Nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ quý III/2023

Nhàđầutư
Doanh nghiệp thép lỗ quý III/2023 “sâu” nhất tính đến thời điểm hiện tại là CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCOM: TIS) với mức lỗ 25 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.
NHẬT HUỲNH
18, Tháng 10, 2023 | 08:17

Nhàđầutư
Doanh nghiệp thép lỗ quý III/2023 “sâu” nhất tính đến thời điểm hiện tại là CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCOM: TIS) với mức lỗ 25 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

NDT - DN thep gap nhieu thach thuc

Quý khó khăn của doanh nghiệp thép. Ảnh: Báo Chính phủ.

Trước mùa BCTC, nhiều công ty chứng khoán nhìn nhận quý III/2023 sẽ tiếp tục là một quý thách thức với các doanh nghiệp thép. Đội ngũ từ CTCP Chứng khoán KIS nhìn nhận nhóm thép sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ nhu cầu thị trường yếu do mùa mưa; giá bán giảm sẽ tác động đến biên lợi nhuận dù chi phí đầu vào ổn định; nhu cầu trong nước được dự báo sẽ chững lại.

Hiện tại, dù một số "ông lớn" như Hòa Phát, Hoa Sen, hay Nam Kim chưa công bố BCTC, song dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy nhiều công ty thép báo lỗ quý III/2023 hoặc lãi giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

NDT - DN linh vuc thep

Ảnh: Nhật Huỳnh.

Doanh nghiệp thép lỗ quý III/2023 "sâu" nhất tính đến thời điểm hiện tại là CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCOM: TIS). Cụ thể, doanh thu thuần TIS trong quý III/2023 đạt 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Giá vốn chiếm tỷ trọng lớn khiến lãi gộp của TIS giảm 24% so với cùng kỳ xuống 34 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, TIS lỗ ròng 58,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 25 tỷ đồng. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. Con số lỗ quý III thấp hơn so với mức lỗ kỷ lục 100 tỷ của quý II liền trước.

TIS cũng là công ty lỗ 9 tháng nặng nhất, với lãi ròng -194,3 tỷ đồng và còn cách rất xa mục tiêu có lãi cả năm 2023 là 39 tỷ đồng. Năm 2023, TIS đánh giá tình hình thế giới phức tạp, đặc biệt là xung đột địa chính trị kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở mức độ khó lường. Do đó, TIS cũng đề nghị cổ đông uỷ quyền cho HĐQT trong trường hợp cần thiết chủ động xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế để đạt mục tiêu hiệu quả.

Tương tự TIS, CTCP Thép VICASA – VNSTEEL (HoSE: VCA) quý III/2023 cũng báo lỗ 2,7 tỷ đồng, trong khi quý III/2022 lỗ 21,9 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý có lãi liên tiếp, VCA báo lỗ trở lại trong quý III/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận lãi 3,5 tỷ đồng và hoàn thành khoảng 37% kế hoạch cả năm 2023.

Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng báo lỗ như CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (UPCOM: TDS) lỗ 491 triệu đồng, CTCP Thép Nhà Bè – Vnsteel (UPCOM: TNB) lỗ 2,73 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, CTCP Thép Lá Tấm Thống Nhất (UPCOM: TNS) gây ấn tượng khi lãi ròng quý III/2023 đạt 3,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 6,2 tỷ đồng. TNS cho biết thị trường thép cán nguội trong kỳ vẫn gặp khó khăn, khả năng phục hồi chậm, nhưng nhờ việc tìm kiếm khách hàng cũng như có nguồn hàng giá cả hợp lý nên sản lượng sản xuất công ty tăng 169% và tiêu thụ tăng 152% nên kéo theo doanh thu và lợi nhuận công ty tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận lãi ròng công ty đạt 120 triệu đồng, giảm 86%.

Một công ty thép khác cũng báo lãi ròng quý III/2023 trong khi cùng kỳ lỗ là CTCP Chế tạo Kết cấu Thép VNECO.SSM (HNX: SSM). Theo đó, SSM báo lãi ròng quý III/2023 đạt 1 tỷ đồng, con số này cao hơn rất nhiều so với mức lỗ quý III/2022 (-4,9 tỷ đồng).

Theo đánh giá từ CTCP Chứng khoán Dầu khí, ngành thép chưa thể trở lại đà tăng trưởng. Cụ thể, thị trường bất động sản sẽ chưa thể có sự sôi động đủ mạnh để kích cầu cho thép xây dựng, dẫn đến khả năng tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023.

Cùng với đó, việc xuất khẩu trong quý IV/2023 sẽ gặp nhiều khó khăn do thị trường EU đang trở nên dè dặt hơn với những đơn đặt hàng mới trong tháng 9. PSI nhận định điều này sẽ tiếp diễn trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ là tương đối thấp. Đồng thời, PSI cho rằng giá bán thép cũng đang thiếu những động lực hỗ trợ. Nhu cầu yếu là lý do chính khiến cho giá thép giảm liên tục trong 2 quý vừa qua. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong quý cuối năm.

Ngoài ra, giá quặng tại Trung Quốc trong quý III đã tăng mạnh do ảnh hưởng của các thông tin hạn chế sản xuất thép tại nhiều khu vực ở nước này. PSI dự đoán giá quặng sẽ tiếp tục tăng nhẹ và đi quanh vùng giá hiện tại trong quý IV. Giá than cốc cũng đã tăng trở lại trong quý III. Hiện tại, nguồn cung than cốc đang khan hiếm trong khi nhu cầu đã và đang cải thiện.

Đồng quan điểm, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích SSI cho rằng nền kinh tế trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương trong phần còn lại của năm 2023 không nhiều, bao gồm thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ. Mặc dù vậy, lợi nhuận ngành thép bước sang năm 2024 sẽ nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất, cùng với bán lẻ, phân bón, thuỷ sản.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ