Phía sau cuộc đua lãi suất

Trong nửa tháng trở lại đây, một loạt ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tiếp nối xu hướng của tháng 6 và tháng 7. Đáng lưu ý là đợt tăng này chứng kiến mức tăng rất mạnh, phá vỡ mặt bằng bình quân trên thị trường thời gian qua.
THỤY LÊ
03, Tháng 09, 2019 | 09:35

Trong nửa tháng trở lại đây, một loạt ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tiếp nối xu hướng của tháng 6 và tháng 7. Đáng lưu ý là đợt tăng này chứng kiến mức tăng rất mạnh, phá vỡ mặt bằng bình quân trên thị trường thời gian qua.

Không ít người sẽ nghĩ rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng từ cuối tháng 6 đến nay, do đã sử dụng hết hoặc sắp hết hạn mức cho năm nay và nhờ vào thành tích về đích sớm trong việc triển khai chuẩn Basel 2, là yếu tố tác động đến mặt bằng lãi suất trong gần hai tháng trở lại đây.

Do để có thể đáp ứng nhu cầu cho vay tiếp tục tăng mạnh, các ngân hàng buộc phải tăng cường huy động vốn đầu vào, nhất là ngày càng đến gần giai đoạn cao điểm kinh doanh trong quí 4.

1366a_nganhang_ttxvn

Các số liệu thống kê suốt từ đầu năm đến nay cho thấy tăng trưởng huy động vốn toàn ngành luôn thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng. Ảnh minh họa: TTXVN

Thật ra, đó chỉ là một trong nhiều lý do tác động lên mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng gần đây. Ngoài nguyên nhân để đáp ứng cho cầu vốn gia tăng, phía cung vốn của các ngân hàng thời gian qua cũng gặp không ít thách thức.

Các số liệu thống kê suốt từ đầu năm đến nay cho thấy tăng trưởng huy động vốn toàn ngành luôn thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng, và theo số công bố gần nhất vào cuối tháng 6 thì tăng trưởng huy động vốn so với đầu năm chỉ là 6,09%, không những thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018 (8%), mà cũng thấp hơn cả tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm (7,33%).

Việc giá vàng tăng mạnh trong ba tháng trở lại đây có thể đã thúc đẩy không ít khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm để lướt sóng trên thị trường vàng, do kỳ vọng đạt được suất sinh lời cao trong thời gian ngắn.

Việc giá vàng tăng mạnh trong ba tháng trở lại đây có thể đã thúc đẩy không ít khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm để lướt sóng trên thị trường vàng, do kỳ vọng đạt được suất sinh lời cao trong thời gian ngắn. Tính từ cuối tháng 5 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 20%, trong khi giá vàng trong nước dù tăng chậm hơn nhưng cũng đã đạt suất sinh lời gần 17% chỉ chưa đầy ba tháng qua.

Nếu xu hướng tăng mạnh tiếp tục được duy trì trên thị trường vàng, nguồn tiền gửi của các ngân hàng có thể càng thêm thách thức, do đó việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi, đặc biệt là ở các kỳ hạn dài và phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn trong thời gian này có thể là giải pháp để ngăn chặn sự chuyển dịch của dòng vốn sang các kênh đầu tư khác.

Mà không chỉ ở thị trường vàng, những lo ngại về rủi ro tỷ giá trong tình hình biến động hiện nay cũng có thể thúc đẩy khách hàng chuyển dịch tiền gửi sang đô la Mỹ khi các quốc gia thay phiên nhau phá giá tiền tệ.

Sau khi Trung Quốc áp thuế trả đũa 10% lên 75 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Mỹ, thì ngay lập tức Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế quan từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ đô la Mỹ hàng của Trung Quốc và có hiệu lực kể từ ngày 1-10-2019, đồng thời tuyên bố đẩy mức thuế quan từ 10% lên 15% đối với hàng trăm tỉ đô la Mỹ hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại leo thang đã đẩy giá nhân dân tệ về mức thấp nhất so với đô la Mỹ trong gần 11 năm qua, khi đã mất giá đến 3,1% từ đầu tháng 8 đến nay. Trước tình hình nhân dân tệ không ngừng bị phá giá, cộng thêm các quốc gia khác cũng chủ động làm giảm giá trị tiền tệ để đối phó với việc giảm giá của nhân dân tệ, thì ắt hẳn nhiều người lo ngại tiền đồng cũng khó có thể tiếp tục giữ được sự ổn định từ nay đến cuối năm.

Chính vì vậy, các ngân hàng có thể lựa chọn đi trước đón đầu bằng cách tăng cường huy động vốn trung và dài hạn ngay từ lúc này khi tiền đồng vẫn đang giữ được sự ổn định, nhằm hạn chế rủi ro khách hàng rút tiền gửi tại ngân hàng để mua ngoại tệ, gây áp lực lên nguồn vốn huy động của các ngân hàng và các tỷ lệ an toàn, khả năng chi trả.

Ở chiều vay ngoại tệ, cũng cần nhớ rằng các khoản vay trung và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước sẽ kết thúc vào ngày 30-9 tới, tức chỉ còn khoảng một tháng, sau khi các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn đã kết thúc vào cuối tháng 3 năm nay. Khi đó các doanh nghiệp có nhu cầu về ngoại tệ có thể phải chuyển sang vay tiền đồng rồi mới mua ngoại tệ từ ngân hàng.

Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn các khoản vay ngoại tệ sẽ chuyển dịch sang vay tiền đồng, theo đó cũng gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng buộc phải tăng mạnh lãi suất tiền đồng để huy động vốn cũng là điều tất yếu.

(Theo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ