Rủi ro lướt sóng

Thị trường liên tục “đỏ lửa” khiến chiến thuật đầu tư bắt đáy trong những phiên rơi điểm mạnh để “ăn” T+3 của nhiều nhà đầu tư thất bại.
THÀNH NGUYỄN
22, Tháng 06, 2022 | 10:25

Thị trường liên tục “đỏ lửa” khiến chiến thuật đầu tư bắt đáy trong những phiên rơi điểm mạnh để “ăn” T+3 của nhiều nhà đầu tư thất bại.

1-2048

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chuẩn bị cho những kịch bản xấu hơn

Sau phiên thứ Năm (16/6/2022) hồi phục, thị trường chứng khoán trong nước lại tiếp tục có một phiên chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.200 điểm và đóng cửa ở mức 1.217,3 điểm, mất hơn 19 điểm.

Trên nhiều group của nhà đầu tư, không ít người than thở vì càng “bắt đáy” càng lỗ nặng.

Anh Huy, một broker nhận xét, lạm phát cũng như chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng trung ương Mỹ đang là mối lo với nhà đầu tư. Giai đoạn hiện tại, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục phải đối mặt với những kịch bản xấu hơn khi tâm lý nhà đầu tư quá yếu. Các nhà đầu tư còn vướng chuyện vay margin hoặc “full” cổ phiếu là những người gặp khó khăn nhất ở giai đoạn hiện tại.

Tuy vậy, anh Huy kỳ vọng, quý III năm nay, dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất phục hồi, nên có thể sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp báo cáo tăng trưởng rất mạnh (so sánh trên nền tảng kết quả thấp của cùng kỳ, giai đoạn ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội thực hiện nghiêm ngặt trên diện rộng) và đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư.

“Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng cho biết đang có động thái tìm hiểu, phân tích cổ phiếu để tìm ra những cổ phiếu tiềm năng để giải ngân”, anh Huy cho biết thêm.

Trong khi đó, trao đổi cùng phóng viên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần nhìn nhận đúng về câu chuyện điểm số của VN-Index để có hành động hợp lý.

Theo ông Thịnh, trong 2 năm 2020 và năm 2021, chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng nhất khu vực và thế giới, nhưng mức tăng trưởng là quá nhanh so với tăng trưởng kinh tế. Năm 2021, GDP tăng 2,58%, nhưng VN-Index tăng gần 395 điểm (+36%) trong vòng một năm, thị trường cổ phiếu đạt mức vốn hóa hơn 7,7 triệu tỷ đồng (tính đến ngày 28/12/2021), tăng 46% so với cuối năm trước, tương đương 122,8% GDP năm 2020.

Ông Thịnh đánh giá, mức tăng trên là quá nhanh và không tương xứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và doanh nghiệp. Tuy nhiên, diễn biến này cũng phản ánh một yếu tố tương đối, đó là việc lấy lại điểm số đã mất của thời gian trước đó (mốc 1.200 điểm). Do vậy, tính đến thời điểm hiện tại, dù chỉ số VN-Index về quanh mức 1.200 điểm cũng là điều dễ hiểu.

Ông Thịnh lý giải, quá trình hồi phục của nền kinh tế cũng cần thời gian, những động thái của cơ quan quản lý nhà nước với “làm giá”, “thổi giá” phần nào cũng khiến thị trường có những chao đảo, nhiều nhà đầu tư mới theo phong trào hoảng loạn thì bỏ chạy và làm giá rơi mạnh.

“Mức điểm số khoảng 1.200 điểm như hiện nay là tương đối an toàn. Nhà đầu tư có thể yên tâm vì thị trường đang dần ổn định và tăng trưởng. Khi FDI thực hiện vào nhiều (có một phần vốn đổ vào chứng khoán), cộng với nhà đầu tư trong nước mạnh lên, xuất nhập khẩu tốt thì việc lên giá của thị trường thời gian tới là điều bắt buộc”, ông Thịnh cho hay.

Phân tích thêm về câu chuyện thị trường, theo ông Thịnh, động lực tăng trưởng thời gian tới có thể đến từ việc các doanh nghiệp đưa ra báo cáo tài chính quý II. Đây là những thông tin quan trọng có thể tác động đến giá cổ phiếu, đến tình hình hoạt động của thị trường.

“Trong quý II, nhiều doanh nghiệp niêm yết có được sự thuận lợi trong tăng trưởng sản xuất, xuất nhập khẩu, đây là hy vọng để cho thị trường có tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tốt thì có thể tự tin nắm giữ tiếp.

Hiện tại không thích hợp cho đầu tư ngắn hạn

Quan sát diễn biến thị trường, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, diễn biến trên thị trường giai đoạn này sẽ phản ánh rõ hơn sức khoẻ của nền kinh tế, doanh nghiệp niêm yết. Thị trường chứng khoán trong nước đang chịu áp lực từ nguy cơ lạm phát tăng. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung các nước thì mặt bằng chung nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực trong giai đoạn hiện tại.

Theo bà Lam, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt đã giảm về mức định giá tốt, nếu nhà đầu tư không quá quan tâm đến biến động giá hàng ngày thì vẫn có thể theo dõi giải ngân.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, bà Lam cho rằng, giai đoạn thị trường hiện tại không thích hợp cho việc đầu cơ ngắn hạn. Thị trường ngắn hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát chưa biết đã đạt đỉnh hay chưa, lãi suất của Fed thời gian tới còn là ẩn số, do đó, nhà đầu tư cần kiên nhẫn sàng lọc để tìm ra cơ hội cho trung, dài hạn.

“Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng tốt, các nhóm ngành được hưởng lợi có thể kể đến như khu công nghiệp, dệt may, thuỷ sản, ngân hàng, bán lẻ… Đây vẫn là những ngành có xu hướng tăng trưởng cao nên nhà đầu tư có thể tìm hiểu cổ phiếu trong các nhóm ngành này cho việc đầu tư dài hạn”, bà Lam nhấn mạnh.

Cũng trao đổi cùng phóng viên về triển vọng ngắn hạn của thị trường, ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock cho hay, tháng 6 là vùng trũng thông tin khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý I đã qua từ lâu, mùa công bố kết quả quý II chưa tới, nên các cổ phiếu thiếu lực đỡ, nên khó có thể hồi phục sau giai đoạn giảm điểm mạnh. Nhà đầu tư nên nhìn vào những yếu tố tích cực dần trong 2 quý cuối năm để dễ dàng hành động.

Còn theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, về cơ bản, tháng 6, thị trường vẫn đang đối mặt với “tin xấu” nhiều hơn, ví dụ như thông tin Fed thắt chặt tiền tệ bằng nâng lãi suất; hay CPI các nước lớn tiếp tục tăng cao, khiến các chính phủ phải gồng mình kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng đang tăng mạnh; Trung Quốc vẫn đang phải chiến đấu với các đợt phong toả, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp xuất khẩu; xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết.

Theo ông Kiên, các diễn biến này sẽ tác động khác nhau đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang châu Âu, Bắc Mỹ ít bị ảnh hưởng, trong khi doanh nghiệp nào có Trung Quốc là thị trường trọng điểm lại bị thiệt hại nặng. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung quan sát các diễn biến này để có hành động phù hợp với các cổ phiếu.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ