Nhiều vướng mắc về thuế 'do quy định chưa rõ, tâm lý phải hỏi lên trên'

Nhàđầutư
Việt Nam đã thực hiện những cải cách thuế rất mạnh mẽ, tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và cơ quan thuế vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế do một số quy định chưa dễ hiểu và tâm lý “phải hỏi lên trên cho an toàn”.
KIM NGÂN - TRÍ ĐỨC
04, Tháng 12, 2023 | 09:39

Nhàđầutư
Việt Nam đã thực hiện những cải cách thuế rất mạnh mẽ, tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và cơ quan thuế vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế do một số quy định chưa dễ hiểu và tâm lý “phải hỏi lên trên cho an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, bình luận như vậy trong cuộc phỏng vấn với Nhadautu.vn.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế. Ảnh: Nhà đầu tư/Trọng Hiếu.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế. Ảnh: Nhà đầu tư/Trọng Hiếu.

Cải cách thuế được coi là một trong những cải cách kinh tế mạnh mẽ nhất ở Việt Nam. Ông có đồng tình với nhận định này không?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Không có luật nào cải cách mạnh mẽ như Luật Quản lý thuế số 38/2019, trên cả 2 phương diện: tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý thuế. Thuận lợi lớn hơn cả là cho cộng đồng doanh nghiệp. Đó là các thủ tục tự tính, tự khai và đi liền với nó là hệ thống công nghệ quản lý phục vụ cho việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế.

Bản thân tôi là một cá nhân nộp thuế, với máy tính của mình, tôi biết tôi đã nộp bao nhiêu, nộp chỗ nào, ai khấu trừ, khấu trừ bao nhiêu, và cuối năm sẽ phải nộp thêm bao nhiêu, được lấy về bao nhiêu. Hiếm có một cơ quan nhà nước nào làm được như vậy.

Cơ quan thuế nước ngoài cũng rất ngưỡng mộ những đổi mới nhanh của ngành thuế Việt Nam. Tôi đơn cử hai ví dụ. Một, quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam như Google, Facebook, Netflix, Microsoft... Hiện đã có cổng thông tin điện tử phục vụ nhà cung cấp nước ngoài, quản lý họ từ ngày 21/3/2022 đến nay. Ta đã thu hơn chục nghìn tỷ đồng và sẽ còn nhiều hơn nữa.

Thứ hai, hóa đơn điện tử có nối mạng giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thụ hưởng ngân sách nhà nước, các đơn vị ngoài công lập... Nhờ đó, các cơ quan sử dụng ngân sách có thể giám sát được các hoạt động thu-chi, mua bán hàng hóa của mình mà lâu nay chúng nằm ở phòng hành chính và khó kiểm soát. Giao dịch cũng chính xác hơn, không có chuyện đổi giá, gửi giá. 

Nhưng mặt khác, thủ tục thuế, cách xác định thu nhập chịu thuế… vẫn còn rất phức tạp, và đôi khi quy định có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nói như vậy có xác đáng không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Tôi thấy chưa thỏa đáng nếu nhận định như vậy. Nhưng tôi không phủ nhận thực tế hiện cả doanh nghiệp và cơ quan thuế đều có những vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Có ba nguyên nhân. Thứ nhất, các văn bản hướng dẫn, các quy định liên quan đến thuế chưa thực sự dễ hiểu. Còn có những quy định có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một số quy định trước đây chúng ta quen làm theo thủ tục giấy tờ, nay chuyển sang thủ tục điện tử thì có vướng mắc.

Thứ hai, gần đây có xu hướng tâm lý "phải chắc chắn, an toàn tôi mới làm", nên những quy định nào thấy chưa rõ ràng thì doanh nghiệp lại hỏi lên cơ quan quản lý. 

Tình trạng này dẫn đến hiện tượng thứ ba. Có những việc doanh nghiệp đương nhiên làm được nhưng lại không tin, cứ muốn hỏi cơ quan thuế cho chắc. Mà khi hỏi lên thì gây khó khăn vì cơ quan thuế phải dành thời gian trả lời. Tôi cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Chúng ta có chương trình sửa đổi một số quy định, một số luật nên tôi hy vọng những khó khăn này sẽ được khắc phục.

Ở không ít cơ quan công quyền, tâm lý "sợ trách nhiệm" đang làm chậm quá trình ra quyết định, làm khó doanh nghiệp. Ông thấy hiện tượng này có phổ biến ở các cơ quan thuế không?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Đây là vấn đề của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, không riêng gì cơ quan thuế. Gần đây cơ quan nào cũng có hiện tượng như vậy. Tâm lý chung của nhiều cơ quan là cứ phải hỏi lên trên cho chắc. Tôi cho rằng đây là chi phí xã hội.

Ông thấy vướng mắc thuế lớn nhất liên quan đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gì? Quy định không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, hay thủ tục rườm rà, hay sự nhũng nhiễu của quan chức thuế?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Đối với thuế, luật đã cho phép người ta tự tính, tự khai, tự nộp. Nhưng bản thân những cán bộ quản lý trong doanh nghiệp FDI cũng là người làm thuê nên họ cũng rất sợ trách nhiệm. Vì vậy, họ hay tìm đến cơ quan thuế để hỏi, để xác định nghĩa vụ thuế cho đúng, để xác định quy trình cho đúng, để giảm thiểu tổn thất, để giảm thiểu các sai sót.

Chính vì vậy, công việc ở cơ quan thuế càng tăng thêm. Văn bản có rồi, rõ ràng rồi, nhưng người ta vẫn hỏi. Mà trách nhiệm của chúng ta, những người làm việc với các đối tác nước ngoài, là phải giải thích cho họ hiểu quy định của mình.

Vấn đề thứ hai là người ta có quyền được làm theo quy định của pháp luật. Nếu ta sai, người ta có quyền khởi kiện, có thể khởi kiện ra trọng tài, ra tòa. Hơn ai hết, các công ty tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán là những người bạn đồng hành giúp doanh nghiệp. Dịch vụ của họ giúp gỡ vướng rất nhiều cho doanh nghiệp FDI.

Tôi khẳng định không có chuyện nhũng nhiễu. Trong lúc này không ai dám nhũng nhiễu. Mà tôi tin anh em thuế không nhũng nhiễu, còn có cá biệt không thì tôi không biết.

Trong nhiều trường hợp, quy trình, thủ tục, kiểm tra, kiểm soát giúp an toàn cho nhà nước, nhưng trách nhiệm lại đổ lên cán bộ thuế, rồi cán bộ lại đổ lên doanh nghiệp. Đấy là những thứ sinh ra từ thực tiễn. Mà quy trình dần dần cũng sẽ phải sửa, bất hợp lý thì phải sửa, chưa phù hợp thì phải sửa.

Số liệu của Tổng cục thuế năm 2022 cho thấy khoảng 39% doanh nghiệp FDI báo lãi; hơn 54% báo lỗ, cao hơn con số 50% của khối doanh nghiệp trong nước. Có ý kiến cho rằng con số lỗ đó không phản ánh đúng thực tế vì có thể có không ít doanh nghiệp FDI đang trốn thuế thông qua chuyển giá, trong khi cơ quan thuế Việt Nam chưa đủ năng lực để phát hiện, xử lý. Ông có đồng tình với ý kiến này không?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Báo cáo của Bộ Tài Chính lên Thủ tướng Chính phủ về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI cho thấy phân nửa báo lỗ. Vì sao? Chúng ta phải nói thế này. Lợi nhuận kế toán cho báo cáo khác với thu nhập tính thuế. Vì mọi chi phí người ta bỏ ra, người ta phải hạch toán hết. Có chi phí được chấp nhận là chi phí được trừ, có khoản không được chấp nhận.

Thứ hai, có những hoạt động về chuyển giá để né tránh thuế. Người ta báo cáo như vậy thì chúng ta có trách nhiệm kiểm tra để xác định đúng không. Cho nên có rất nhiều doanh nghiệp báo cáo kế toán thì lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế vì theo luật của ta, ông đang báo cáo không trung thực.

Việc thứ ba, về mặt chính sách, chúng ta có nhiều ưu đãi thuế để thu hút FDI. Chúng ta thực hiện cam kết với nhà đầu tư. Nhưng chúng ta cũng yêu cầu họ phải kê khai thuế cho đúng, cho nghiêm túc.

Hiện nay Việt Nam có tham gia cơ chế chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận. Chúng ta sẽ tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu. Tôi nghĩ khi cơ chế này đi vào thực tế, khả năng trốn thuế, né thuế sẽ giảm.

Theo ông bao giờ cơ quan thuế của Việt Nam có đủ năng lực để phát hiện, xử lý vấn đề trốn thuế thông qua chuyển giá?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Hiện nay đang khó cái này, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam phải vươn lên, ngành thuế phải vươn lên.

Chính sách ưu đãi của chúng ta là con dao hai lưỡi. Ưu đãi quá hào phóng như trước đây cũng tạo cơ hội, động cơ cho người ta né thuế, tránh thuế. Nhưng với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, ít nhất chúng ta thỏa thuận mức thuế 15%, thì chênh lệch ít đi, cơ hội cho người ta né thuế sẽ ít đi. 

Chúng ta đang thu hút FDI nên tôi đề nghị báo chí nói một cách hết sức nghiêm túc. Chúng ta đừng đổ vấy cho bất cứ ông nào, đừng miệt thị ông nào, đừng nói ra nghi ngờ ông nào.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24675.00 24695.00 25015.00
EUR 26141.00 26246.00 27411.00
GBP 30532.00 30716.00 31664.00
HKD 3113.00 3126.00 3228.00
CHF 26871.00 26979.00 27815.00
JPY 159.92 160.56 168.00
AUD 15832.00 15896.00 16382.00
SGD 18029.00 18101.00 18636.00
THB 660.00 663.00 690.00
CAD 17973.00 18045.00 18577.00
NZD   14540.00 15029.00
KRW   17.60 19.20
DKK   3510.00 3640.00
SEK   2258.00 2345.00
NOK   2225.00 2313.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ