M&A doanh nghiệp công nghệ: 'Sân chơi' còn nhiều dư địa

Nhàđầutư
Lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây đang được chú trọng, phát triển mạnh mẽ. Nhiều "ông lớn" đã và đang bắt tay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup để mở rộng lĩnh vực, tái cấu trúc và định hướng chiến lược trong tương lai.
MAI BÙI
11, Tháng 01, 2022 | 06:15

Nhàđầutư
Lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây đang được chú trọng, phát triển mạnh mẽ. Nhiều "ông lớn" đã và đang bắt tay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup để mở rộng lĩnh vực, tái cấu trúc và định hướng chiến lược trong tương lai.

"Sống khỏe" trong đại dịch

Dịch bệnh COVID-19 hơn 1 năm qua đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của cả nước. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị "đóng băng" thời điểm dịch bùng phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy một số lĩnh vực vẫn "sống khỏe", thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng kể nhất chính là ngành công nghiệp ICT (Information Communication Technology) nói chung và công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng lại nổi lên với vai trò ngành mũi nhọn của nền kinh tế.

Chuyển đổi số đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Năm 2021, số lượng doanh nghiệp ICT (công nghệ thông tin, điện tử viễn thông) tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam hiện có hơn 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt.

Bên cạnh đó, báo cáo về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) cho thấy, Việt Nam xếp thứ 47/172 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2020. Trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Việt Nam từ vị trí thứ 50 năm 2020 tăng lên vị trí thứ 25 trong năm 2021.

m&a-cong-ty-cong-nghe

Từ năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trong startup công nghệ. Ảnh: DXC

Trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn và ngấm sâu vào đời sống, kinh tế - xã hội, từ đó quá trình chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia trở thành xu hướng tất yếu tại các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp.

Chính quá trình chuyển đổi số này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế số Việt Nam.

Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tham mưu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số.

Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng và phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Định hướng đến năm 2025, ngành CNTT, điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Viet Nam vào năm 2025 đạt trên 45%.

Bộ TT&TT định hướng phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Phát triển công nghệ cốt lõi; phát triển sản phẩm công nghệ số; giải pháp công nghệ số; khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.

Đồng thời, Bộ TT&TT phấn đấu đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025; hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp CNTT trên 1 tỷ USD; hình thành từ 10 - 12 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm Quang Trung.

"Ngôi sao" đang lên

Nói về lĩnh vực công nghệ, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam là "ngôi sao" đang lên và thời gian tới sẽ vượt qua các nước trong khu vực. Minh chứng là việc các quỹ đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn vào các công ty startup công nghệ ở Việt Nam. Hay các công ty, doanh nghiệp lớn trong nước cũng rất tích cực M&A để mở rộng quy mô, tái cấu trúc và định hướng chiến lược trong tương lai.

Đơn cử như ví điện tử MoMo gọi vốn 100 triệu USD thành công vòng gọi vốn Series D; VNLife, công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay đã huy động hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.

Tiki cũng hoàn tất vòng gọi vốn Series E nhận về tổng cộng 258 triệu USD, nâng giá trị startup này lên tiệm cận ngưỡng "kỳ lân" - một công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD.

Tương tự là câu chuyện của KiotViet, một startup cung cấp giải pháp phần mềm trọn bộ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tháng 9/2021 đã huy động thành công 45 triệu USD cho vòng gọi vốn Series B.

El Industrial, một nền tảng thương mại điện tử B2B nhằm mục đích đẩy mạnh số hóa quy trình thu mua tại Việt Nam cũng được góp 670 nghìn USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Singapore vào tháng 10/2021.

Ở trong nước, năm vừa qua cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các công ty startup. Hồi tháng 5/2021, Tập đoàn FPT đã chính thức mua lại nền tảng Base.vn. Nền tảng quản trị Base.vn có hơn 50 ứng dụng tập trung vào 3 bài toán cốt lõi gồm: bộ sản phẩm Base Work+ giúp doanh nghiệp quản lý công việc và dự án một cách toàn diện; bộ sản phẩm Base Info+ giúp xây dựng hệ thống thông tin minh bạch hiệu quả và bộ sản phẩm Base HRM+ giúp doanh nghiệp có chiến lược quản trị và phát triển nhân sự hoàn chỉnh.

Thương vụ này tuy không công bố về giá trị nhưng được dự đoán là rất lớn. Phía FPT cho biết, thương vụ này sẽ giúp tiếp cận đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc đua chuyển đổi số.

Hay như hồi tháng 6/2021, MoMo cũng hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique (NextSmarty) - công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp số.

Thương vụ Pique giúp MoMo có thêm công cụ để hiểu hơn nữa nhu cầu đa dạng của hàng chục triệu khách hàng. Qua đó cung cấp các sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu của mỗi người dùng. MoMo kỳ vọng phát triển siêu ứng dụng (super app) dựa trên nền tảng công nghệ AI vững mạnh mà đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt xây dựng và sáng tạo sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số.

Một thương vụ đáng chú ý nữa trong năm 2021 là Công ty CP VNG (VNG) đầu tư 22,5 triệu USD vào Telio - một nền tảng thương mại điện tử B2B ở Việt Nam. VNG sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.

Đồng thời, giải pháp thanh toán qua ví điện tử ZaloPay sẽ được triển khai tại các cửa hàng bán lẻ. Từ đó, VNG cùng với Telio sẽ mang đến cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính và tín dụng, hỗ trợ mở rộng kinh doanh.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), giáo dục, năng lượng tái tạo, y tế và dược phẩm, vận tải... cũng có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

Không chỉ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hứng thú với việc rót vốn vào các công ty công nghệ ở Việt Nam. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước cũng đang dần mở rộng hệ sinh thái đa ngành nghề của mình. Đáng chú ý Nova Group cũng tham gia vào cuộc đua này.

Ông Dương Tấn Phước, Giám đốc Ban Công nghệ thông tin Nova Group cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi quyết định ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển CNTT, cập nhật những công nghệ mới, xu hướng mới trong công cuộc chuyển đổi số. Từ đó, tiếp tục mang lại những giá trị hữu ích, tạo ra những giá trị mới, tăng cường hiệu quả hợp tác kinh doanh, mang lại giá trị cho khách hàng, gia tăng tốc độ phát triển, tăng trưởng của thị trường. Đồng thời, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm.

Về các thương vụ M&A, ông Phước cho rằng, Nova Group luôn luôn chú trọng tìm kiếm các doanh nghiệp có thể cùng nhau hiện thực hóa những mục tiêu chung. Cụ thể, tập đoàn luôn xem nhân lực là trọng tâm để phát triển, luôn luôn đầu tư vào nhân tài. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng phải định hình rõ ràng về sản phẩm, dịch vụ CNTT của mình. Ngoài ra, yếu rất quan trọng nữa đó là đội ngũ phát triển và tiềm năng kinh doanh. Trong quá trình làm việc, đội ngũ nhân viên phải luôn tâm huyết và chuyên nghiệp để thực hiện các giải pháp công nghệ hiện đại hướng đến mục tiêu chung.

Chia sẻ về sức hút lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, một chuyên gia công nghệ số cho biết, Việt Nam có lợi thế lớn về CNTT khi mà thế hệ kỹ sư gần đây rất xuất sắc. Nhiều công ty ở trong khu vực Đông Nam Á vẫn thuê các kỹ sư của Việt Nam. Tiếp theo, trải qua đợt dịch COVID-19, cả thế giới cũng có thể thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế là điệu kiện thuận lợi để phát triển mô hình công ty công nghệ. Kinh tế số cũng tăng trưởng, trong đó có thương mại điện tử, số hóa và bây giờ xu hướng của các doanh nghiệp là chuyển đổi số từ vận hành, sản xuất kinh doanh cho đến mọi mặt.

Dưới góc nhìn của vị chuyên gia này, từ năm 2022 Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trong startup công nghệ.

Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn kết hợp cùng NovaGroup tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” vào lúc 8h30, ngày 11/1/2022 tại Hà Nội, Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 65 Văn Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ