Năm khó khăn của ngành xi măng

Nhàđầutư
Gặp áp lực ở cả đầu vào và đầu ra, nhiều công ty xi măng ghi nhận kết quả lỗ nặng, thậm chí có đơn vị còn rơi vào tình trạng lỗ đến âm vốn chủ sở hữu.
TẢ PHÙ
18, Tháng 12, 2023 | 06:50

Nhàđầutư
Gặp áp lực ở cả đầu vào và đầu ra, nhiều công ty xi măng ghi nhận kết quả lỗ nặng, thậm chí có đơn vị còn rơi vào tình trạng lỗ đến âm vốn chủ sở hữu.

image-20221105084743-1

Ngành xi măng đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Ảnh minh họa: Vicem Hà Tiên.

Tính đến hết tháng 11/2023, sản lượng tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt hơn 80 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa là 52 triệu tấn, giảm 16% so với cùng kỳ; xuất khẩu khoảng 29 triệu tấn, giảm 29%.

Sự sụt giảm của tiêu thụ xi măng được lý giải do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản. Theo đó, các chủ đầu tư không thể triển khai các dự án, công trình, kéo theo nhu cầu về nguyên vật liệu (đặc biệt là xi măng) không cao. Cùng với đó, việc tiến độ các dự án đầu tư công còn chậm so với kế hoạch cũng gây tắc nghẽn đầu ra của chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.

Ngoài ra, đó là những áp lực về giá điện, than, các nguyên liệu đầu vào sản xuất đồng loạt tăng, thậm chí có thời điểm tăng gấp 3 lần. Cùng với đó, ngành xi măng còn gặp bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker trong năm 2023 tăng từ 5% lên 10%. Khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh nghiệp xi măng còn không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.

Với những ảnh hưởng nêu trên, nhiều "ông lớn" xi măng báo lợi nhuận giảm, thậm chí có công ty còn rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, CTCP Xi Măng Công Thanh báo lỗ ròng gần 609 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 538,6 tỷ đồng. Dữ liệu Nhadautu.vn  cho thấy công ty này trước đó lỗ 1.182 tỷ đồng năm 2022 và lỗ 881 tỷ đồng năm 2021. Đây cũng là nguyên nhân khiến Xi Măng Công Thanh tại cuối quý II/2023 âm vốn chủ sở hữu lên đến gần 5.789 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 30/6/2023 đạt gần 12.157 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1,5% so với số đầu kỳ. Đáng chú ý, nợ phải trả công ty lên đến gần 17.946 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là hơn 2.373 tỷ đồng.

Đây là 4 lô trái phiếu mã CTC091418R1 (183,7 tỷ đồng), CTC0521_R1 (355 tỷ đồng), CTC1018001 (345 tỷ đồng) và CTC1018002 (1.500 tỷ đồng).

Cùng với việc liên tục thua lỗ, Xi Măng Công Thanh đến giữa năm 2023 chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là hơn 1.593 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và khoản vay ngắn hạn gần 287 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, tổng số tiền lãi vay quá hạn là gần 333 tỷ đồng.  

Tại BCTC kiểm toán nửa đầu năm 2023, Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam đã đưa ra ý kiến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.   

Xi Măng Công Thanh được thành lập vào tháng 1/2006, đóng trụ sở tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư Nhà máy sản xuất xi măng và clinker giai đoạn 1 với công suất 2.500 tấn clinker/ngày và giai đoạn 2 sẽ đạt công suất 10.000 tấn clinker/ngày (thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa); trạm nghiền bê tông công suất 360m3/giờ (số 2 Hoàng Hữu Nam, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM)…

Tại thời điểm cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu công ty đạt 900 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Nguyễn Công Lý (57,2%), CTCP Tấm Lợp Vật Liệu Xây dựng Đồng Nai (10%), Financiere SA (5%) và các cổ đông khác (27,8%).

Không đến mức lỗ như Xi Măng Công Thanh, song lũy kế lãi ròng CTCP Xi Măng Chifon nửa đầu năm 2023 chỉ là 268 triệu đồng, bằng vỏn vẹn 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Xi Măng Chinfon là gần 1.665 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Nợ phải trả 2.630 tỷ đồng, giảm 19%. Dư nợ trái phiếu còn 400 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã CFCCH2126001 (phát hành ngày 24/9/2021), kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 7%/năm. Trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản của Xi Măng Chinfon.

Xi Măng Chinfon có tiền thân là Công ty Xi Măng Chinfon Hải Phòng, là liên doanh giữa Công ty TNHH Chinfon-Vietnam-Holding, UBND TP. Hải Phòng và Tổng Công ty Công nghiệp Xi Măng Việt Nam. Sau 30 năm hoạt động, hiện công ty sở hữu một nhà máy xi măng ở miền Bắc, một nhà máy nghiền clinker tại miền Nam.

Trong khi đó, CTCP Xi Măng Xuân Thành báo lãi ròng 6 tháng năm 2023 đạt 1,8 tỷ đồng, đây là kết quả tích cực so với mức lỗ 30,7 tỷ đồng trong cả năm 2022, song vẫn thua xa so với con số lãi ròng xác lập trong năm 2021 là 296 tỷ đồng.   

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Xi Măng Xuân Thành tại ngày 30/6/2023 đạt 22.422 tỷ đồng, giảm hơn 3,5% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu 6.836 tỷ đồng, nợ phải trả 15.586 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu hơn 2.100 tỷ đồng.  

Đây là lô trái phiếu được công ty huy động trong giai đoạn 23/3 - 27/12/2021 với cùng kỳ hạn 15 năm. Số vốn huy động từ đợt phát hành này được công ty đầu tư xây dựng, lắp đặt và mua máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất clinker thuộc Dự án Dây chuyền số 3 - giai đoạn 1 Nhà máy Xi măng Xuân Thành, tỉnh Hà Nam với công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm.

Xi Măng Xuân Thành được thành lập từ tháng 2/2012, hiện do ông Vũ Quang Bắc (SN 1982) làm Tổng Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật. Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch HĐQT công ty (cập nhật đến tháng 7/2022), từng có thời gian là Tổng Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật Xi Măng Xuân Thành.

Ông Thuỷ là em trai của ông Nguyễn Đức Thuỵ (hay còn được gọi là "bầu" Thuỵ) – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cựu Chủ tịch HĐQT CTCP ThaiHoldings.  

Từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2020, Xi Măng Xuân Thành đã có 2 lần tăng vốn điều lệ, từ mức 3.689 tỷ đồng lên 6.168 tỷ đồng, và là một trong những doanh nghiệp xi măng lớn nhất cả nước xét theo tiêu chí này.

Một doanh nghiệp có liên hệ với Xi Măng Xuân Thành - CTCP Xi Măng Long Thành nửa đầu năm 2023 báo lãi ròng gần 2,7 tỷ đồng, giảm hơn gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Xi Măng Long Thành báo lỗ năm 2021 và 2022 lần lượt là 638 triệu đồng và hơn 1,1 tỷ đồng.

Xi măng Long Thành được thành lập vào tháng 12/2008, trụ sở chính tại thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Tính đến tháng 3/2021, vốn điều lệ của công ty ở mức 1.000 tỷ đồng, trong đó, Cường Thịnh Thi Group nắm giữ đến 50%, số còn lại do CTCP Đầu tư và Phát triển Xuân Thủy – công ty của ông Nguyễn Xuân Thủy, cùng hai cá nhân họ Vũ là Vũ Chí Công và Vũ Thị Thanh Huyền nắm giữ.

Trên sàn chứng khoán, KQKD các doanh nghiệp xi măng trong quý III/2023 cũng khá ảm đạm, như: CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã: HT1) báo lỗ sau thuế gần 10,3 tỷ đồng và đây là quý báo lỗ thứ 2 trong năm 2023 của HT1; CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã: BCC) lỗ ròng 57 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 thua lỗ liên tiếp của BCC; CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã: BTS) lỗ ròng gần 32 tỷ đồng, đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của BTS kể từ quý I/2014. 

Gỡ khó cho ngành xi măng

Để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn hiện nay, TS. Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Về mặt chính sách thuế, ông Hiệp kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm, giúp doanh nghiệp xi măng vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinker xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp xi măng cần đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng nhiệt thừa phát điện; sử dụng rác, phế thải để làm nhiên liệu đốt thay thế than, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ