Ông Đỗ Minh Phú: 'TPB là cổ phiếu lành mạnh, xứng đáng đầu tư'

Nhàđầutư
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, hiện tại, giá trị cổ phiếu phản ánh có thể chưa tương xứng tiềm năng theo đánh giá của nhà đầu tư, nhưng chia sẻ với tư cách cố đông trên vị trí lãnh đạo, ông Phú tin rằng TPB là cổ phiếu lành mạnh, xứng đáng để đầu tư.
KHÁNH AN
23, Tháng 04, 2021 | 11:57

Nhàđầutư
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, hiện tại, giá trị cổ phiếu phản ánh có thể chưa tương xứng tiềm năng theo đánh giá của nhà đầu tư, nhưng chia sẻ với tư cách cố đông trên vị trí lãnh đạo, ông Phú tin rằng TPB là cổ phiếu lành mạnh, xứng đáng để đầu tư.

01B75390-C5E9-43B3-BF19-A15358326A4F

Toàn cảnh ĐHĐCĐ TPBank. Ảnh: Khánh An

Sáng nay (23/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tại Hà Nội với sự tham gia của 49 cổ đông, đại diện cho 85,1% cổ phần có quyền biểu quyết.

Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo TPB cho biết, trong năm 2020 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 4.389 tỷ đồng, hoàn thành 107,89% kế hoạch đề ra. Tổng tài sản hợp nhất tính đến 31/12/2020 đạt 206.315 tỷ đồng, tăng hơn 41.000 tỷ đồng so với cuối năm 2019, hoàn thành 114,62% kế hoạch được giao. Vốn điều lệ đạt 10.717 tỷ đồng, tăng 2.151 tỷ đồng so với năm 2019.

Mục tiêu lợi nhuận 5.800 tỷ đồng

Trong năm 2021, TPB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm 2020. Tổng tài sản tăng 21% lên mức 250.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới mức 2%.

Kế hoạch kinh doanh của TPBank trong năm nay được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu nhiều thách thức từ dịch bệnh COVID-19, và cũng phù hợp với chính sách điều hành, các biện pháp kích thích tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng

Năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TPB là tăng vốn. Ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 9,33% VĐL tại thời điểm chào bán. Số lượng nhà đầu tư chào bán sẽ giới hạn dưới 100 người và đảm bảo đáp ứng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm phát hành.

“Việc tăng vốn điều lệ năm 2021 là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của TPBank, nâng cao năng lực hoạt động và ưu thế cạnh tranh, đáp ứng tốc độ phát triển, quy mô hoạt động và mở rộng thị trường”, lãnh đạo TPB nói.

Như vậy, số vốn điều lệ của TPB sau khi hoàn tất việc tăng vốn trong năm 2021 sẽ là 11.716 tỷ đồng, tăng 9,3% so với hiện tại.

Với nguồn vốn tăng thêm, TPB dự kiến sẽ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời bổ sung vốn để cho vay trung dài hạn, mở rộng mạng lưới. Cụ thể, TPBank sẽ hoàn tất việc xây dựng, mở mới đối với 3 chi nhánh, 2 phòng giao dịch cũng như tìm kiếm địa điểm thích hợp để thành lập 6 chi nhánh và 9 phòng giao dịch mới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Một trong những trọng tâm nữa của TPBank trong năm nay đã được Đại hội thông qua là tiếp tục xác định chuyển đổi số là mục tiêu phát triển lâu dài của ngân hàng.

Ban lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh năm 2021 sẽ đẩy mạnh giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi số là “Sáng tạo số”. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng, các ứng dụng cần thiết và chuyên biệt nhằm thích ứng nhanh với sự biến đổi của thị trường và nhu cầu khách hàng.

SONR0601

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank phát biểu tại đại hội. Ảnh: Khánh An

Phần thảo luận

Cổ đông: Căn cứ vào đâu để TPBank đặt hoạch tăng trưởng lợi nhuận tham vọng như vậy?

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPB: Kế hoạch lợi nhuận ban đầu chỉ tăng 25% so với 2020, nhưng căn cứ tình hình quý I và các dự báo tăng trưởng kinh tế cũng như các yếu tố liên quan khác chúng tôi đã đưa ra kế hoạch thách thức hơn.

Quý I tăng trưởng tương đối tốt. Tính đến 31/3/2021, tổng tài sản của TPBank tăng 22,38% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 216.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 138.000 tỷ, tăng 24,36%. Tổng thu nhập hoạt động đạt xấp xỉ 2.800 tỷ đồng, tăng 15,17% so với quý I/2020. Trong quý I/2021, TPBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 1.422 tỷ đồng, tăng 40,87% so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh trên, TPBank thuộc nhóm ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất hệ thống: ROA đạt 2,16%, ROE đạt 26,24%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 39,69% cuối năm 2020 xuống còn 35,2%.

Cổ đông: Định hướng tăng trưởng tín dụng của TPB?

Ông Nguyễn Hưng: Năm 2020, TPBank có tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhưng năm nay sẽ không tăng nhiều và có thể giảm. Đối với các lĩnh vực cho vay, ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, TPBank đẩy mạnh cho vay mua nhà, cho vay mua xe, cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo.

Cổ đông: TPBank sẽ đẩy mạnh mảng tài chính tiêu dùng, vậy để tránh phát sinh nợ xấu ngân hàng sẽ làm gì?

Ông Nguyễn Hưng: Việc thành lập công ty tài chính sẽ phụ thuộc vào kế hoạch thời gian tới, đảm bảo kiểm soát trong kế hoạch, đóng góp vào hiệu quả chung. Cổ đông có thể yên tâm, việc đẩy mạnh mảng tài chính tiêu dùng sẽ không làm gia tăng trích lập dự phòng và tỷ lệ nợ xấu.

Chúng tôi luôn đảm bảo phục vụ yêu cầu khách hàng, đồng thời tránh ảnh hưởng chất lượng ngân hàng.

Về chiến lược ngân hàng số, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh và ứng dụng vào hoạt động, thay thế cho con người. Điều này giúp vận hành liên tục, đem nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí nhân sự, độ an toàn, tính chính xác ở các lĩnh vực.

Trước đây ngân hàng đã có những giải pháp ứng dụng nhưng khả năng đáp ứng cho cùng một lúc bị hạn chế, sau đó, việc đầu tư giải pháp từ các nhà cung cấp ở châu Âu đã giúp việc vận hành trơn tru hơn. Mỗi một năm TPB đầu tư 4-500 tỷ đồng cho hoạt động ngân hàng số, những hệ thống này giúp tăng thu nhập và tạo nền tảng tốt để phục vụ khách hàng.

“Ngân hàng số của TPBank có thể đang chạy trước các ngân hàng khác. Muốn tiết kiệm chi phí thì phải số hóa, dùng công nghệ mới nhất, dùng công cụ phân tích số, đây là cuộc đua số hóa. Riêng về số hóa, chưa có ngân hàng nào đầy đủ như TPBank”, ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank bổ sung thêm.

Tại đại hội, một cổ đông đã có chia sẻ rằng, TPBank đang hoạt động tốt nhưng giá cổ phiếu lại chưa tương xứng, vị này cho rằng một trong những nguyên nhân là năm nay không chia cổ tức. "Cổ đông rất trông chờ việc chia cổ tức, ngân hàng nên có một chính sách rõ ràng. Tôi mong ngân hàng xem xét việc này

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank: Thực ra chúng tôi đã tính đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng năm nay có một số hạng mục để đầu tư cho tăng trưởng kinh doanh. Nếu tính cả năm 2019 để lại  và cộng cả năm 2020 và 2021 dự kiến, chúng ta có khoảng 21.379 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, đây là con số đủ để đảm bảo cho bước đệm phát triển của ngân hàng.

Nhưng năm nay có nhiều việc phải làm, như chi phí cho ngân hàng số, hay để hệ sinh thái tốt hơn là thành lập công ty tài chính, chúng tôi sử dụng lợi nhuận chưa chia để làm việc đó. Quan điểm cá nhân tôi cũng rất muốn chia nhưng nếu xem xét như trên, thì thấy rằng khi đủ điều kiện chúng ta sẽ chia.

Giá cổ phiếu phản ánh sức mạnh ngân hàng, niềm tin cổ đông. Hiện tại, giá trị cổ phiếu phản ánh có thể chưa tương xứng tiềm năng theo đánh giá của nhà đầu tư, nhưng chia sẻ với tư cách cố đông trên vị trí lãnh đạo, tôi tin rằng TPB là cổ phiếu lành mạnh xứng đáng đầu tư. Đến thời điểm này mức độ tăng trưởng của TPBank vẫn bền vững, chúng tôi hy vọng kết quả kinh doanh sẽ sớm phản ánh vào giá cố phiếu, tôi tin rằng ngày này không xa.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ