Phân bổ vốn đầu tư công: Không nên “trao hết” cho địa phương

Phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng cách “trao hết” cho địa phương sẽ không phát huy được các dự án mang tính “đột phá” cho cả vùng. Vì vậy, việc dành lại một phần nguồn lực để đầu tư vào các dự án chung là điều cần thiết.
TRUNG CHÁNH
29, Tháng 08, 2019 | 02:16

Phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng cách “trao hết” cho địa phương sẽ không phát huy được các dự án mang tính “đột phá” cho cả vùng. Vì vậy, việc dành lại một phần nguồn lực để đầu tư vào các dự án chung là điều cần thiết.

Tại hội nghị “Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” diễn ra ở tỉnh Vĩnh Long hôm 14-8, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết trong năm 2020, nhu cầu vốn của khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL lần lượt là 91.760 tỉ đồng và 80.486 tỉ đồng, tăng 23,3% và 44% so với số vốn đã giao trong năm 2019.

Dù kế hoạch đã được đề ra nhưng các chuyên gia cho rằng việc phân bổ nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển cho địa phương hiện nay cần phải được xem xét, điều chỉnh lại nhằm tạo ra những động lực phát triển mang tính “đột phá” chung cho cả vùng, nhất là trong bối cảnh việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang gần kề.

c10ac_dau_tu_cong

Cần dành riêng nguồn lực phục vụ cho các dự án mang tính chất “kích hoạt” phát triển cho cả vùng bên cạnh nguồn lực cho mỗi địa phương. Trong ảnh là cầu Vàm Cống. Ảnh: Trung Chánh

Nên có nguồn lực chung

Hiện chưa có cơ chế thực hiện đầu tư các dự án chung của vùng.

Nguyên tắc phân bổ nguồn lực hiện nay là phân bổ về địa phương, chứ không phải một cơ quan bộ nào giữ để xử lý, như vậy ai sẽ điều phối việc thực hiện các dự án này?

Tại hội nghị, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết theo Luật Quy hoạch, có quy hoạch quốc gia, vùng và địa phương, tuy nhiên, việc triển khai (đầu tư) lại không có cái chung của vùng. “Khi triển khai thì từng địa phương lại làm riêng nên địa phương nào hầu như cũng chỉ nói về mình”, ông Trọng nói và nhận xét mục tiêu gắn kết vùng và tổng thể quốc gia hiện chỉ có trên quy hoạch hoặc định hướng.

Ông Trọng mong Bộ KH-ĐT có tính toán xây dựng nguồn lực sử dụng chung cho vùng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả Đông Nam bộ và ĐBSCL giai đoạn 2021-2025. Để có cơ sở thực hiện định hướng như trên, trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 của Bộ KH-ĐT, cần dành một phần nguồn lực phân bổ cho cái chung.

“Ở ĐBSCL, hiện Bộ KH-ĐT cũng đang triển khai quy hoạch vùng, trong đó, có định hướng lớn kết nối một số dự án. Nếu như xác định trong năm năm tới, ĐBSCL sẽ đầu tư đường sắt cao tốc hay những cây cầu kết nối đường bộ, thì trong tổng nguồn ngân sách công phân bổ cho cả ĐBSCL, bộ phải đề xuất giữ lại một khoản tiền nhất định”, ông Trọng nói.

Minh họa rõ hơn việc này, ông Trọng nêu ví dụ nếu bộ phân bổ cho ĐBSCL 100 đồng, thì có thể đề xuất giữ 40 đồng phục vụ đầu tư vào những dự án mang tính đột phá cho vùng, còn 60 đồng phân cho các địa phương. Các địa phương trên cơ sở đó mới đề xuất chuyện của địa phương mình. Còn nếu cứ phân bổ hết 100 đồng cho địa phương thì các tỉnh sẽ sử dụng hết, “không bao giờ” có chuyện nhận 100 đồng, chỉ sử dụng 60 đồng, dành 40 đồng cho xây dựng các dự án chung.

Trao đổi với TBKTSG liên quan đề xuất trên, ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc này đã có trong Quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm trong liên kết vùng ĐBSCL, tức được phép dành 10% trong tổng vốn ngân sách trung ương đầu tư vào vùng ĐBSCL. “Ví dụ, cả vùng ĐBSCL trong năm 2020 được đầu tư 100 đồng, thì ít nhất để lại 10 đồng để đầu tư cho những công trình có tính chất liên kết vùng”, ông Hiệp dẫn chứng.

Tuy nhiên, từ khi được ban hành vào ngày 17-4-2016 đến nay, Quyết định 593 vẫn chưa được thí điểm. Theo ông Hiệp, nhân Bộ KH-ĐT bàn chuyện phân bổ vốn đầu tư công, đặc biệt ở mốc giai đoạn kế hoạch 5 năm tới (2021-2025), nhất định phải làm cho được mục tiêu nêu trên.

Ông Hiệp cho rằng 13 địa phương ĐBSCL nếu giải quyết được “dự án liên kết vùng”, thì sẽ khắc phục được những bất cập thời gian qua, phát huy được hiệu quả đầu tư và tạo ra được một cơ chế liên kết. Từ đó, kết quả này sẽ tác động đến nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân bên ngoài, tạo thành trục xương sống thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cũng cho rằng cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư cho phát triển chung của một vùng như về hạ tầng giao thông sẽ tạo ra được những dự án đồng bộ, liền mạch so với làm rời rạc ở từng địa phương. Mặt khác, việc đầu tư được các tuyến đường đồng bộ sẽ “kích thích” khu vực tư nhân đầu tư phát triển kinh tế.

Cần danh mục dự án sử dụng nguồn lực chung

Tuy nhấn mạnh là có hiệu quả, song ông Lam của VCCI Cần Thơ cho rằng, có một điểm phải lưu ý, đó là chưa có cơ chế thực hiện đầu tư các dự án chung của vùng. Nguyên tắc phân bổ nguồn lực hiện nay là phân bổ về địa phương, chứ không phải một cơ quan bộ nào giữ để xử lý, như vậy ai sẽ điều phối việc thực hiện các dự án này? “Với dự án liên tỉnh, địa phương nào sẽ chịu trách nhiệm là vấn đề quan trọng cần làm rõ”, ông Lam nêu quan điểm và cho rằng hệ thống luật pháp cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, như vậy mới giúp mang lại hiệu quả trong đầu tư.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng cần phải xác định được danh mục dự án liên kết vùng hay nói cách khác là danh mục các dự án sẽ sử dụng nguồn lực chung, thì mới phân bổ vốn được. “Anh nói dành ra ít nhất 10% (Quyết định 593), nhưng anh lại không đưa ra danh mục dự án, thì làm sao phân bổ”, ông đặt vấn đề và tái nhấn mạnh đây là cơ hội để thay đổi trong câu chuyện phân bổ nguồn lực đầu tư công.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ