'Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc giàu có mà họ vẫn làm thêm nhiều hơn ta?'

Nhàđầutư
Cho ý kiến về phương án tăng giờ làm thêm trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đặt câu hỏi: "Không hiểu sao Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển, giàu có như vậy mà họ vẫn học thêm, làm thêm nhiều hơn ở ta?".
BẢO LÂM
20, Tháng 09, 2019 | 13:10

Nhàđầutư
Cho ý kiến về phương án tăng giờ làm thêm trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đặt câu hỏi: "Không hiểu sao Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển, giàu có như vậy mà họ vẫn học thêm, làm thêm nhiều hơn ở ta?".

Sáng 20/9, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu quan tâm đến phương án mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107) trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, 2 phương án được đưa ra để cho ý kiến.

Phương án 1 là giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.

Phương án 2 là quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm.

Tăng giờ làm đi ngược với tiến bộ

Cho ý kiến về nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc làm thêm giờ liên quan đến năng suất lao động, không chỉ dựa vào sức người mà còn dựa vào sự đổi mới công nghệ.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, nếu nhà nước không cho phép tăng thì đương nhiên doanh nghiệp phải suy nghĩ đổi mới công nghệ, đưa dây chuyền hiện đại vào, nếu cho tăng thì sẽ hạn chế đổi mới công nghệ, khuyến khích không đổi mới công nghệ.

Phuc

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Thắng Quang.

"Làm thêm giờ thì người lao động cực kỳ khổ. Nhất là phụ nữ không còn thời gian nào mà chăm sóc gia đình nữa. Quan điểm của tôi là không tăng, không giảm được thì giữ nguyên. Tôi từng làm doanh nghiệp trước đây, từng chứng kiến việc nhiều chủ doanh nghiệp khi ra nước ngoài khoe là nhà máy nhiều công nhân thì chuyên gia nước ngoài đã khuyên không nên khoe như vậy, bởi có sản phẩm nếu chỉ sử dụng 100 lao động trở xuống thì mới là tốt", ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, người Mỹ sang Việt Nam mua hàng họ đi xem công nhân ăn gì uống gì, được chăm sóc thế nào chứ không xem ngay sản phẩm đâu. Quan điểm của họ là nếu đời sống người lao động tốt thì sản phẩm tốt, vì thế ông thiết tha đề nghị giữ nguyên không tăng giờ làm thêm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho ý kiến trước đây cán bộ công chức làm việc tuần 48 giờ sau đó xuống 40 giờ, bây giờ công nhân vẫn làm việc tuần 48 tiếng mà còn tăng thì đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm nếu xét từ phía giới sử dụng lao động và người lao động, thì lợi ích mà giới sử dụng lao động thu được sẽ lớn hơn.

"Như một số đại biểu cũng đã phân tích, việc tăng giờ làm thêm sẽ không gây áp lực lên việc thay đổi công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thay đổi phương thức quản lý"  bà Nguyễn Thanh Hải phân tích.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, thời gian qua báo chí có nêu phản ánh của các doanh nghiệp về việc nếu không tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, chi phí doanh nghiệp sẽ phát sinh khi phải thuê thêm lao động.

"Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng đó là lợi ích của giới sử dụng lao động. Trong khi đó, người lao động là nhóm yếu thế hơn, quyền lợi và mong muốn của họ chưa được thể hiện đầy đủ, rõ ràng. Thông qua tổ chức công đoàn, họ thể hiện nguyện vọng của mình", Trường ban Dân nguyện nói.

Bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh không đồng tình với phương án tăng giờ làm thêm và cho rằng trong lộ trình 5 năm tới phải xem xét giảm giờ làm thêm. "Cần quan tâm đến đời sống của công nhân, họ phải có tinh thần tốt, thể lực tốt thì năng suất lao động mới cao, sản xuất mới hiệu quả được"- bà Hải thảo luận tại phiên họp.

Bà Hải phân tích thêm, nếu công nhân đi làm liên tục, tăng ca thường xuyên thì họ sẽ không có thời gian để thụ hưởng những thành quả của xã hội mà do chính họ đóng góp làm nên, không có thời gian đến khu vui chơi giải trí, đời sống sẽ bị hạn chế.

"Ở góc độ xã hội, nhiều vụ bạo lực gia đình, đạo đức xuống cấp, hay chồng giết vợ, anh giết em là có một phần nguyên nhân từ việc lao động quá sức, áp lực, căng thăng do công việc", Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Tại sao nước họ giàu vẫn làm việc quần quật?

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đặt câu hỏi: "Không hiểu sao Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển như vậy mà họ vẫn học thêm, làm thêm nhiều hơn ở ta?".

phan-xuan-dung

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng. Ảnh: Bảo Lâm.

Theo ông, ở nước ta khoảng 9h đến làm, thì họ, 8h30 đã đứng xếp hàng dài, vừa đứng ăn vừa xếp hàng để vào làm việc. Cuối giờ chiều, nếu 5h nghỉ họ lại không chịu về. 

"Nếu một người đàn ông về nhà sớm vợ sẽ hỏi vì sao về sớm thế. Họ thu nhập cao và có mức sống cao như vậy, không ai ép nhưng họ không vừa lòng với những gì đã đạt được. Đất nước họ giàu có, hiện đại như vậy mà dân họ lao động quần quật", Chủ nhiệm Dũng băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng chúng ta phải thắt lưng buộc bụng trong 5-7 năm nữa, cả nước đồng lòng làm việc kiệt sức, bằng hết khả năng để đạt được những mục tiêu mà chiến lược phát triển đã đặt ra. Sau khi đạt được một mốc nhất định sẽ quay trở về xu thế chung.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ý kiến đa số của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không muốn tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, Chính phủ tha thiết phương án tăng giờ làm thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả người lao động và người sử dụng lao động nên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình cả 2 phương án ra Quốc hội để xin ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ