Lộ diện khoản vay 300 tỷ bất thường tại liên doanh VK Housing

Ngân hàng Nhà nước khẳng định không được dùng giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay nước ngoài, tuy niên, 300 tỷ đồng vẫn được giải ngân…
BÍCH VÂN
29, Tháng 10, 2018 | 06:49

Ngân hàng Nhà nước khẳng định không được dùng giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay nước ngoài, tuy niên, 300 tỷ đồng vẫn được giải ngân…

Làm trái chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước

Năm 2007, Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) cùng đối tác là Công ty P&D Korea Co.,Ltd (công ty P&D) và Công ty Lucky Việt Nam Construction Co., Ltd (LVC) thành lập Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc (VK Housing) để thực hiện triển khai dự án The Mark.

Ngày 30/08/2007, VK Housing được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án The Mark với tổng mức đầu tư 79.000.000 USD, vốn góp để thực hiện dự án là 23.868.439 USD. Trong đó, HDTC góp 20% vốn; Công ty LVC góp18%, Công ty P&D góp 62% vốn góp.

Trong số vốn điều lệ 23,1 triệu USD của VK Housing, ngoài HDTC góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thì trong một văn bản của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C45) – Bộ Công an, xác định hai doanh nghiệp Hàn Quốc chưa góp đủ vốn đã đăng ký. Điều này dẫn tới việc HDTC phải mang cả lô đất dự án The Mark đi thế chấp giúp VK Housing vay Công ty DWS Star Bridge Co., Ltd (DWS – doanh nghiệp của Hàn Quốc) - 15 tỷ Won. Do DWS không có chức năng ngân hàng nên đã ủy thác cho Woori bank nhận và quản lý phần tài sản thế chấp của HDTC, có trả phí hằng năm.

Sau khi được giải ngân, VK Housing chi phí bất hợp lý, không đúng quy định làm dự án mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Bản thân HDTC cuối năm 2016 đã phải bỏ tiền túi hoàn trả toàn bộ 400 tỷ đồng cho ngân hàng Woori của Hàn Quốc để chuộc lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, công ty DWS đã làm đơn ‘kêu cứu’ báo chí, nói rằng  ngân hàng Woori đã chiếm đoạt 400 tỷ đồng của công ty này và có dấu hiệu khuất tất khi trả lại tài sản đảm bảo là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khác với các cáo buộc từ DWS, hồ sơ mà phóng viên có được đã thể hiện những sự thật rất khác biệt, trái với nhiễu loạn thông tin được truyền thông đăng tải.

Tài liệu của phóng viên có được cho thấy, tại Hợp đồng bảo lãnh khoản vay nói trên, HDTC chỉ bảo lãnh khoản vay 15 tỷ Won, tương đương gần 300 tỷ đồng chứ không phải 400 tỷ như thông tin của DWS công bố. Khoản 3, Điều 2, nội dung Hợp đồng bảo lãnh cũng quy định rất chi tiết: ‘Các bên bảo lãnh bảo đảm thanh toán đầy đủ và đúng hạn với điều kiện giới hạn của bảo lãnh là 15 tỷ won’, hoàn toàn không có con số 400 tỷ như bên cho vay là DWS từng nói với báo chí.

the chap vkhousing
Hợp đồng bảo lãnh thiện hiện chỉ giới hạn điều kiện bảo lãnh là 15 tỷ Won, tương đương 300 tỷ đồng chứ không phải 400 tỷ như phía DWS cung cấp thông tin.

 

Đại đại diện HDTC cho biết, trên thực tế, VK Housing chỉ được giải ngân khoảng 12 tỷ Won, chứ không phải 15 tỷ Won như hợp đồng đã ký.

Đặc biệt, hợp đồng cho vay được các bên thực hiện trái với các quy định về  pháp luật tín dụng tại thời điểm giao dịch. Theo đó, tại công văn số 1215 ngày 10/7/2010 của Ngân hàng Nhà nước khi trả lời HDTC đã khẳng định:‘Công ty không được dùng quyền sử dụng đất để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nước ngoài vì chưa được pháp luật hiện hành tại Việt Nam cho phép’.

Luật sư Lê Văn Kiên, Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý cho biết, khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn và lưu ý không được dùng quyền sử dụng đất để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nước ngoài nhưng các bên vẫn ký kết hợp đồng với nhau, giải ngân tiền và lấy ‘sổ đỏ’ làm tài sản đảm bảo thì đã có dấu hiệu vi phạm, trái với  quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó, hợp đồng này có thể xem là vô hiệu vì không tuân thủ các nguyên tắc căn bản pháp lý về tín dụng.

vkhousing-nhnn1

 

vkhousing-nhnn

 

Công văn của Ngân hàng Nhà nước cho biết không được phép dùng Quyền sử dụng đất để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nước ngoài.

Trả tiền, lấy lại sổ đỏ là đúng pháp luật

Được biết, trước khi phản ánh tới báo chí tố cáo ngân hàng Woori bank cấu kết với bên bảo lãnh chiếm đoạt 400 tỷ đồng, DWS đã khởi kiện kiện P&D và ông Jong Suk Lee (các đồng bảo lãnh) tại Toà án trung tâm Seoul (Hàn Quốc) để thực hiện trách nhiệm thanh toán đối với khoản vay 15 tỷ Won của VK Housing.

Theo đó, ngày 3/5/2012, Toà án địa phương trung tâm Seoul đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc P&D và ông Jong Suk Lee thanh toán 15 tỷ Won (bản án này được hợp pháp hoá ngày 15/10/2013 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc).

Tuy nhiên, dù thắng kiện tại Hàn Quốc và bản án đã có hiệu lực, nhưng vì bên có nghĩa vụ phải trả nợ là P&D trong quá trình thi hành án đã tuyên bố phá sản, biết khó đòi lại tiền nên DWS  ‘ôm’ hồ gửi lên TAND Tp.HCM khởi kiện, tiếp tục đòi HDTC trả khoản vay 15 tỷ Won này.

Ngày 22/1/2015, TAND Tp.HCM đã xét xử công khai phiên sở thẩm giữa nguyên đơn là Công ty DWS và bị đơn là HDTC về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh.

HĐXX cho rằng, vào thời điểm DWS khởi kiện HDTC tại TAND Tp.HCM thì DWS cũng đã khởi kiện P&D và ông Jong Suk Lee (là các đồng bảo lãnh) tại Toà án trung tâm Seoul để thực hiện trách nhiệm thanh toán đối với khoản vay 15 tỷ Won của VKHousing.

Do đó, việc DWS khởi kiện HDTC tại TAND Tp.HCM là trái với thoả thuận nói trên, vi phạm nguyên tắc một hành vi, sự việc lại được giải quyết 2 lần nên HĐXX tuyên đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của DWS (bản án số 78/2015/KDTM-ST).

Ngày 23/2/2015, đại diện DWS đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 78. Để giải quyết vụ việc một cách hợp tình, chấm dứt tình trạng khiếu kéo dài, ngày 28/12/2016, HDTC đứng ra trả thay khoản vay với số tiền tương đương 400 tỷ đồng cho Wooribank và DWS để nhận lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất HDTC vẫn là chủ sở hữu khu đất và trong nội dung thay đổi trên giấy chứng nhận có ghi: “Xóa nội dung đăng ký thế chấp ngày 09/12/2009”. Việc Wooribank nhận đủ 400 tỷ đồng của khoản vay và trả lại  sổ đỏ cho HDTC  là kịp thời và hoàn toàn đúng pháp luật.

Dù bên bảo lãnh đã trả tiền, nhưng tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 28/9/2016, đại diện DWS là ông Trần Thanh Nhàn đã rút toàn bộ kháng cáo, không tiếp tục yêu cầu HDTC thanh toán khoản vay như khởi kiện trước đó. Với việc “bẻ ghi” này của nguyên đơn, TAND Tp.HCM đã có Quyết định số 41 đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

Không chỉ khởi kiện P&D và ông Jong Suk Lee lên toà án Hàn Quốc và HDTC tại toà án Việt Nam đòi tiền, DWS còn tiếp tục khởi kiện VK Housing ra TAND Tp. HCM đòi lại khoản vay 15 tỷ Won. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý hồ sơ, Toà đã mời đại diện DWS đến làm việc nhưng nguyên đơn không xuất hiện.

the mark q7

Dự án The Mark tại Quận 7 

Đại diện HDTC khẳng định, DWS từ chỗ kiện đòi P&D trả nợ nhưng công ty này sau đó bị tuyên bố phá sản, biết không thể thu hồi được khoản vay nên DWS chuyển sang khởi kiện HDTC để đòi 15 tỷ Won. Khi HDTC đồng ý thanh toán tiền thì DWS quay ngược thái độ, rút đơn kiện vì thấy khu đất là tài sản thế chấp tăng giá hàng ngày. Từ chỗ kiện rồi rút đơn kiện HDTC, DWS quay sang làm đơn khởi kiện VK Housing, công ty do HDTC là một trong các thành viên sáng lập, dẫn đến việc tranh chấp tưởng chừng như không có điểm dừng.

Nhóm người Trung Quốc điều hành công ty đi kiện

Như đã nói, năm 2009, VK Housing vay của DWS 15 tỷ Won, sau khi được giải ngân, nhóm DN Hàn Quốc đã rút tiền ra để sử dụng vào mục đích khác, kể từ thời điểm này đến năm 2015, VK Housing mất khả năng chi trả.

Ngày 22/07/2015, Toà án Quận trung tâm Seoul ban hành Quyết định tuyên bố phá sản số 2014Hahap100130 (phá sản đối với P&D) và số 2014HaHap10029 (phá sản đối với Công ty LCV). Với hai quyết định này, Toà án trung tâm quận Seoul cho công ty Sintek Fastners Pte. Ltd  được chuyển giao khoản nợ của Công ty Daewoo Securities Co., Ltd. Phán quyết cũng giải thích rõ Sintek Fastners Pte. Ltd là công ty của Trung Quốc.

Ngày 16/3/2016, trên cơ sở tuyên bố phá sản, Toà án Quận trung tâm Seoul đã giao cho ông Kwon Soon Chul là quản tài viên đứng ra phát mãi tài sản thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng 62% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của Công ty P&D và 18% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của LVC cho Công ty DWS.

Trên thực tế, Công ty Sintek Fastners Pte đã được DWS “dọn đường” vào Việt Nam thông qua việc mua khoản nợ của 2 công ty P&D và LCV như Quyết định tuyên bố phá sản số 2014-100130 và số 2014- 10029 trước đó.

Sau khi Công ty Sintek Fastners Pte mua lại khoản nợ, cơ cấu lãnh đạo trong liên doanh VK Housing cũng đã nhanh chóng có sự thay đổi. Qua tìm hiểu các hồ sơ liên quan đến DWS, đặc biệt trong biên bản họp Hội đồng Thành viên thể hiện rõ việc bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật mới của VK Housing là bà Yeh Kuo, Shun – Kuai (có hộ chiếu Trung Quốc) và bầu Chủ tịch HĐTV mới là Ông Yeh Ming Yen (cũng có hộ chiếu do Trung Quốc). 

Từ khi VK Housing tiếp nhận ‘sếp’ mới thì việc kiện tụng, làm giả tài liệu để thay đổi đăng ký doanh nghiệp, thay đổi chứng nhận đầu tư dự án cũng xuất hiện… làm cho nội tình liên doanh VK Housing ngày càng rối ren. Mặc dù DWS được thành lập và có trụ sở chính tại Hàn Quốc nhưng cả Chủ tịch HĐTV và người đại diện pháp luật của công ty này đều là người Trung Quốc, phải chăng đây đây là ý đồ của nhóm doanh nhân Trung Quốc thông qua “con đường Hàn Quốc” để thâu tóm đất đai tại TP.HCM nhưng bất thành?

Hợp đồng vay vô hiệu

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh, Khoản 1 Điều 8 Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định “Các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài không trái với các quy định hiện hành có liên quan của pháp luật Việt Nam”.

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định “Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch”.

Tuy nhiên tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, cá nhân, tổ chức nước ngoài không thuộc đối tượng là Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Do vậy trường hợp doanh nghiệp, tổ chức VN dùng Quyền sử dụng đất để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nước ngoài, khi giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán của VN, hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo cho hợp đồng vay giưa VK Housing với bên cho vay là DWS sẽ bị vô hiệu. Hợp đồng tín dụng nếu các nội dung khác phù hợp với các quy định của pháp luật VN thì vẫn có hiệu lực.

Công lý được thực thi

xet xu the vkhousing
Phiên toà sở thẩm xét xử vụ án tranh chấp về quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án trong hợp đồng liên doanh giữa nguyên đơn HDTC và bị đơn là DWS.

 

Ngày 25/10/2018, TAND Tp.HCM đã xét xử công khai vụ án tranh chấp về quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án trong hợp đồng liên doanh giữa nguyên đơn HDTC và bị đơn là DWS.

Tại phiên toà, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của HDTC không công nhận các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại VK Housing từ P&D và LVC qua công ty DWS; tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa P&D với DWS ngày 16/3/2016 và hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa LVC và DWS ngày 16/3/2016 về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC tại VK Housing cho DWS là hợp đồng vô hiệu, không có hiệu lực để thi hành.

Toà cũng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của HDTC về việc huỷ các quyết định hành chính liên quan đến việc sở hữu vốn góp của VK Housing từ P&D và LVC qua DWS; tuyên bố biên bản họp HĐTV số HĐTV29/2016 ngày 23/3/2016, giấy xác nhận số 01 ngày 30/4/2016 và giấy xác nhận số 02 ngày 30/4/2016 và Quyết định HĐTV 30 ngày 23/4/2016 do VK Housing xác lập là các giao dịch dân sự vô hiệu nên không có hiệu lực thi hành; huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KHĐT Tp.HCM đã cấp cho VK Housing ngày 21/4/2016, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 21623333062 ngày ngày 29/2/2016 của Sở KHĐT Tp.HCM.

Trong thời gian chưa có người kế thừa phần vốn góp của P&D và LVC tại VK Housing, HDTC có quyền thực hiện quản lý VK Housing đối với phần vốn góp nêu trên.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ