Ngành thép nửa đầu năm: 'Kẻ khóc, người cười'

Nhàđầutư
Nửa đầu năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có số ít doanh nghiệp là điểm sáng với kết quả kinh doanh tăng trưởng.
PHƯƠNG LINH
22, Tháng 09, 2020 | 07:04

Nhàđầutư
Nửa đầu năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có số ít doanh nghiệp là điểm sáng với kết quả kinh doanh tăng trưởng.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến 8 tháng đầu năm nay, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản xuất và bán hàng thép các loại đã giảm lần lượt 5% và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu thép các loại đạt 2,74 triệu tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét theo cơ cấu sản phẩm, sản lượng bán hàng 8 tháng giảm ở hầu hết các sản phẩm, trong đó cuộn cán nóng (HRC) giảm mạnh nhất 19,4%, thép cán nguội giảm 10,6% và thép xây dựng giảm 6%. Riêng sản phẩm tôn mạ có mức tăng trưởng dương gần 3%, ống thép tương đương cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, thị phần ngành thép đã có sự thay đổi đáng kể. Tiêu thụ thép xây dựng, Hòa Phát khẳng định vị trí số 1 khi tăng thị phần từ 23,79% lên 32,02%. Ngược lại, Pomina và Posco SS Vina giảm dần thị phần. 

Ở sản phẩm tôn mạ, Hoa Sen dù thị phần có sự tăng giảm qua các năm nhưng vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu với 31,6% trong 8 tháng đầu năm. Đơn vị ghi nhận sự bành trướng phải kể đến Thép TVP, thị phần gấp đôi từ 5,74% năm 2017 lên 11,1% tính đến hết tháng 8.

Mảng ống thép, Hòa Phát và Hoa Sen tiếp tục chia nhau 2 vị trí đầu bảng. Tuy nhiên, Minh Ngọc và TVP cũng dần chiếm được thị phần khi liên tục tăng trong giai đoạn 2017 đến tháng 8/2020.

Điểm qua các doanh nghiệp ngành thép trên sàn, có thể thấy chỉ một số ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng như Hòa Phát (HPG) hay Hoa Sen (HSG).

Theo đó, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) mới đây công bố BCTC hợp nhất quý 2/2020 đã soát xét, với doanh thu thuần đạt 20.422 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế trong kỳ đạt 2.755 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2019.

anh-ot-15318126377251192962917

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, HPG đã thực hiện được 47% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lãi sau thuế 2020

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HPG đạt 39.655 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 5.060 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2019. 

Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, Tập đoàn Hoà Phát đã họp và thông qua kế hoạch doanh thu 86.000 tỷ đồng (tăng 33%) và lợi nhuận sau thuế 9.000 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2019). Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, HPG đã thực hiện được 47% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lãi sau thuế 2020.

Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của HPG đạt 112.644 tỷ đồng, tăng gần 11% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, nợ phải trả ghi nhận hơn 60.063 tỷ đồng, tăng 11% so với con số đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay ở mức hơn 42.600 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm và chiếm gần 38% tổng tài sản.

Ở diễn biến mới nhất, Employees Provident Fund Board (KWSP), tổ chức đầu tư thuộc Chính phủ Malaysia đang bán mạnh cổ phiếu HPG trong thời gian gần đây. KWSP từng là một trong những cổ đông ngoại lớn nhất tại Hòa Phát, theo dữ liệu công bố tại thời điểm 2/3/2020, đơn vị này sở hữu gần 61 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,2%.

Với Tập đoàn Hoa Sen (mã CK: HSG), đơn vị này đã công bố BCTC hợp nhất quý 3 niên độ tài chính (NĐTC) 2019 - 2020 từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020 và lũy kế quý 3 NĐTC 2019 - 2020.

Theo đó riêng quý 3, doanh thu thuần HSG đạt 6.834 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm gần 8% nên lợi nhuận gộp đạt gần 1.063 tỷ đồng, tăng 9,6% so với quý 3/2019, tương ứng biên lãi gộp cũng được cải thiện từ 13,4% lên 15,6%.

Trong kỳ HSG có 21 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 40% so với cùng kỳ, trong khi chi phí lãi vay giảm đáng kể giúp chi phí tài chính giảm 27%. Sau khi trừ các khoản chi phí, ghi nhận 2,4 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác và có hơn 11 tỷ đồng chi phí thuế TNDN hoãn lại nên kết quả HSG đạt 318 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp gần 2 lần so với quý 3/2019.

Như vậy, lũy kế 9 tháng NĐTC 2019 - 2020, doanh thu HSG đạt 19.189 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 69% kế hoạch niên độ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế HSG 9 tháng NĐTC 2019 - 2020 đạt 701 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ, hoàn thành 175% kế hoạch niên độ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng vẫn giảm sút so với cùng kỳ có thể kể tên như Thép Nam Kim (NKG), Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN), SMC, Thép Việt Ý (VIS), Gang thép Thái Nguyên (TIS), Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) hay như ống Thép Việt Đức VGPipe (VGS).

Cụ thể, Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel - mã: TVN) công bố BCTC hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu và lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.

Tính riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 8.031 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn giảm ít hơn, chỉ 5,1% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 388 tỷ đồng, giảm 23,6% so với quý 2/2019. 

BCTC công ty ghi nhận tính đến cuối quý 2/2020 khoản dư vay nợ thuê tài chính dài hạn xấp xỉ bằng đầu năm với 2.313 tỷ đồng trong khi dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm được 710 tỷ đồng xuống còn 4.741 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được gần 20 tỷ đồng, xuống còn gần 132 tỷ đồng.

Một nguyên nhân nữa, là do quý 2 năm nay các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lỗ gần 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận khoản lãi hơn 74 tỷ đồng.

Những nguyên nhân chính trên khiến cho lợi nhuận sau thuế quý 2 còn lại 63 tỷ đồng, chỉ bằng 17,4% lợi nhuận đạt được quý 2 năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần TVN đạt 15.368 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 60% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng, giảm 69,7% so với nửa đầu năm ngoái nhưng cũng giúp công ty vượt gần 44% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 92 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 41 tỷ đồng.

Với CTCP Thép Nam Kim (mã: NKG), BCTC hợp nhất quý 2/2020 của NKG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí giá vốn giảm sâu hơn, đến 22,6% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 107 tỷ đồng, còn giảm 4,6% so với quý 2/2019.

Tuy nhiên, quý 2 năm nay Thép Nam Kim không ghi nhận khoản thu nhập khác hơn 180 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng, nên kết quả báo lãi sau thuế 17,3 tỷ đồng - giảm sâu so với số lãi 135,5 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần đạt gần 4.766 tỷ đồng, giảm 19,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 58,8 tỷ đồng, tăng trưởng 73% so với cùng kỳ.

Năm 2020 Thép Nam Kim đặt mục tiêu 12.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sản lượng thép tiêu thụ các loại ước đạt 700.000 tấn. Như vậy kết thúc quý 2, công ty vẫn còn cách rất xa chỉ tiêu đặt ra cho cả năm.

Ở chiều ngược lại, có không ít các doanh nghiệp phải báo lỗ như Pomina (POM), như Thép Tiến Lên (TLH), hay như Thép Dana ý (DNY).

Với CTCP Thép Pomina (mã: POM), doanh nghiệp thép này báo lỗ thêm 88 tỷ đồng trong quý 2 và ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp không thể kinh doanh có lãi, doanh thu cũng giảm sút hơn 17% xuống còn 2.521 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, POM ghi nhận doanh thu 5.040 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, lỗ lũy kế tăng lên gần 150 tỷ đồng, kết quả kém nhất trong 6 năm trở lại đây.

Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của POM đạt 10.765 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm, trong đó nợ phải trả ở mức 7.421 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm.

Theo báo cáo thị trường thép quý 2/2020 của Tổng cục Hải quan, tại Việt Nam, thị trường thép vẫn chịu tác động chung bởi diễn biến dịch COVID-19 toàn cầu, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc có thể tiếp tục tăng lên do nhu cầu xây dựng của quốc gia này hồi phục vào quý 3.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ