Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu: Đảm bảo phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu

Lộ trình phát triển TTTP đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý, các thành viên tham gia TTTP, các chủ thể tham gia huy động vốn trên TTTP triển khai thực hiện.
10, Tháng 12, 2017 | 17:41

Lộ trình phát triển TTTP đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý, các thành viên tham gia TTTP, các chủ thể tham gia huy động vốn trên TTTP triển khai thực hiện.

traiphieucp_EUBF

Thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển 

Ngày 01/2/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 261/QĐ-BTC phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam đến năm 2020 (Lộ trình 261) nhằm đưa ra định hướng phát triển và mục tiêu cụ thể, đồng thời có hệ thống các giải pháp đầy đủ từ khung pháp lý, phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp, đa dạng hóa các nhà đầu tư, các định chế trung gian và dịch vụ thị trường.

Qua đánh giá tình hình triển khai Lộ trình 261, về cơ bản, các mục tiêu và tiến độ thực hiện các giải pháp đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó,  quy mô TTTP đã tăng từ mức 19% GDP năm 2011 lên mức 36,9% GDP năm 2016 và tiệm cận mục tiêu dư nợ thị trường đến năm 2020 đạt 38% GDP. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2016 đã đạt 8,71 năm (cao hơn mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là 6 - 8 năm).

Tỷ trọng nắm giữ TPCP của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và các tổ chức khác đến cuối năm 2016 ở mức 44,6% (chỉ tiêu tại Lộ trình 261 là tỷ lệ nắm giữ của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, BHXH, BHTG là 20% đến năm 2020). Tính đến cuối năm 2016, khối lượng giao dịch bình quân trên TTTP đạt khoảng 0,6% dư nợ trái phiếu niêm yết, cao hơn mục tiêu 0,3 - 0,4% dư nợ niêm yết vào năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động của thị trường tiền tệ thuận lợi nên đã hỗ trợ hoạt động của TTTP nói chung, thị trường TPCP nói riêng trên các mặt khối lượng phát hành, kỳ hạn phát hành và chi phí huy động.

Với những số liệu thống kê trên, có thể khẳng định TTTP đã có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đóng vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách để đầu tư phát triển vào các doanh nghiệp nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh.

Mặc dù vậy, cho đến nay bản thân TTTP chưa thực sự phát triển bền vững vì vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, một số nhân tố của thị trường chưa được hoàn thiện (thiếu cơ chế cho vay trái phiếu, nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền và nghĩa vụ như thông lệ quốc tế), hệ thống nhà đầu tư chưa đa dạng. 

Trong khi đó, việc để kênh tín dụng ngân hàng (80% tổng nguồn vốn huy động của hệ thống này là nguồn vốn ngắn hạn) cung cấp phần lớn nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế đã tạo ra những áp lực về rủi ro hoạt động của hệ thống ngân hàng và đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính. 

Do đó, để phát triển cân bằng và bền vững thị trường tài chính nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, TTTP cần được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng và chủ yếu cho nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng tín dụng trung hạn và dài hạn cho hệ thống ngân hàng. 

Thực hiện chỉ đạo, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, cân bằng giữa thị trường vốn với thị trường tiền tệ, tín dụng và xuất phát từ thực tế thị trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển TTTP giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1191).

Quan điểm phát triển TTTP

Thứ nhất, xây dựng và phát triển TTTP phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính gồm thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ - tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Thứ hai, phát triển TTTP cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đưa thị trường trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục ưu tiên phát triển thị trường TPCP làm nền tảng cho sự phát triển của TTTP; tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trung, dài hạn và bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. 

Mục tiêu phát triển TTTP 

Để TTTP phát triển, về mục tiêu tổng quát cần tập trung phát triển TTTP ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và chủ động hội nhập thị trường quốc tế. 

Đối với mục tiêu cụ thể, trước mắt cần phấn đấu đưa dư nợ TTTP đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% vào năm 2030. 

Tiếp sau đó, phấn đấu kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành TPCP trong nước hàng năm trung bình khoảng 6 - 7 năm trong giai đoạn 2017 - 2020, trung bình khoảng 7 - 8 năm giai đoạn 2021 - 2030. Cuối cùng là tăng tỷ trọng TPCP do các công ty bảo hiểm, BHXH, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và 60% vào năm 2030. 

Các giải pháp chủ đạo phát triển TTTP 

Với quan điểm phát triển TTTP cả về chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính, tại Quyết định số 1191 đã quy định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể để phát triển TTTP đến năm 2020 và năm 2030, đồng thời bao gồm hệ thống các giải pháp từ khung chính sách, thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, phát triển hệ thống nhà đầu tư và các định chế trung gian, cơ sở hạ tầng thị trường. Một số giải pháp trọng điểm của Lộ trình này như sau:

Thứ nhất, đối với thị trường sơ cấp: Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp chủ yếu như: (i) phát triển các sản phẩm mới trên TTTP, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS), (ii) tiếp tục tái cơ cấu để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP.

Đối với TPDN, trên cơ sở đánh giá khung pháp lý hiện hành, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan đến phát hành TPDN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Thứ hai, đối với thị trường thứ cấp: Trong giai đoạn tới, phát triển thị trường thứ cấp tập trung vào nhiệm vụ tăng thanh khoản trên thị trường, qua đó thúc đẩy tăng quy mô của thị trường sơ cấp. Cụ thể:

- Thiết lập hệ thống các nhà tạo lập TTTP theo thông lệ quốc tế, yêu cầu các nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá hai chiều (giá mua, giá bán) đối với các mã trái phiếu chuẩn.

-  Phát triển thị trường mua bán lại trái phiếu, chủ yếu là TPCP (repos) để thúc đẩy tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp.

- Đối với TPDN, sẽ thiết lập cơ chế CBTT tập trung về tình hình phát hành TPDN trên thị trường thứ cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN.

Thứ ba, đối với phát triển nhà đầu tư: Tiếp tục thực hiện các giải pháp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tập trung phát triển nhà đầu tư dài hạn để hướng tới cầu đầu tư bền vững trên TTTP, cụ thể như sau:

- Thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện để vừa đa dạng hóa các chương trình an sinh xã hội, vừa phát triển cầu đầu tư dài hạn trên thị trường vốn, TTTP.

- Đổi mới cơ chế đầu tư của BHXH trên thị trường TPCP theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời đóng vai trò là nhà đầu tư trọng yếu trên thị trường.

- Rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư của các nhà đầu tư: NHTM, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm để phản ánh đúng bản chất đầu tư theo hướng ưu tiên đầu tư vào TPCP và TPDN có thanh khoản và an toàn cao.

Thứ tư, đối với các định chế trung gian và dịch vụ thị trường: 

- Tập trung đấu thầu TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK). 

- Hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu từ T+2 vào năm 2016 xuống còn T+1 vào năm 2025 nhằm tăng tính thanh khoản của TTTP. 

- Hình thành hệ thống CBTT về phát hành, giao dịch đối với TPDN niêm yết và chưa niêm yết tại SGDCK để thúc đẩy phát triển thị trường TPDN.

Ngoài ra, cần có một số giải pháp khác như: Tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tạo sự liên kết, cân đối và đồng bộ giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và TTTP; Tăng cường đối thoại với thành viên thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam; Tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường vốn, TTTP theo quy định của pháp luật hiện hành để thị trường vận hành an toàn, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường; Tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực ASEAN, ASEAN + 3, Diễn đàn kinh tế Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn phát triển TTTP của các nước mới nổi (GEMLOC) nhằm tăng cường sự kết nối với các TTTP trong khu vực và phát triển TTTP trong nước.

Kế hoạch triển khai Lộ trình

Để nâng cao hiệu lực trong triển khai thực hiện Lộ trình phát triển TTTP giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 1191, bên cạnh các nhóm giải pháp toàn diện phát triển thị trường, đối với mỗi giải pháp đều giao một cơ quan chủ trì, các cơ quan liên quan phối hợp và có khung thời gian thực hiện cụ thể.

Trên cơ sở đó, đối với nhiệm vụ điều phối việc tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Lộ trình; năm 2020 đánh giá triển khai Lộ trình trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 để điều chỉnh Lộ trình phát triển TTTP cho giai đoạn tiếp theo. 

Với mục tiêu, định hướng và các giải pháp cụ thể, Lộ trình phát triển TTTP đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý, các thành viên tham gia TTTP, các chủ thể tham gia huy động vốn trên TTTP triển khai thực hiện.

Theo Tạp chí Chứng khoán

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ