Những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM

Nhàđầutư
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm cho nhu cầu thị trường giảm mạnh, cũng như thiếu nguyên vật liệu sản xuất, thiếu nguồn lao động, chi phí tăng cao,… đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
LÝ TUẤN
03, Tháng 10, 2021 | 22:39

Nhàđầutư
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm cho nhu cầu thị trường giảm mạnh, cũng như thiếu nguyên vật liệu sản xuất, thiếu nguồn lao động, chi phí tăng cao,… đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tình hình sản xuất kinh doanh

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn TP.HCM, Cục Thống kê TP.HCM cho biết, thành phố đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách với cấp độ tăng dần, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng âm so cùng kỳ như: Sản xuất công nghiệp giảm 12,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 17,4%; du lịch giảm 56,2%; khách sạn nhà hàng giảm 30,5%;...

Theo Cục Thống kê TP.HCM, phần lớn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đội chi phí cao do phải tổ chức sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” dẫn đến đơn hàng không đảm bảo hợp đồng, gây thiệt hại trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

“Tính đến ngày 12/9/2021, số doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc là 20.996 đơn vị với 401.563 người lao động, trong đó: số trường hợp đủ điều kiện xác nhận là 313.723 người lao động. Số doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận để vay vốn trả lương cho người lao động là 191 đơn vị với số lao động là 22.909 người”, Cục Thống kê TP.HCM thông tin.

2(1)

Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: VGP

Ngoài ra, hệ thống chợ truyền thống và hầu hết hộ SXKD cá thể khác đóng cửa, ảnh hưởng đời sống của đại bộ phận dân cư.

Về vấn đề giải quyết việc làm, số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tổng số giải quyết việc làm đến thời điểm hiện nay là 177.437/300.000 lượt người (đạt 59,15% kế hoạch năm); số chỗ việc làm mới được tạo ra đạt 81.744/140.000 chỗ (đạt 58,38% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2020, số lao động được giải quyết việc làm giảm 47.342 lượt người, tỷ lệ giải quyết việc làm giảm 15,78%; số chỗ việc làm mới giảm 21.119 chỗ, tỷ lệ tạo việc làm mới giảm 16,24%.

Đối với tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, theo Cục Thống kê TP.HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 85.339 lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 85.234 người lao động. So với cùng kỳ năm 2020, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 29.832 trường hợp (giảm 35,0%). Nguyên nhân giảm là do tình hình dịch bệnh COVID-19 người lao động chưa hoàn thiện được hồ sơ (chốt sổ bảo hiểm xã hội, còn trong thời hạn nộp hồ sơ trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt làm việc, người lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg không đi ra đường)”, Cục Thống kê TP.HCM cho hay.

Ngoài ra, theo Cục Thống kê TP.HCM, công tác xuất khẩu lao động cũng bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các nước có tiếp nhận lao động Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã thông báo tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài từ cuối tháng 1/2021. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ tập trung công tác đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

Trong khi đó, số lao động do các đơn vị đưa đi là 518 người, tập trung ở thị trường Nhật Bản, các ngành nghề tiếp nhận lao động là chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.

Các yếu tố ảnh hưởng

Khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM về xu hướng SXKD của 432 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 9,8% số doanh nghiệp nhận định rằng hoạt động SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt lên và giữ ổn định (2,1% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 7,7% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định). Trong khi đó, có đến 90,2% doanh nghiệp cho rằng SXKD có khó khăn hơn.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, việc phong tỏa kéo dài để chống dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021, cụ thể, có 55,3% doanh nghiệp trả lời nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp và 19,7% doanh nghiệp lựa chọn nhu cầu thị trường quốc tế thấp.

Đặc biệt, có 46,6% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD; 37,8% doanh nghiệp chọn tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 34,7% doanh nghiệp nhận xét khó khăn về tài chính gây ảnh hưởng; 26,1% doanh nghiệp đánh giá việc không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, có 20,9% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 19,5% doanh nghiệp đánh giá do chính sách pháp luật của nhà nước; 18,5% doanh nghiệp nhận định tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao;… và 4,8% doanh nghiệp lựa chọn việc không có khả năng tiếp cận vốn vay là nhân tố ít ảnh hưởng nhất đến SXKD của doanh nghiệp.

Trong số các ảnh hưởng được doanh nghiệp nêu trên, thì chi phí sản xuất là một trong những nhân tố bị tác động mạnh mẽ nhất do dịch và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Cục Thống kê TP.HCM cho biết, qua khảo sát có có 72,1% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính quý III so với quý II/2021 tăng và giữ nguyên (34,8% tăng và 37,3% giữ nguyên), 27,9% doanh nghiệp đánh giá giảm.

“So với quý III/2021, trong quý IV sẽ có 72,2% doanh nghiệp có chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (27,8% tăng và 44,4% giữ nguyên), 27,8% doanh nghiệp được dự báo sẽ có chi phí sản xuất giảm”, Cục Thống kê TP.HCM dự báo.

Cũng theo khảo sát này, một nhân tố nữa tác động đến hoạt động SXKD của nhiều doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đó chính là tình hình sử dụng lao động, theo Cục Thống kê TP.HCM, có 3,3% doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III so với quý II/2021 tăng, 29,7% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên, nhưng lại có đến 67,0% doanh nghiệp đánh giá giảm.

“Số lượng lao động trong quý IV/2021, được dự báo là khởi sắc hơn với 53% số doanh nghiệp có số lao động tăng và giữ nguyên (13,8% tăng và 39,2% giữ nguyên); và có 47% doanh nghiệp được dự báo có quy mô lao động giảm”, Cục Thống kê TP.HCM dự báo.

Dù vậy, nếu phân theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III vẫn có tăng so với quý II/2021 như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu là 21,4%; sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị 15,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) 14,3%; và sản xuất kim loại là 11,1%.

Về số lượng đơn đặt hàng mới, theo Cục Thống kê TP.HCM, trong quý III/2021, có đến 86,6% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm, và chỉ có 13,4% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (2,4% tăng và 11,0% giữ nguyên).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ