Quảng Nam sẽ xây dựng vùng Đông trở thành nơi ‘rất đáng sống’

Quảng Nam xác định mục tiêu xây dựng phát triển vùng Đông thành khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đây sẽ là nơi đầu tư các nhóm dự án động lực tương lai, vùng đô thị “rất đáng sống” trong tương lai.
THÀNH VÂN
05, Tháng 05, 2021 | 07:00

Quảng Nam xác định mục tiêu xây dựng phát triển vùng Đông thành khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đây sẽ là nơi đầu tư các nhóm dự án động lực tương lai, vùng đô thị “rất đáng sống” trong tương lai.

Trở thành vùng đô thị “rất đáng sống”

Công tác lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là vùng Đông Quảng Nam) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là bước khởi đầu cho tham vọng xây dựng một vùng đất rộng lớn trở thành nơi phát triển bậc nhất miền Trung.

Cách đây 10 năm, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đông tại quyết định 389/QĐUBND (gọi tắt quy hoạch 389). Tuy nhiên, ở thời điểm đó tầm nhìn quy hoạch còn hạn hẹp, bộc lộ không ít bất cập về xác định phạm vi không gian phát triển cũng như sự manh mún của từng địa phương. Thì đến nay, Quảng Nam đề xuất quy hoạch vùng Đông trên cơ sở 9 địa phương gồm: TP. Tam Kỳ, TP. Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc với tổng diện tích khoảng 2.742 km2, dân số khoảng 1,196 triệu người. Vùng Đông sẽ hình thành 3 cụm động lực phát triển chính, gồm: Điện Bàn - Hội An; Nam Hội An (Duy Xuyên - Quế Sơn - Thăng Bình) và Chu Lai (Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành).

Theo đơn vị quy hoạch, định hướng quy hoạch vùng Đông Quảng Nam được xác định sẽ sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng liên huyện phía Đông đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển tiêu biểu so với toàn bộ vùng miền Trung.

untitled-11

Quảng Nam sẽ xây dựng vùng Đông trở thành nơi ‘rất đáng sống’. Ảnh: Thaco.

Đồng thời, giải quyết các mất cân đối chính trong phát triển của toàn tỉnh và vùng liên huyện phía Đông với các tiểu vùng khác, bao gồm: Khả năng chống chịu và thích ứng tốt với những biến đổi khí hậu đặc thù của toàn bộ dải miền Trung; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông...

Cùng với đó, quy hoạch lần này nhằm cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ phương hướng tổ chức không gian và phát triển chuỗi đô thị liên kết và thích ứng, cấu trúc hệ thống các đơn vị ở tại nông thôn (làng mạc), của các ngành liên quan, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng liên huyện được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia và tỉnh.

Đặc biệt phấn đấu đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Tổ chức lại và thúc đẩy triển khai, đưa vào hoạt động hiệu quả các nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam. Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Ông Lê Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam (đơn vị lập đồ án quy hoạch) cho biết, có nhiều sự khác biệt rõ rệt trong quy hoạch vùng Đông số 389 đã được tỉnh phê duyệt năm 2011.

“Trên cơ sở nghiên cứu, nhận dạng vị thế phát triển của vùng Đông tỉnh Quảng Nam, bối cảnh kinh tế - xã hội và phát triển hệ thống đô thị của tỉnh để đề xuất tầm nhìn cho vùng Đông là: “Vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững theo xu thế là các trung tâm kinh tế biển thịnh vượng với môi trường đầu tư và môi trường sống chất lượng cao của quốc gia và khu vực”, ông Tú thông tin.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, tỉnh đang giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng lập điều chỉnh quy hoạch vùng phía Đông. Trong quá trình lập quy hoạch sẽ mời một số chuyên gia, thuộc các lĩnh vực khác nhau tham gia vào đồ án quy hoạch. Dù có nhiều quy hoạch đã duyệt, nhưng việc lập quy hoạch vùng Đông cần mạnh dạn điều chỉnh nếu quy hoạch cũ không phù hợp.

“Hiện nay, các địa phương ở vùng Đông đã có các quy hoạch 1/2000 của các khu chức năng đã được phê duyệt; quy hoạch 1/500 của các dự án đầu tư tổ chức thực hiện; quy hoạch về cảnh quan đô thị… Quy hoạch lần này làm sao để khớp nối đồng bộ về hạ tầng, đảm bảo cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái và phát triển khu vực vùng Đông trở thành một vùng đô thị “rất đáng sống” và phát triển kinh tế mũi nhọn”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Liên kết chặt chẽ với các địa phương

Quy hoạch điều chỉnh bổ sung vùng Đông Quảng Nam sẽ xác lập các phân vùng phát triển không gian vừa nối kết với tổng thể phát triển chung của toàn tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Đông Quảng Nam, sẽ đề xuất xác lập một số hành lang xanh vĩnh viễn. Cụ thể là vùng ven sông Thu Bồn gắn với đô thị Hội An và Mỹ Sơn; vùng ven sông Trường Giang, Cổ Cò; vùng sinh thái Phú Ninh và một số hành lang xanh nông nghiệp Đông - Tây.

Ông Lê Tú cho rằng, điểm nhấn trong quy hoạch vùng Đông lần này là “Phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường trong mối liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo nên không gian phát triển đa dạng và năng động bao gồm chuỗi trung tâm kinh tế biển với hệ thống đô thị và nông thôn đan xen, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.

“Quảng Nam sẽ xây dựng vùng Đông thành một khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hệ sinh thái, văn hóa đa dạng. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Quan điểm phát triển mang tính tổng thể và xuyên suốt là “phát triển bền vững”, lấy sự bền vững và khả năng phục hồi/thích ứng của hệ sinh thái làm nền tảng đế phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tú khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, bên cạnh quy hoạch không gian, Quảng Nam cũng đang triển khai quy hoạch tỉnh đến năm 2050. Cũng xác định vùng phía Đông là vùng tập trung phát triển chiến lược cho miền Trung chứ không riêng gì cho Quảng Nam. Phát triển vùng Đông phải có dấu ấn về quy hoạch không gian và quy hoạch kiến trúc cũng như các loại hình dự án hoạt động tại khu vực này. Đặc biệt, thích ứng được các điều kiện khắc nghiệt trong tương lai của thiên tai, biến đổi khí hậu.

“Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng Đông phải thể hiện tính liên kết với toàn bộ TP. Đà Nẵng về phía bắc, khu vực Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi về phía nam và các huyện phía tây của tỉnh. Liên kết vùng sẽ hạn chế được tư duy manh mún, tư duy phát triển theo nhiệm kỳ, cục bộ địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả khu vực, đóng góp sự phát triển chung của cả nước trong 5 năm đến”, ông Lê Trí Thanh nói.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế vùng Đông của tỉnh Quảng Nam trở thành vùng động lực của tỉnh Quảng Nam cũng phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt là sự manh mún giữa các địa phương. Qua đó cho thấy, việc hoàn chỉnh quy hoạch vùng Đông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng ven biển Quảng Nam hết sức quan trọng. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ