Mở rộng diện bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân: Cơ hội & Thách thức

Nhàđầutư
Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển BHYT toàn dân đã được định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Nghị quyết số 15–NQ/TW ngày 01/06/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020...
ThS. NGUYỄN TRÍ ĐẠI (Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam)
03, Tháng 07, 2018 | 15:08

Nhàđầutư
Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển BHYT toàn dân đã được định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Nghị quyết số 15–NQ/TW ngày 01/06/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020...

kham-chua-benh-1

Khám chữa bệnh cho các bệnh nhi

Cùng đó là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 538/QĐ/TTg ngày 29/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 -2015 và 2020. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 đã quy định những nội dung cơ bản, phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là vấn đề phát triển, mở rộng diện bao phủ BHYT để thực hiện đạt mục tiêu theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg, tiến tới BHYT toàn dân.

Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, tính nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như tỷ lệ bao phủ BHYT đã có sự tăng trưởng nhanh như năm 2014, số người tham gia BHYT là 65,549 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ là 71,21% dân số; năm 2015, số người tham gia BHYT là 69,973 triệu người, tăng 4,4 triệu người so với năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 76,52% dân số; năm 2016, số người tham gia BHYT là 75,83 triệu người, tăng 5,8 triệu người so với năm 2015, đạt tỷ lệ bao phủ 81,8% dân số và tính đến tháng 05/2017, số đối tượng tham gia BHYT là 76,68 triệu người, tăng 0,85 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 96,7% so với kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 82,1%.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về tỷ lệ bao phủ BHYT, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trên lộ trình BHYT toàn dân. Hiện nay, còn gần 18% số dân (khoảng 16,6 triệu người) chưa tham gia BHYT, trong đó tập trung ở các nhóm sau:

- Nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động và người lao động đóng (nhóm 01)

Tính đến tháng 05/2017, đối tượng tham gia BHYT là khoảng 13 triệu người, tăng 200 nghìn người so năm 2016. Số đối tượng tham gia BHYT so với số người thuộc diện phải tham gia chỉ đạt khoảng 25% (đạt 50% so mục tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW); số người chưa tham gia tập trung chủ yếu trong doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh… Nguyên nhân trước hết là tính tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều bất cập.

- Một số đối tượng thuộc nhóm ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng có xu hướng giảm do tác động từ cơ chế chính sách như căn cứ phê duyệt kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi toàn quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội số hộ gia đình cận nghèo năm 2016 giảm 103.192 hộ tương đương khoảng 400.000 người so với năm 2015. Mặt khác, dự án hỗ trợ phần kinh phí người tham gia BHYT tự đóng hết thời hạn và một số địa phương chưa quyết định được nguồn kinh phí hỗ trợ này.

- Học sinh, sinh viên: Tính đến ngày 31/12/2016, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT là 12,7 triệu (học sinh là 11,6 triệu, sinh viên là 1,1 triệu), trong đó học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại nhà trường là 12,2 triệu người, 0,5 triệu người tham gia BHYT theo đối tượng khác, còn khoảng 02 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia. Hết Quý I/2017, nhóm đối tượng này giảm khoảng 325 nghìn người so với năm 2015, nguyên nhân do các cơ sở giáo dục không có biện pháp ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia BHYT do chưa có chế tài xử lý nên tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa đồng đều, chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT, đặc biệt, đối tượng sinh viên từ năm thứ 02 trở đi, số lượng tham gia BHYT giảm rõ rệt; tại một số tỉnh, thành phố tỷ lệ tham gia vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác phối hợp giữa hai ngành BHXH - Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thu BHYT cho học sinh, sinh viên; còn tồn tại cơ sở giáo dục bậc Đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT cho học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học, thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT nên tỷ lệ tham gia chưa cao; một số trường tham gia BHYT học sinh, sinh viên theo năm tài chính chưa thực hiện việc thu và cấp thẻ kịp thời trong đầu năm 2017.

- Người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình có trách nhiệm tham gia BHYT từ ngày 01/01/2012 và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT. Tuy nhiên, mới có 03 tỉnh bố trí được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm để mua thẻ BHYT, do đó số lượng người tham gia rất nhỏ.

- Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhóm đối tượng trong khu vực phi chính thức, thách thức lớn nhất phải thực hiện trên lộ trình BHYT toàn dân. Tính đến tháng 05/2017, có khoảng trên 12 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ khoảng 40% so số thuộc diện phải tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân đối với chính sách BHYT còn hạn chế, chỉ khi đau ốm thì mới nghĩ đến việc tham gia BHYT, dẫn đến tình trạng “lựa chọn ngược”, bên cạnh đó yếu tố về điều kiện kinh tế của bộ phận không nhỏ các gia đình còn khó khăn…

Để mở rộng bao phủ BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp như ban hành văn bản hướng dẫn về thu BHYT, hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, phối hợp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu chính sách và tham gia BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, BHYT nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật…; phối hợp Bộ, ngành tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách BHYT tại các địa phương, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những khó khăn, bất cập để hoàn thiện chính sách BHYT (kiến nghị với Quốc hội trong việc tăng cường giám sát, ban hành nghị quyết về đẩy mạnh chính sách BHYT, kiến nghị với Chính phủ trong việc chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp hoàn thành chính sách thuộc lĩnh vực quản lý…).

Ngoài ra, Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế mới được ban hành có tác động nhất định đến tâm lý người dân trong việc tham gia BHYT, có thể coi là một “chế tài mềm” để thúc đẩy tham gia BHYT của người tham gia. Theo đó, kể từ ngày 01/06/2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng giá viện phí mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Cụ thể, có 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá với mức điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng số 20-30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn; thậm chí, đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định. Như vậy, khoản tiền người khám, chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ; đặc biệt, trường hợp cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn... Trong khi đó, với bệnh nhân BHYT đã được Quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Nhìn chung, việc điều chỉnh giá viện phí đã tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ y tế tương đương nhau khi cung cấp cho cả người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, có điểm khác biệt cơ bản là số tiền mà người dân phải bỏ ra để khám, chữa bệnh là có sự chênh lệch rõ rệt.

Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện, giá dịch vụ y tế sẽ còn tiếp tục tăng theo lộ trình. Mặt khác, chủ trương của Chính phủ là chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào bệnh viện. Tham gia BHYT, người dân vừa tuân thủ quy định của pháp luật, được hỗ trợ từ nhà nước và đảm bảo quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, do đó việc điều chỉnh giá viện phí có tác động không nhỏ tới tâm lý người dân, gây hiệu ứng tích cực để người dân tham gia BHYT một cách ổn định và bền vững.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ