Làm thế nào để đạt được tăng trưởng GDP trên 5%?

Dù kịch bản của Chính phủ đưa ra dự kiến GDP tăng khoảng 4,5%, nếu thuận lợi phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn tuyên bố không giảm chỉ tiêu tăng trưởng và sự quyết tâm này sẽ lan tỏa, thêm động lực phấn đấu cho các địa phương.
THẮNG QUANG
23, Tháng 06, 2020 | 06:30

Dù kịch bản của Chính phủ đưa ra dự kiến GDP tăng khoảng 4,5%, nếu thuận lợi phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn tuyên bố không giảm chỉ tiêu tăng trưởng và sự quyết tâm này sẽ lan tỏa, thêm động lực phấn đấu cho các địa phương.

Chính phủ xin điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, báo cáo về những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống KTXH của đất nước. Mặc dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động KTXH.

“Trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả quan trọng này là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, động viên và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng KTXH và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công….

Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KTXH, trong đó xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, kịch bản của Chính phủ đưa ra dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5%. Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.

Cần chính sách ưu đãi hấp dẫn FDI có chất lượng

Thảo luận về báo cáo KTXH và ngân sách Nhà nước, các ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao về kết quả điều hành của Chính phủ trong việc đẩy lùi COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn nhiều phức tạp và các nền kinh tế hàng đầu rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội và các phương án đề phòng sự lây lan trở lại của dịch bệnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP. Hà Nội phân tích trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương với độ mở của kinh tế là 200%. Đạt được kết quả trên là nhờ vào năng lực cân bằng của thị trường nội địa. Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp đã thể hiện vị thế và điều này phải nhìn nhận đánh giá lại trong thời gian tới.

Đặc biệt hơn, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra các quyết sách chưa từng có trong tiền lệ của Chính phủ được đưa ra kịp thời và khẩn trương, như gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Điều này thể hiện mục tiêu phát triển kinh tế bao trùm, không để ai phải ở phía sau. Thêm vào đó, ngành giáo dục đã thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi ngoạn mục.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và dòng dịch chuyển đầu tư nước ngoài nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường, như Trung Quốc, theo đó các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ là những địa điểm đón nhận. Và, Việt Nam có ưu thế với thương hiệu quốc gia cùng các quan hệ đối tác thương mại song phương, đa phương ở trình độ cao.

Từ đó, đại biểu Cường khuyến nghị ở thời điểm này, Việt Nam cần thiết phải tập trung cao vào định hướng chiến lược thu hút đầu tư chứ không phải “trải thảm đỏ” như trước đây. Chiến lược mới là săn tìm nhà đầu tư, chứ không là thụ động ngồi chờ nhà đầu tư đến để sàng lọc. “Việt Nam cần tìm kiếm và có chính sách ưu đãi hấp dẫn các FDI có chất lượng, như ưu tiên đầu tư công phân bổ vào lĩnh vực tạo hạ tầng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư lớn. Thêm vào đó, Chính phủ cần có chính sách đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các nhà đầu tư tư nhân xây dựng đủ tiềm lực để có thể bắt tay các nhà đầu tư lớn quốc tế”, vị đại biểu Hà Nội nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Theo đó, các gói hỗ trợ cần phải triển khai rất nhanh. Trong hoạt động doanh nghiệp, những giải pháp giữ chân được người lao động cần được ưu tiên.

“Vấn đề tiếp theo là giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn năm 2019 chuyển sang cộng vào khoảng 700.000 tỷ đồng ngàn tỷ đồng của năm nay. Và, nếu giải ngân tốt thì sẽ thúc đẩy, kéo theo các nguồn lực đầu tư khác trong xã hội. Nhưng phải đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát, tiết kiệm, tránh đầu tư giàn trải, thiếu kiểm soát và tăng cường kiểm toán các khoản đầu tư công”, đại biểu Ngân góp ý.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch COVID-19 lần này đã đứt gãy chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến du lịch, giảm nhu cầu, giảm xuất nhập khẩu. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định các giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp.

Theo đó, tình hình tháng 4 xấu, tháng 5 có khởi sắc nhưng đến tháng 6 tình hình còn rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã theo dõi hết sức chặt chẽ tình hình, liên tục đưa ra giải pháp, có các gói hỗ trợ hướng đến nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao việc hàng loạt tỉnh thành như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… tuyên bố không giảm chỉ tiêu tăng trưởng và sự quyết tâm này sẽ lan tỏa, thêm động lực phấn đấu cho các địa phương khác. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, phải có những chủ trương, biện pháp tốt hơn nữa, sát hơn.

“Tháo gỡ khó khăn đầu tư, sản xuất kinh doanh, chống bệnh quan liêu xa dân là “rất tệ hại”. Chúng ta phải làm mọi cách để mọi người dân, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhà đầu tư nước ngoài phát triển tốt hơn. Phải quyết tâm để đón nhận dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam, đây là yêu cầu rất lớn, trong bối cảnh nhiều nước đang khó khăn”, Thủ tướng khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ