Lạm phát cao làm u ám triển vọng kinh tế toàn cầu

Chi phí đi vay tăng và nguồn cung cấp năng lượng hạn chế làm tăng thêm nguy cơ suy thoái trong năm tới.
MINH TIỆP
19, Tháng 10, 2022 | 08:09

Chi phí đi vay tăng và nguồn cung cấp năng lượng hạn chế làm tăng thêm nguy cơ suy thoái trong năm tới.

Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới nhận thấy rủi ro đang gia tăng rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể chuyển thành một đợt khủng hoảng mạnh hơn do lạm phát mạnh, chi phí năng lượng cao và lãi suất leo thang.

USD đang gây áp lực lên các đồng tiền khác

Báo cáo lạm phát vào tuần trước của Hoa Kỳ có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang nước này nâng lãi suất với tốc độ nhanh. Điều đó có thể giúp thúc đẩy đồng USD giữ giá cao hơn, làm tăng thêm chi phí nhập khẩu và dịch vụ nợ cho nhiều quốc gia. Các nhà sản xuất năng lượng chủ chốt đang hạn chế nguồn cung, gây áp lực lên giá cả và làm hoạt động kinh tế chậm lại, đặc biệt là ở châu Âu. Dữ liệu mới từ Trung Quốc cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, một dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế đang hạ nhiệt.

"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra", Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Kristalina Georgieva cho biết tại cuộc họp giao ban hôm 13/10, khi các quan chức tài chính tập trung tại Washington để dự các cuộc họp do IMF và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Bà cũng nói thêm: "Trong nhiều nền kinh tế, rủi ro suy thoái đang gia tăng".

IMF dự báo các nền kinh tế đại diện cho hơn một phần ba sản lượng toàn cầu sẽ co hẹp lại trong năm tới. Còn 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ đình trệ. Nhìn chung, IMF dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2023 là 2,7%, giảm so với mức 3,2% của năm nay.

suythoai01

Chi tiêu bán lẻ của Mỹ bị đình trệ trong tháng 9 do người mua sắm phải đối mặt với lạm phát cao. Ảnh: WSJ.

Ngày 12/10, trong một hội thảo do Trung tâm Phát triển Toàn cầu tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait cho biết: "Tình hình còn tồi tệ hơn thời kỳ đại dịch COVID-19 đang bùng phát". Nhiều nhà hoạch định chính sách coi lạm phát cao của Hoa Kỳ và phản ứng của Fed là mối đe dọa trung tâm đối với triển vọng kinh tế của họ.

Chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ đã tăng 8,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, với giá cốt lõi tăng 6,6% (không bao gồm biến động giá thực phẩm và năng lượng). Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong 4 thập kỷ, một dấu hiệu của áp lực giá cơ bản rất mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng lõi (core-CPI) có khả năng khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm vào tháng tới. Báo cáo nêu rõ những rủi ro chính sẽ trì hoãn việc giảm tốc độ tăng lãi suất.

Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng trong năm nay đã giúp thu hút các nhà đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ và đẩy giá trị của đồng USD lên. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm tăng chi phí nhập khẩu bằng đồng USD và dịch vụ nợ cho nhiều quốc gia khác. Nó cũng gây áp lực lên các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới trong việc tăng lãi suất của mình để bảo vệ đồng tiền quốc gia, có thể khiến tốc độ tăng trưởng giảm tốc hơn nữa.

Ngày 10/10, trong một sự kiện do Viện Tài chính Quốc tế tổ chức, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Hungary nói: "Tất cả chúng tôi đều muốn biết phản ứng của Fed trong những tháng tới vì sức mạnh của đồng USD đang tạo áp lực lên đồng tiền của chúng tôi".

Rủi ro xảy ra suy thoái toàn cầu

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã có dấu hiệu phục hồi trong năm nay. Thị trường lao động hạ nhiệt nhưng vẫn lành mạnh. Ngày 14/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết chi tiêu bán lẻ của Hoa Kỳ không thay đổi trong tháng 9 so với tháng 8 và tăng 8,2% so với một năm trước đó. IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1% trong năm 2023, giảm so với mức 1,6% của năm nay. Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal thăm dò ý kiến cho rằng xác suất xảy ra suy thoái của Hoa Kỳ trong 12 tháng tới là 63%, tăng từ 49% trong cuộc khảo sát hồi tháng 7.

Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết động lực của nền kinh tế Hoa Kỳ khiến các nước khác lo ngại vì nó khiến Fed có khả năng tăng lãi suất nhiều hơn. Một nền kinh tế toàn cầu suy yếu, lãi suất cao và đồng USD mạnh "thực sự có thể gây tổn hại cho tất cả các nước trên thế giới". Bà Sri Mulyani nói: "Rất có thể xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu".

Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đè nặng lên nền kinh tế thế giới. IMF cho biết cuộc xung đột đã cản trở xuất khẩu thực phẩm và phân bón, gây nguy hiểm cho 345 triệu người. Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, khiến các nhà sản xuất ở đó lao đao và đẩy nhiều nền kinh tế đến bờ vực suy thoái.

suythoai02

Xung đột giữa Nga - Ukraine đã đè nặng lên nền kinh tế thế giới. Ảnh: WSJ.

Trong một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 14/10, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen nói: "Châu Âu phải đối mặt với những căng thẳng đặc biệt nghiêm trọng vì những gì đang xảy ra với giá năng lượng tại đó... Nhiều quốc gia thuộc thị trường mới nổi phải đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng".

Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh OPEC+ do Nga dẫn đầu gần đây đã thông báo về một đợt cắt giảm sản lượng lớn, làm tăng giá dầu. Ngày 13/10, Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA cảnh báo rằng quyết định này có thể là mốc thời gian khiến cho nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy thoái.

Không có định nghĩa chính thức về suy thoái toàn cầu, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng một yếu tố cần thiết là tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mức tăng dân số, hay khoảng 1,1%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu là 1,9% trong năm tới. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết: "Điều đó rất gần với suy thoái kinh tế thế giới".

Trong một báo cáo tuần trước, IMF cảnh báo một rủi ro khác đối với nền kinh tế toàn cầu là nguy cơ lãi suất tăng nhanh sẽ gây rối loạn hệ thống tài chính. Kế hoạch cắt giảm thuế của Anh quốc nhằm mục đích kích thích tăng trưởng đã gây ra một đợt bán tháo trái phiếu lớn vào tháng trước, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải vào cuộc để ổn định hệ thống tài chính. Do phản ứng của thị trưởng, Chính phủ Anh đã phải đảo ngược các chi tiết quan trọng của kế hoạch hôm 14/10.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế trên toàn thế giới đang theo dõi những căng thẳng trên thị trường tài chính. Trong lịch sử, họ đã biết rằng lãi suất leo thang có thể gây ra các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính từ những nguồn không mong đợi.

Sự không chắc chắn đang xảy ra với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu

Cho vay từ "cửa sổ chiết khấu" của Fed đối với các khoản vay khẩn cấp đã tăng trong những tuần gần đây, đã lên tới 7,67 tỷ USD vào 12/10. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2020. Fed cũng cho hai ngân hàng trung ương nước ngoài vay 6,5 tỷ USD vào tuần trước, một phần của thỏa thuận thường trực để giảm bớt áp lực cho những thị trường trả bằng USD.

Ngày 14/10, bà Esther George, Chủ tịch Fed ở thành phố Kansas, cho biết trong một hội thảo trực tuyến do S&P Global Ratings tổ chức: "Điều tôi lưu tâm là chúng ta đang đối phó với một nền kinh tế đang tái điều chỉnh để đối phó với một cú sốc bất thường". Bà nói thêm: "Hành động quá nhanh có thể phá vỡ thị trường tài chính và nền kinh tế theo cách mà cuối cùng chúng sẽ tự hủy diệt".

suythoai03

Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết: "Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra". Ảnh: WSJ.

Chủ tịch của Goldman Sachs Group Inc., John Waldron nói rằng sự không chắc chắn đang xuất hiện dai dẳng trong triển vọng kinh tế và tài chính có thể sớm bắt đầu đè nặng lên cách các doanh nghiệp đưa ra quyết định tuyển dụng. Ông cho biết các công ty có thể xem xét thuê ít người hơn "và có thể thực hiện việc sa thải nhân viên".

Tại Trung Quốc, các chính sách hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này, đặc biệt là trong quý II/2022. Khu vực bất động sản phình to quá mức của Trung Quốc đang chậm lại nhanh chóng. Sự sụt giảm của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng thêm trục trặc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế thương mại toàn cầu.

Tất cả những rủi ro đối với tăng trưởng có thể gây tác hại đặc biệt cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Theo IMF, khoảng 60% các quốc gia nghèo nhất trên thế giới đang nằm trong hoặc có nguy cơ căng thẳng vì nợ nần, Họ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Nhiều quốc gia đang phải vật lộn với chi phí thực phẩm và năng lượng nhập khẩu cao hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn, thống đốc Ngân hàng Quốc gia Angola José de Lima Massano nói: "Cảm giác mà người ta nhận được từ các cuộc họp là sự không chắc chắn quá cao. Rất khó để nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm".

(Theo WSJ.com)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25155.00 25161.00 25461.00
EUR 26745.00 26852.00 28057.00
GBP 31052.00 31239.00 32222.00
HKD 3181.00 3194.00 3300.00
CHF 27405.00 27515.00 28381.00
JPY 159.98 160.62 168.02
AUD 16385.00 16451.00 16959.00
SGD 18381.00 18455.00 19010.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18134.00 18207.00 18750.00
NZD   14961.00 15469.00
KRW   17.80 19.47
DKK   3592.00 3726.00
SEK   2290.00 2379.00
NOK   2277.00 2368.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ