Lào Cai xin chuyển đổi dự án BOT 2.500 tỷ đồng đi Sapa

Nhàđầutư
Dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP. Lào Cai và Sapa sẽ không còn được thực hiện theo hình thức BOT, nếu kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai được chấp thuận.
NGHI ĐIỀN
28, Tháng 06, 2018 | 08:11

Nhàđầutư
Dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP. Lào Cai và Sapa sẽ không còn được thực hiện theo hình thức BOT, nếu kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai được chấp thuận.

quoc-lo-4-d

 Quốc lộ 4D hiện là đường độc đạo nối TP. Lào Cai với Sapa

UBND tỉnh Lào Cai ngày 18/5 đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi hình thức đầu tư của dự án Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sapa.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 510/TTg-KTN ngày 18/4/2014 với quy mô 2 tuyến đường trong đó: Cải tạo tuyến Quốc lộ 4D hiện hữu với chiều dài 29km (điểm đầu Km105, thuộc thị trấn Sapa, điểm cuối tại Km137+055 thuộc TP. Lào Cai) và xây dựng mới Tỉnh lộ 155 có chiều dài 22,203km nối Sapa với Lào Cai theo hướng song song với Quốc lộ 4D. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.518 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là PPP, theo hợp đồng BOT. Thời gian xây dựng dự kiến 3 năm, thời gian thu giá 24 năm. 

Được khởi công vào đầu năm 2016 và bắt đầu xây dựng một năm sau đó, tuy nhiên dự án nhanh chóng rơi vào tình trạng đình trệ. 

Theo công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ông Đặng Xuân Phong ký ngày 18/5, dự án gặp khó khi có sự thay đổi về quy định của Nhà nước. Theo đó, Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 của Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội yêu cầu không làm dự án BOT trên đường độc đạo hiện hữu.

Chiểu theo quy định này, dự án nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sapa sau khi hoàn thành vẫn là đường độc đạo với hai chiều lên và xuống (với chiều lên là QL4D hiện hữu). Bên cạnh đó, việc chỉ thực hiện được thu phí một chiều đối với đường làm mới (TL155) dẫn đến phương án tài chính không đảm bảo. Ngoài ra công tác quản lý trạm thu phí một chiều và phân luồng giao thông cũng sẽ rất khó khăn. 

Một vướng mắc nữa của dự án là khó khăn về vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương. Vào giữa năm ngoái, UBND tỉnh Lào Cai đã nêu ra vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ và xin phân kỳ đầu tư dự án. Ngày 26/4/2018, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về xử lý vướng mắc trong việc giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Thông báo nêu rõ: "UBND tỉnh Lào Cai khẩn trương rà soát, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng nguồn vốn, hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định".

Theo UBND tỉnh Lào Cai, với những khó khăn, vướng mắc trên thì dự án chưa đảm bảo đồng bộ, tách biệt giữa đường hiện hữu (QL4D) với đường làm mới (TL155), vẫn còn một số đoạn phải đi chung với QL4D (nhất là đoạn 2,2km cua Móng Sến) nên không thể tổ chức thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư (theo quy định của Nghị quyết 437). Vì vậy, việc triển khai dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là không khả thi.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai vẫn khẳng định tính cấp thiết của dự án, và có 3 kiến nghị sau:

1) Cho phép chuyển hình thức đầu tư từ PPP (loại hợp đồng BOT) sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước đối với TL 155 đoạn từ nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Km0 tương ứng với Km135+900, QL4D) đến Km11+800 (Kết nối với QL4D tại Km120+666). Tổng mức đầu tư khoảng 658 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 500 tỷ đồng và ngân sách địa phương 158 tỷ đồng. 

2) Đoạn đầu tuyến từ Ngã ba Kim Tân - Nút giao đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đoạn từ nút giao với đường tránh QL4D - thị trấn Sapa có chiều dài khoảng 6km với quy mô 4 làn xe có tổng kinh phí khoảng 850 tỷ đồng sẽ được tách thành dự án khác (tách biệt với QL4D) và kêu gọi đầu tư theo hình thức BT và ngân sách địa phương. 

3) Cầu Móng Sến và đoạn còn lại của TL155: Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét sớm cân đối khi có nguồn vốn sẽ triển khai thực hiện. 

Chủ đầu tư là ai? 

Theo công văn của UBND tỉnh Lào Cai, nhà đầu tư (thông qua sơ tuyển quốc tế) là Liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi - CTCP Tập đoàn Phúc Lộc - CTCP Tập đoàn Xây dựng miền Trung - CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An. 

Trong đó, Cường Thịnh Thi (vốn 1.689 tỷ đồng, gốc Ninh Bình), Phúc Lộc (vốn 2.650 tỷ đồng, gốc Ninh Bình) và Tập đoàn xây dựng miền Trung (vốn 2.689 tỷ đồng, gốc Thanh Hoá) là đối tác quen thuộc và đã cùng nhau trúng nhiều gói thầu lớn có giá trị từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trên khắp cả nước. 

Cường Thịnh Thi cùng Phúc Lộc cũng chia nhau nắm giữ 20% vốn trong dự án BOT cầu Bạch Đằng (Hải Phòng). Tại dự án cầu Bạch Đằng, hai nhà đầu tư có liên hệ nhất định đến doanh nhân Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út "trọc") là CTCP Đầu tư Cái Mép và Cienco1 sở hữu lần lượt 21% và 10% cổ phần. 

Về phần mình, CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, dù đóng trụ sở ở TPHCM song các cổ đông lớn cũng có gốc Ninh Bình. 

Tới cuối năm 2017, Khánh An là cổ đông lớn thứ 3 của Cienco1, với tỷ lệ sở hữu 19,2%, cùng với 3 cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (28,6%), CTCP An Hiền (24,6%) và CTCP Đầu tư Cái Mép (16,8%), nắm tổng cộng 89,2% vốn của Cienco1.

An Hiền, Yên Khánh và Cái Mép (đã đề cập) đều là những cái tên có bóng dáng của doanh nhân Út 'trọc'.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ