Ngân hàng ứng phó dịch nCoV: 'Đảm bảo thanh khoản, hạ lãi suất là quan trọng nhất'

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, ở thời điểm hiện tại, để ứng phó với dịch nCoV (Covid-19, Corona) việc quan trọng nhất Ngân hàng Nhà nước cần làm là đảm bảo thanh khoản, hạ lãi lãi suất ngay khi có thể.
ĐÌNH VŨ
15, Tháng 02, 2020 | 08:55

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, ở thời điểm hiện tại, để ứng phó với dịch nCoV (Covid-19, Corona) việc quan trọng nhất Ngân hàng Nhà nước cần làm là đảm bảo thanh khoản, hạ lãi lãi suất ngay khi có thể.

Đánh giá về tác động của dịch nCoV (Covid-19, Corona) đến kinh tế thế giới và Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng 3 khía cạnh quan trọng của ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng là cầu tín dụng giảm, do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý 1 và quý 2; hai là tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn; ba là nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc.

Trên đây sẽ là khó khăn chung mà ngành ngân hàng các nước chịu tác động của dịch nCoV. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương của nhiều nước đã bắt đầu đưa ra các chính sách như nới lỏng tiền tệ, đưa các gói hỗ trợ nhằm kích thích nền kinh tế.

Đứng trước vấn đề nêu trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần đặt và trả lời cho được câu hỏi có nên nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc đưa ra một gói kích thích nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng đạt mục tiêu năm 2020?

2012051208NHNN

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bối cảnh thế giới

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, kinh tế đình trệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, sẽ “bơm” 1.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 173 tỷ USD) vào nền kinh tế trong bối cảnh ngân hàng này muốn tăng cường hỗ trợ cuộc chiến chống lại chủng virus nCoV mới, vốn có nguy cơ tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Thái Lan cũng công bố các biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế, hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.

Singapore đang chuẩn bị một gói tài chính để đối phó (dự kiến công bố ngày 18/2/2020) và đã công bố một loạt các biện pháp cho ngành du lịch, bao gồm miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Malaysia đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế. Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất mua đảo ngược, lãi suất cho vay và tiền gửi qua đêm.

Có thể thấy các nước như Thái Lan, Singapore, đặc biệt là Trung Quốc sớm đưa ra các gói kích thích, hỗ trợ kinh tế là vì họ cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh này tới nền kinh tế là nghiêm trọng.

Đánh giá về tác động của dịch nCoV tới kinh tế toàn cầu trong cả năm 2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định “Quý 1 sẽ giảm sút nghiêm trọng”. Thực tế, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, nhóm nghiên cứu kinh tế thì nhận định của IMF là rất thận trọng, thực tế có thể đáng lo ngại hơn và kinh tế quý 2 cũng khó thoát khỏi tác động của dịch bệnh này.

Ngân hàng Việt Nam - "Đảm bảo thanh khoản, nỗ lực giảm lãi suất"

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV trên thế giới, ngày 4/2/2020, Thống đốc đã có văn bản số 541/NHNN-TD chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếp đó, ngày 6/2/2020, NHNN cũng đã họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) bàn các giải pháp cụ thể, tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp. Đây là nỗ lực của ngành ngân hàng chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Trả lời câu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng năm 2020, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mục tiêu của Việt Nam cần làm lúc này là ổn định và hết sức hỗ trợ để giảm thiểu tác động xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải làm sao đảm bảo được thanh khoản, duy trì mặt bằng lãi suất, bám sát diễn biến của dịch bệnh, nếu có thể thì giảm lãi suất bằng các công cụ tiền tệ, bên cạnh đó là các phương án hỗ trợ doanh nghiệp của từng ngân hàng thương mại.

Trước vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, NHNN đang phải đối diện với một "tình thế khó khăn".

Dịch nCoV dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam năm 2020 khi có đường biên giới dài với Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%. Điều này đặt NHNN trong tình huống khó khăn là làm sao vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn duy trì được mục tiêu lạm phát trong khi lực sản xuất của doanh nghiệp yếu.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc mà NHNN cần phải làm thời gian này là phải nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

"Để ứng phó với dịch nCoV, dù khó khăn thì việc giảm lãi suất, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp ở thời điểm này là rất quan trọng và cần thiết. Như vậy NHNN sẽ phải làm sao điều hành chính sách tiền tệ vừa hỗ trợ đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng lại vừa đảm bảo được mục tiêu CPI. Đó là bài toán khó mà NHNN phải giải cho được", ông Hiếu nói.

Theo đó, ông Hiếu cho rằng, để nới lỏng chính sách tiền tệ, NHNN có thể sử dụng các công cụ như bơm tiền qua kênh OMO, hạ lãi suất điều hành và chấp nhận mức lạm phát có thể cao hơn nhiều dự báo và mục tiêu.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đề xuất, Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP để phù hợp hơn với thực tế, không nên nhất quyết phải đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% bằng mọi giá trong năm nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ