Tái cơ cấu chậm, Vinacafe sẽ bị chuyển sang “siêu ủy ban”

Nhiều lần sửa phương án tái cơ cấu, song Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) vẫn không thể chuyển mình. Dự kiến, Vinacafe sẽ là một trong 5 tập đoàn, tổng công ty bị chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
THUỲ LIÊN
10, Tháng 03, 2018 | 06:29

Nhiều lần sửa phương án tái cơ cấu, song Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) vẫn không thể chuyển mình. Dự kiến, Vinacafe sẽ là một trong 5 tập đoàn, tổng công ty bị chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

tai-co-cau-cham-vinacafe-se-bi-chuyen-sang-sieu-uy-ban1520352270

 Ngoài kết quả kinh doanh không mấy khả quan, Vinacafe có quá trình tái cơ cấu chậm nhất trong số các doanh nghiệp nhà nước trong ngành nông nghiệp.

Kinh doanh bết bát

Lẽ ra nắm giữ vị trí trụ cột trong ngành trồng và chế biến, xuất khẩu cà phê, song Vinacafe chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, với kết quả kinh doanh bết bát. Báo cáo của Vinacafe cho thấy, năm 2017, lượng cà phê xuất khẩu của Tổng công ty là 37.000 tấn, trong khi chỉ tiêu đề ra là 50.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 73 triệu USD, trong khi chỉ tiêu đề ra là 100 triệu USD; lợi nhuận đạt 77 tỷ đồng, trong khi mục tiêu đề ra là 106 tỷ đồng.

Theo giải thích của lãnh đạo Vinacafe, lợi nhuận sụt giảm là do năm 2017 giá cà phê xuất khẩu sụt giảm, diện tích cà phê thanh lý để tái canh nhiều khiến năng suất chung bị giảm. Song Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhắc nhở, Tổng công ty cần phải nhìn thẳng vào sự thật để biết mình đang ở đâu. 

“Hiện Tổng công ty có khoảng 16.500 ha cà phê trong tổng diện tích 662.000 ha trên cả nước, tức chỉ chiếm chưa đến 2%; sản xuất ra 2,1% lượng cà phê cả nước. Như vậy, liệu Tổng công ty có thể trở thành doanh nghiệp nòng cốt hay không?”, Thứ trưởng Tuấn đặt câu hỏi.

Mặc dù con số báo cáo thành tích của Tổng công ty khá “đẹp”, đặc biệt là thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, nhưng Thứ trưởng chỉ ra sự thật là, trong số trên 28.300 người lao động, mới chỉ có khoảng 10.600 người đóng bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 37%. Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty xem xét lại vấn đề chế độ chính sách của người lao động và việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý lao động. 

Tái cơ cấu quá chậm

Ngoài kết quả kinh doanh không mấy khả quan, điểm đáng chú ý nhất ở Vinacafe có lẽ là quá trình tái cơ cấu vô cùng chậm, chậm nhất trong số các doanh nghiệp nhà nước trong ngành nông nghiệp. Trong số 18 công ty con cần cổ phần hóa, hiện Tổng công ty mới bắt tay vào xác định giá trị doanh nghiệp của 5 công ty là: Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715B, Công ty Cà phê IaBlan, Công ty Cà phê 734, Công ty Cà phê Đắk Nông và Công ty Cà phê 705. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại cả 5 đơn vị này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Được biết, Vinacafe đã được Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu từ rất sớm, nhưng triển khai lại rất chậm. Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 quyết định về tái cơ cấu Tổng công ty. 

“Tôi thực sự băn khoăn khi Tổng công ty thường xuyên có đề nghị thay đổi phương án tái cơ cấu. Mới đây lại có thêm đề xuất nữa nhưng Bộ chưa dám trình lên Thủ tướng. Tái cơ cấu để làm gì, nếu như chỉ là tiếp tục cổ phần hoá, giải thể, phá sản và sáp nhập? Nếu chúng ta không phát triển dịch vụ, chế biến, thương mại xuất khẩu, thì có làm mấy chăng nữa, với 16.500 ha cà phê, cũng không thể trở thành đầu tàu của ngành, không thể chi phối thị trường”, Thứ trưởng Tuấn chỉ đạo. 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Vinacafe phải tổ chức hội nghị “Diên Hồng” để lấy ý kiến các đơn vị thành viên, lấy ý kiến những người có kinh nghiệm qua các thời kỳ trên cơ sở định hướng của Nhà nước trong việc tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp. Một khi có phương án tái cơ cấu khả thi, Bộ mới có thể trình lên Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến, dù có cổ phần hóa đúng tiến độ hay không, Vinacafe sẽ được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. Ngoài Vinacafe, danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp sẽ chuyển sang “siêu ủy ban” quản lý còn có: Tập đoàn Cao su việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Theo Báo Đầu tư

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ