

Có thể thấy các chính sách này nhằm kéo chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng thu hẹp, giúp ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, nhưng bù lại càng làm thanh khoản tiền đồng trong hệ thống chịu thêm áp lực, tức có thể chấp nhận hy sinh mục tiêu giữ ổn định lãi suất.

Bên cạnh đó, trong năm 2021 lượng trái phiếu chính (TPCP) phủ đáo hạn lớn với hơn 200.000 tỉ đồng đã phần nào giúp nhiều ngân hàng dồi dào thanh khoản, khi lãi suất TPCP quá thấp khiến các ngân hàng không mặn mà tái đầu tư trở lại, vì vậy cũng góp phần giữ lãi suất huy động ổn định. Ngược lại, trong năm 2022 này, lượng TPCP đáo hạn đã giảm mạnh chỉ còn khoảng một phần tư so với năm 2021.

Cụ thể, lượng TPCP đáo hạn trong năm 2022 chỉ có hơn 50.000 tỉ đồng, chủ yếu trong tập trung trong sáu tháng đầu năm đã là gần 41.000 tỉ đồng.

Ngược lại, ở chiều phát hành, thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết lũy kế sáu tháng đầu năm 2022, HNX đã tổ chức 128 đợt đấu thầu TPCP, huy động được 74.087 tỉ đồng trên tổng số 171.000 tỉ đồng trái phiếu gọi thầu, tỷ lệ huy động thành công đạt 43,32%. Trong đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 69.087 tỉ đồng, 5.000 tỉ đồng còn lại là của Ngân hàng Chính sách xã hội(1).

Như vậy, các tổ chức đã đầu tư ròng vào thị trường TPCP là 33.000 tỉ đồng. Vốn là nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường TPCP, giả sử các ngân hàng chiếm tỷ trọng 90% ở cả lượng TPCP đã phát hành cũng như lượng TPCP đáo hạn thêm trong sáu tháng đầu năm nay, ước tính nhóm này đã đầu tư ròng 29.700 tỉ đồng vào thị trường TPCP.

Với kế hoạch phát hành TPCP lên đến 400.000 tỉ đồng trong năm nay, trong khi sáu tháng đầu năm chỉ mới đạt được 18,5% kế hoạch, lượng TPCP cần phải phát hành thêm trong nửa cuối năm là khá lớn. Như vậy, áp lực của KBNN trong thời gian còn lại của năm nay là rất lớn, nhất là khi các dự án đầu tư công đang được yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ.

Trước tình thế này, mặt bằng lợi suất TPCP có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới, càng tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất ở các thị trường liên quan như thị trường tiền gửi dân cư và thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu huy động vốn từ KBNN, các ngân hàng cũng có thể phải đẩy mạnh huy động vốn để có thêm nguồn vốn tiếp tục đầu tư vào kênh TPCP.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ