Những cú lỗ nặng và câu chuyện may mắn thời đại dịch

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề, dẫn đến thua lỗ hoặc phá sản do không thể duy trì sản xuất, tuy nhiên bên cạnh đó cũng không ít doanh nghiệp nhờ đặc thù kinh doanh cùng chiến lược hợp lý đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục.
KHÁNH AN
21, Tháng 06, 2020 | 09:15

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề, dẫn đến thua lỗ hoặc phá sản do không thể duy trì sản xuất, tuy nhiên bên cạnh đó cũng không ít doanh nghiệp nhờ đặc thù kinh doanh cùng chiến lược hợp lý đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục.

131611_85183943101629316289754819169883991619141632o_15835626718561008710627_1583638305334_15836383057051796122456

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Nguồn ảnh Internet.

Bắt đầu xuất hiện và bùng phát tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

COVID-19 tác động tiêu cực tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó khiến cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam phải tạm ngừng kinh doanh mà theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2020, con số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể lên tới 12.200 đơn vị.  

Những cú lỗ nặng…

Hàng không có thể coi là một trong những lĩnh vực kinh tế chịu tổn thất nặng nề nhất với các khoản lỗ được các hãng bay trong nước công bố lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

Với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), COVID-19 đã khiến tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của hãng này giảm mạnh. Kết quả, chỉ trong 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines phải ghi nhận số lỗ sau thuế 2.611 tỷ đồng, trong đó, khoản lỗ của công ty mẹ ở mức 2.589,4 tỷ đồng, còn lại 22,1 tỷ đồng là lỗ của cổ đông không kiểm soát. Bên cạnh đó, các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không của Vietnam Airlines cũng giảm mạnh như: Vacs, Skypec, Viags,…

Bamboo Airways non trẻ của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng chẳng thể “chạy trời cho khỏi nắng” khi thông tin rằng đã lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020.

Hãng hàng không Vietjet không nằm ngoài vòng xoáy này với số lỗ sau thuế trong quý I/2020 lên đến 989 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ này thấp hơn dự kiến của ban lãnh đạo và ở mức tích cực so với toàn ngành hàng không chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nhờ các biện pháp quản lý chi phí tốt và kịp thời.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 còn tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển tính chung 3 tháng giảm 6,1% do tác động của các vận động, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cùng với việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.  

Bên cạnh đó, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 cũng khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan.

Nỗi lo về dịch bệnh đã khiến hàng chục nghìn phòng khách sạn bị huỷ bỏ, những dịch vụ xung quanh lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ, các ứng dụng, trang web đặt phòng, đặt tour trực tuyến không có khách hàng, phải hoàn trả hoặc nhận được những yêu cầu hủy vé liên tục, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải chịu thiệt hại vô cùng lớn.

Ảnh hưởng nặng nề mà dịch COVID-19 gây ra đã thể hiện rõ nhất trên báo cáo tài chính quý I/2020 của một số khách sạn.

Với CTCP Du lịch Hương Giang (Hương Giang Tourism) - chủ sở hữu khách sạn cùng tên tại TP. Huế, công ty này đã ghi nhận số lỗ 4,3 tỷ đồng. CTCP Quốc tế Hoàng gia - chủ khách sạn 5 sao Royal Hạ Long cũng phải ôm khoản lỗ gộp hơn 15 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020 hay CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương - chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng cũng đã phải báo lỗ 68 tỷ đồng.

Ngoài ra, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại một số quốc gia cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ. Điều này khiến sản lượng công nghiệp của nước ta giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua. Trong đó, chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ phát triển chậm và tồn kho tăng cao.

Cụ thể, theo Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng của ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 5,28% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I năm 2018 và 9% của quý I năm ngoái. Ngay cả động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý đầu năm cũng chỉ tăng 7,12%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2020 cũng đã giảm so với cùng kỳ như ô tô giảm 10,4%; xe máy giảm 0,9%; quần áo mặc thường giảm 3,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 3,7%; thép cán giảm 4,3%; sắt, thép thô giảm 4,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,9% và dầu thô khai thác giảm 9,3%.

…Và những câu chuyện may mắn thời đại dịch

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, việc tận dụng những nguyên liệu sẵn có để chuyển hướng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường ngắn hạn trong mùa dịch lại đem về mức tăng trưởng đáng chú ý cho nhiều doanh nghiệp như đơn vị cung cấp khẩu trang, gel rửa tay và thuốc tăng đề kháng, thực phẩm.

Đầu tiên phải kể đến doanh nghiệp sản xuất và cung ứng khẩu trang, bởi nhờ cơn sốt khẩu trang nội địa khoảng đầu tháng 2 mà nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu nội địa tăng đột biến.

Điển hình có CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, việc đón đầu sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch đã giúp doanh thu tiêu thụ nội địa trong quý I/2020 của TNG đạt 63,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng CTCP Y tế Danameco (DNM) cũng công bố mức doanh thu tăng 225% lên 127 tỷ, lợi nhuận gộp tăng 134% đạt 24 tỷ đồng trong quý I/2020. DNM cho biết khi dịch COVID-19 bùng phát đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, trang phục chống dịch… Doanh nghiệp này còn đầu tư máy móc, tăng năng lực sản xuất và mở rộng thị trường.

Việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn cũng giúp Tập đoàn Dệt may (Vinatex) và các đơn vị thành viên bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống với doanh thu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song song với đó, nhu cầu đột biến về nước rửa tay và chất tẩy rửa cũng giúp doanh thu nội địa của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng cao.

Lấy ví dụ như Bột giặt Lix (Lixco, LIX) với doanh thu quý 1 đạt hơn 904 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trong đó, phần tăng chủ yếu đến từ doanh thu khu vực nội khi đạt 776 tỷ đồng, tăng 64%; điều này có được nhờ thông qua việc bán sản phẩm nước rửa tay khô On1 giữa đại dịch.

Ngành dược cũng được hưởng lợi từ dịch bệnh khi nhu cầu về thuốc men, đặc biệt thực phẩm tăng sức đề kháng, vitaminC tăng cao. Ví dụ như Dược Hậu Giang (DHG) với doanh thu quý 1/2020 đạt 858 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, doanh thu bán lẻ hàng hóa lại tăng mạnh do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.   

Ghi nhận kết quả tốt trong lĩnh vực này có thể kể đến Dabaco với doanh thu 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng. So cùng kỳ, quý đầu năm 2020 lợi nhuận DBC cao gấp 17 lần (quý 1/2019 chỉ đạt 20 tỷ). Dabaco cho biết đã tăng cường sản xuất các sản phẩm là nhu yếu phẩm thiết yếu như trứng gà tươi, trứng gà chế biến, thực phẩm chế biến từ thịt và tổ chức hệ thống phân phối, vận chuyển an toàn đến tận tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, công ty này đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu tổng doanh thu (bao gồm cả doanh thu nội bộ) đạt 13.203 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 512 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 457 tỷ đồng, đồng thời hướng tới sự tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế các năm tiếp theo với mức tăng từ 9% đến 15% đến năm 2025.

Nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Coop, BigC, Lotte, AEON… cũng đã đưa các sản phẩm bán tại siêu thị “lên mạng” hoặc đặt hàng qua điện thoại.  Đối với các trang thương mại điện tử hầu như trước đây chỉ bán các mặt hàng không liên quan đến nhu yếu phẩm thì bây giờ đã nhanh chóng chuyển hướng, đa dạng các mặt hàng hơn, nhất là thực phẩm như Shopee Việt Nam và Lazada. Điều này giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có cơ hội để sản xuất, tăng số lượng và nâng cao giá trị sản phẩm trong diễn biến phức tạp do COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó, kinh doanh bảo hiểm cũng là một lĩnh vực có thể coi là may mắn trong thời đại dịch khi mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Có được điều này nhờ các công ty bảo hiểm đã tung ra các gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, hoặc tăng các gói hỗ trợ nhằm thu hút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm mới phù hợp, với nhiều mức giá khác nhau và nhiều quyền lợi được hưởng.

Như vậy, có thể nói, bên cạnh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thì COVID-19 cũng có thể coi là thời cơ tốt để doanh nghiệp Việt tạo nên những mô hình mới, thích nghi và đáp ứng những yêu cầu mới của người dùng, tạo động cơ giúp nền kinh tế bật lên với những bước tiến xa hơn trong tương lai.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ