Phó Chủ tịch Quốc hội: Luật PPP nếu không chặt chẽ thì suốt ngày đi hầu kiện

Nhàđầutư
"Nếu quy định trong Luật PPP không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện, chúng ta có những bài học rồi, phải ghi cụ thể nếu có áp dụng thì khoản nào, điều nào, do đó phải rà soát thật kỹ", ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
MY ANH
20, Tháng 04, 2020 | 12:58

Nhàđầutư
"Nếu quy định trong Luật PPP không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện, chúng ta có những bài học rồi, phải ghi cụ thể nếu có áp dụng thì khoản nào, điều nào, do đó phải rà soát thật kỹ", ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

phien_hop_44_bcxu

 

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp 44 của Ủy banThường vụ Quốc hội sáng nay (20/4) là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tư duy cởi mở để thu hút đầu tư

Làm rõ về cơ chế chia sẻ rủi ro, báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Võ Hồng Thanh cho biết, đã tiếp thu sửa đổi, xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc chia sẻ phần tăng doanh thu chỉ được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ như dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng...

Tuy nhiên, đại diện Thường trực Ủy ban kinh tế cũng cho biết, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo luật quá chặt chẽ, không tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư.

Về việc áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, ông Võ Hồng Thanh phân tích, với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính.

“Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước”, ông Thanh nói.

Đối với việc xác định các mốc giá trị trong cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cơ chế này được đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

Tuy nhiên qua thảo luận, một số ý kiến ĐBQH cho rằng quy định như vậy không bảo đảm sự bình đằng trong mối quan hệ Nhà nước và tư nhân, do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu theo hướng cố định tỷ lệ 50% - 50%.

Về mức doanh thu bắt đầu chia sẻ rủi ro, hồ sơ dự án luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 không đề xuất giá trị này. Một số ý kiến ĐBQH yêu cầu phải quy định mức cụ thể, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm một số nước và tìm hiểu thực tiễn một số dự án BOT giao thông.

Dự thảo Luật hiện đang đề xuất tỷ lệ 75% và 125%. Theo đó, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Ngược lại, khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu áp dụng đối với tất cả các dự án PPP.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị các mốc giá trị 75%, 125% cần phải tiếp tục được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trong bối cảnh nước ta để xác định và đưa vào luật.

Thảo luận trong phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, quy định cần phải thể hiện tư duy cởi mở khi có sự đan xen sở hữu để huy động vốn giữa nhà nước và tư nhân, qua đó thu hút nhà đầu tư. Bà cũng đồng tình với việc chia sẻ tăng, giảm doanh thu và rủi ro thì nên 50%-50%.

Còn theo ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, dự luật nếu không có chế định chia sẻ rủi ro thì khó tạo sức hút, tạo động lực của luật này. Kinh nghiệm quốc tế đều có sự chia sẻ trong PPP. Chia sẻ 50%-50% khi tăng thu hay lúc hụt thu thì cũng cần dựa trên tinh thần chia sẻ như nhau.

Ở góc độ khác, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, nhìn chung, các quy trình còn chặt hơn cả đầu tư công, tuy nhiên, trách nhiệm Nhà nước trong thanh toán thế nào chưa thấy nhắc đến nói đến.

“Họ thi công xong rồi lại chạy xin, chờ thanh toán. Nhà nước phải cam kết thì người ta mới yên tâm, nếu không họ sợ chả dám làm. Xin thanh toán được mệt lắm”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

 “Quy định không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện”

Liên quan đến áp dụng luật và điều ước quốc tế, dự án luật thiết kế 2 phương án. Theo đó phương án 1 quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Lý do được đưa ra là nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Tuy nhiên phương án 2 không quy định với quan điểm cho rằng không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật PPP so với các luật khác tại các nội dung cụ thể của Luật PPP thì cần chỉ rõ tại điều khoản quy định về nội dung đó.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị áp dụng phương án 1, bởi nếu không có cam kết ngay của Nhà nước thì nhà đầu tư không yên tâm và khó thu hút.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, dự án luật này liên quan đến nhà đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và kinh nghiệm cho thấy có trường hợp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, do đó nếu không quy định thì có thể xảy ra tranh chấp, khi đó khó giải quyết.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý việc đảm bảo thống nhất của hệ thống luật là nguyên tắc hàng đầu. Song cần có quy định đặc thù để triển khai PPP một cách hợp ý, thu hút được đầu tư với điều kiện phải chỉ rõ cái nào là đặc thù và khi đó áp dụng luật nào, dẫn chiếu cụ thể.

“Nếu quy định không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện, chúng ta có những bài học rồi, phải ghi cụ thể nếu có áp dụng thì khoản nào, điều nào. Do đó phải rà soát thật kỹ, mất thời gian cũng phải rà”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ