Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất - tháo nút thắt cho phát triển nông nghiệp

Nhàđầutư
Trước thềm “cuộc cải cách đất đai lần thứ tư”, nhiều vấn đề nóng đang được đặt ra đòi hỏi cần được nghiên cứu thấu đáo để cuộc chuyển đổi lần này thực sự là cuộc cách mạng hợp lòng dân, phù hợp quy luật phát triển, góp phần giải phóng năng lực sản xuất...
NGUYỄN VĂN TOÀN
07, Tháng 05, 2017 | 09:04

Nhàđầutư
Trước thềm “cuộc cải cách đất đai lần thứ tư”, nhiều vấn đề nóng đang được đặt ra đòi hỏi cần được nghiên cứu thấu đáo để cuộc chuyển đổi lần này thực sự là cuộc cách mạng hợp lòng dân, phù hợp quy luật phát triển, góp phần giải phóng năng lực sản xuất...

canhdongmaulon

Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Hà Nam 

Nhìn lại lịch sử từ khi cách mạng tháng tám thành công đến nay, chính sách đất đai trong nông nghiệp đã có 3 dấu mốc quan trọng,  những chuyển đổi mang tính cách mạng đó góp phần khoan sức dân, đóng góp to lớn và quyết định góp phần hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của đất nước, của dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử.

Cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 tuy có những sai lầm nghiêm trọng trong triển khai thực hiện, song đã đạt được những mục tiêu quan trọng. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I, từ 29/12/1956 đến 25/1/1957, báo cáo của Chính phủ kiểm điểm về công tác cải cách ruộng đất đã nêu rõ: "Cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã căn bản hoàn thành, giai cấp địa chủ đã căn bản bị đánh đổ, chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất bị xoá bỏ. Nông dân đã làm chủ nông thôn, nguyện vọng lâu đời của người nông dân là người cày có ruộng đã được thực hiện. Sức sản xuất ở nông thôn đã được giải phóng, đời sống nhân dân bước đầu đã được cải thiện, mở đường cho việc phát triển công thương nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc củng cố miền Bắc, phát triển kinh tế, văn hoá. Đó là những thành tích căn bản".

Năm 1957 là năm được mùa lớn, sản lượng lương thực đạt trên 4,5 triệu tấn, vượt xa mức trước chiến tranh.

Giai đoạn Hợp tác hóa nông nghiệp bắt đầu từ năm 1958 đã đưa nông nghiệp tăng tưởng ấn tượng, trong 3 năm từ 1958 đến 1960, sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,6%/năm, Năm 1961 sản lượng lương thực quy ra thóc đạt đỉnh cao 5,8 triệu tấn, tăng 8% so với năm trước. Nếu tính từ 1955 đến 1961 sản lượng lương thức tăng hơn 1,5 lần (năm 1955 là 3,76 triệu tấn).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ giải phóng đất nước, hợp tác xã nông nghiệp đã đóng góp vai trò quan trọng giúp chính quyền củng cố vững chắc địa phương,  đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến.

Tuy nhiên, cùng với sự tàn phá của chiến tranh phá hoại miền Bắc, sau 1975 mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã suy giảm động lực nghiêm trọng, “hợp tác xã chỉ cung cấp được 50% thu nhập của xã viên, nông dân trở thành người làm công cho hợp tác xã thay vì người làm chủ” (Wikipedia tiếng Việt) 

Nghị quyết 10 (khoán mười) là một đột phá tạo động lực tăng trưởng lớn lao trong phát triển nông nghiệp nước ta trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã góp phần quyết định biến nước ta từ một nước nông nghiệp nhưng vẫn thiếu lương thực thành một quốc gia xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới.

Năm 1988, sản lượng lương thực cả nước đạt 19,58 triệu tấn, nhưng chỉ 1 năm sau khi có khoán mười, năm 1989 con số này đã tăng lên 21,58 triệu tấn, năm 1995 đạt 26,14 triệu tấn, năm 2000 đạt 34,53 triệu tấn, năm 2005 - 39,62 triệu tấn, năm 2010 - 44,63 triệu tấn, năm 2012 - gần 48 triệu tấn và năm 2013 ước đạt trên 48,5 triệu tấn.

Những đổi mới trong pháp luật về đất đai với chính sách giao đất giao rừng cuối nhưng năm 80 cùng với các chính sách quản lý và bảo vệ rừng đã góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ hiệu quả những khu rừng rộng lớn, ngăn chặn được tình trạng diện tích che phủ ngày càng thu hẹp trước đó do tình trang khai thác cạn kiệt tài nguyên rừng và nạn phá rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng núi và đồng bào dân tộc ít người.

Như vậy qua ba lần chuyển đổi (có thể gọi là ba cuộc 'cách mạng' đất đai), những giao thời của quá trình chuyển đổi đều xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn và thực tế cuộc sống, còn nhớ trước khi có chính sách khoán 10, từ năm 1966 tại tỉnh Vĩnh Phú đã khai phá mô hình khoán cho hộ nông dân (lúc đó gọi là khoán chui).

Ba cuộc các mạng ruộng đất đều kiến tạo và phát huy động lực cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, khi trình độ phát triển cao hơn, động lực đó không còn phù hợp , các mô hình, chính sách đã bộc lộ những bất cập cần phải thay đổi, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, đó chính là quy luật “ phủ định của phủ định”, là mô hình “phát triển theo hình xoáy trôn ốc”.

Ngay từ đầu năm 2014 thông điệp của Chính phủ đã nêu rõ: “Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã chậm lại. Xã hội có không ít những vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải bắt nguồn từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.

Trong những năm gần đây, cùng với sự hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng của Việt Nam với sự tham gia WTO và  hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đó có các sản phẩm nông nghiệp. Đòi hỏi về chất lượng, giá thành, tính đồng nhất sản phẩm, quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn cam kết quốc tế, thương hiệu hàng hóa sản phẩm… đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Trong khi đó thực trạng nông nghiệp Việt Nam: (i) Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp, (ii) Nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, (iii) Chưa có phương thức phù hợp với tính chất, trình độ của nông dân, (iV) thiếu tính liên kết bền vững (“Tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh  vực nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2014-2020, định hướng 2030”).

Để xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, một trong những nút thắt quan trọng cần tháo gỡ đó là chính sách đất đai trong đó có mở rộng hạn điền và tích tụ ruộng đất.

Với mức hạn điền cho mỗi hộ nông dân là 3ha và mức tích tụ đất 30 ha theo Luật Đất đai hiện nay, thật khó để đưa khoa học công nghệ cao, nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao năng xuất và chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

vineco

Chuyên gia của TAP đang hướng dẫn nhân viên của VinEco trong nông trường Tam Đảo. 

Trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2017 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị cho các bộ nghiên cứu chủ trương mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất làm cơ sở sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.

Được biết, các bộ đang tích cực khẩn trương nghiên cứu và đặt ra nhiều giải pháp, xây dựng các mô hình mới cho phát triển  nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Trước thềm “cuộc cải cách đất đai lần thứ tư”, những vấn đề nóng đang được đặt ra:

- Có cần sửa Điều 29 Luật Đất đai theo hướng bỏ hay mở rộng hạn điền và mở rộng đến đâu?

- Cần mở rộng quy mô tích tụ ruộng đất nông nghiệp so với tối đa 30ha hiện nay theo Luật Đất đai?

- Cần nghiên cứu các mô hình đang được đề xuất trong tích tụ ruộng đất tạo cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, như mô hình hợp tác xã, mô hình trang trại nông nghiệp, mô hình doanh nghiệp cổ phần nông nghiệp, nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hộ nông dân cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp... trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình thực tiễn đang hình thành và phát triển ở một số địa phương trên cả nước.

- Mô hình của một số tập đoàn kinh tế lớn đã có sẵn thương hiệu phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn như Vingroup, TH True Milk, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai...

- Các dự án quy mô hộ gia đình với diện tích đất nhỏ và trung bình thành công trong thời gian qua.

- Dự án đầu tư nước ngoài FDI về nông nghiệp.

- Bài toán lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiêp, lao động và việc làm của nông dân sau chuyển đổi...

- Liệu có hình thành tầng lớp địa chủ mới và bần cùng hóa người nông dân trong và sau chuyển đổi?

- Vấn đề xây dựng mô hình ngân hàng đất nông nghiệp.

- Kinh nghiệm thành công và thất bại của các quốc gia có điều kiện và trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam và các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Israel... trong chính sách phát triển nông nghiệp.

- Các tác động tích cực và tiêu cực của chuyển đổi chính sách nông nghiệp lần này đối với nền kinh tế và xã hội.

Tất cả những vấn đề nêu trên và các nội dung liên quan khác cần được nghiên cứu thấu đáo, toàn diện và đồng bộ, góp phần tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để cuộc chuyển đổi luật và các chính sách đất đai lần này thực sự là cuộc cách mạng hợp lòng dân, phù hợp quy luật phát triển, góp phần giải phóng năng lực sản xuất, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không những phát triển nông nghiệp mà còn góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ