Tăng thuế VAT tại thời điểm này liệu có hợp lý?

Nhàđầutư
Đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính cần phải được xem xét và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bởi tác động lớn của nó tới đời sống người dân và nền kinh tế.
CHU ĐỨC TOÀN
25, Tháng 08, 2017 | 17:58

Nhàđầutư
Đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính cần phải được xem xét và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bởi tác động lớn của nó tới đời sống người dân và nền kinh tế.

vietnam-ethnic-minority-red-dao

Tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ tạo ra một gánh nặng lớn với những người có thu nhập thấp 

Thuế giá trị gia tăng, còn gọi là thuế VAT, là sắc thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đây là một loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất phương án nâng thuế VAT từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 với lý do là mức 10% hiện tại mà Việt Nam đang áp dụng là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Asian

Nguồn: Ernst & Young, IMF

So sánh với các nước trong khối ASEAN, hiện tại Lào, Indonesia và Campuchia đang áp mức thuế VAT phố biến là 10%, bằng với mức mà Việt Nam đang áp dụng. Malaysia và Singapore đang áp mức thuế thấp hơn, lần lượt là 6% và 7%. Trong khối ASEAN, chỉ có duy nhất Philippines đang áp mức thuế suất thuế VAT cao hơn Việt Nam là 12%. Myanmar và Brunei hiện tại không áp thuế VAT.

Quy định về thuế VAT của Thái Lan khá đặc biệt. Mức thuế VAT quy định trong Luật Thuế của nước này là 10%. Tuy nhiên, Chính phủ nước này sau đó đã cho phép mức thuế này được điều chỉnh giảm xuống 7% bởi điều Luật của Hoàng gia Thái Lan. Theo đó, mức thuế VAT 7% sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến hết ngày 30/9/2017. Mức thuế cũ 10% sẽ lại chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2017.

Như vậy, so với các nước khối ASEAN, thuế suất thuế VAT hiện tại của Việt Nam chỉ thấp hơn Philippines. Cần lưu ý rằng, đây là những nước khá cân bằng với Việt Nam xét về trình độ phát triển kinh tế cũng như văn hóa. Vì thế mức thuế VAT 10% hiện đang áp dụng của Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nếu so với các nền kinh tế lớn hơn tại châu Á, Đài Loan và Nhật Bản hiện đang áp mức thuế VAT thậm chí còn thấp hơn Việt Nam, lần lượt là 5% và 8%. Trong khi đó Hàn Quốc hiện cũng đang áp dụng mức thuế VAT 10%. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc có mức thuế VAT ở mức khá cao, lên tới 17%.

Thuế suất thuế VAT của các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) được áp dụng ở mức từ 17-27%, VAT trung bình của khối EU là gần 21,5%. Tuy nhiên sẽ là khập khiễng khi so sánh thuế suất thuế VAT của Việt Nam với các nước châu Âu và lấy đó làm tham chiếu, bởi có sự chênh lệch lớn về thu nhập bình quân đầu người giữa các nước trên với nước ta.

EU

 Nguồn: Ernst & Young, IMF

Ở góc độ an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống ở các nước châu Âu nhìn chung đã ở mức cao. Điển hình như ở Đức và các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch…, an sinh xã hội từ giáo dục, y tế, phúc lợi được phân bổ rộng rãi, mọi người dân trong nước đều được đảm bảo các lợi ích và dịch vụ an sinh xã hội cơ bản với mức giá hợp lý hoặc miễn phí trong suốt cuộc đời.

Mô hình Bắc Âu có mức độ bình đẳng cao, có nghĩa là phân phối thu nhập tương đối công bằng thông qua việc áp dụng mức thuế cao, giáo dục miễn phí và cơ hội bình đẳng trong tiếp cận việc làm. Chính phủ đảm bảo việc làm đầy đủ thông qua việc thực hiện các chính sách thị trường lao động tích cực.

Mô hình phát triển của CHLB Đức cũng cho thấy một mức độ bao phủ khá rộng tới các đối tượng dân chúng với mức chi trả khá cao trong các chương trình bảo hiểm xã hội. Giáo dục và đào tạo ở Đức chủ yếu là các cơ sở công lập, ở đó thực hiện miễn phí hoặc có mức học phí rất thấp. Tại quốc gia này, bảo hiểm y tế là bắt buộc. Khi tham gia bảo hiểm nhà nước, mọi chi phí khám bệnh sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ. Về lệ phí bảo hiểm hưu trí, hiện tỷ lệ này ở Đức vào khoảng 18,7% tổng thu thập tháng, trong đó nhân viên và chủ lao động mỗi bên trả một nửa. Khi về hưu, họ sẽ nhận được tối đa 70% phần đã đóng mỗi tháng.

Tại Việt Nam, hiện chế độ an sinh xã hội của người dân còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với những người thuộc khu vực nông nghiệp và nông thôn - hiện đang chiếm tới gần 70% dân số Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng nước ta vẫn đang là một nước đang phát triển, thu nhập thấp, trong khi các chi phí về y tế, giáo dục vẫn liên tục tăng qua từng năm. Theo số liệu của IMF, tính tới tháng 4/2017, thu nhập bình quân đầu người trung bình của khối EU là hơn 30.500 USD/năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện mới chỉ đang ở mức khoảng 2.310 USD/năm.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính tới đầu năm 2016, cả nước có trên 3,5 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ tới hơn 15% tổng số hộ gia đình ở Việt Nam. Những hộ gia đình này chỉ có mức thu nhập trung bình vào khoảng 1 triệu đồng/người/tháng.

Người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế, vì vậy mức tăng thêm 2% sẽ là một gánh nặng rất lớn với những người có thu nhập thấp, gây hệ quả không tốt nếu xét trên góc độ công bằng xã hội. Do đó việc tăng thuế VAT cần được Bộ Tài chính xem xét thật kỹ lưỡng dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ