Lạm phát Mỹ gây khó cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam

Nhàđầutư
Số lượng đơn hàng giảm, sức ép vốn vay ngân hàng, sản xuất kinh doanh cầm chừng, người lao động nghỉ việc… đang là những áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại Việt Nam.
VŨ PHẠM
06, Tháng 10, 2022 | 17:34

Nhàđầutư
Số lượng đơn hàng giảm, sức ép vốn vay ngân hàng, sản xuất kinh doanh cầm chừng, người lao động nghỉ việc… đang là những áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại Việt Nam.

Đầu ra gặp trở ngại

Số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) - Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong tháng 9 là 607 triệu USD, giảm 11% so với tháng 8 nhưng tăng 73,4% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Áp lực lạm phát gia tăng tại Mỹ đang tác động tiêu cực tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, bởi đây là thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của ngành gỗ.

Trái ngược với nửa đầu năm nay, kể từ tháng 7, DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều DN đang sụt giảm đơn hàng và thậm chí không có đơn hàng cho mùa vụ mới. Sức ép lạm phát buộc người tiêu dùng Mỹ phải thắt chặt chi tiêu, trong khi đó gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ không phải là mặt hàng thiết yếu.

nganh-go

Áp lực lạm phát gia tăng tại Mỹ đang tác động tiêu cực tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Công Thương

Trong 8 tháng, đồ gỗ nội thất xuất khẩu tới Mỹ đạt 5,5 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Mỹ, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong tháng 7 là 2,1 tỷ USD, giảm 5% so với tháng 7/2021. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm.

VITIC cho rằng, những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ có thể sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, các DN ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu tới Mỹ. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát gia tăng tại Mỹ, cùng với xung đột giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu gỗ… cũng là rào cản cho các DN ngành gỗ Việt Nam.

Trong khi đó, các chuyên gia thuộc các hiệp hội gỗ Việt Nam cho biết, cung - cầu gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ trên thế giới, nhất là thị trường lớn như Mỹ, EU có nhiều biến động. Với độ hội nhập sâu, rộng với thị trường thế giới, ngành gỗ Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp từ các biến động từ dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt là trên phương diện xuất khẩu.

Khảo sát 52 DN của nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và tổ chức Forest Trends cho thấy, do xuất khẩu gặp trở ngại, lượng hàng tồn kho của đa số các DN tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 31 DN phản ánh lượng hàng tồn kho tăng trên 42%, 11 DN  có lượng hàng tồn kho giảm 32,3% và 7 DN có lượng hàng tồn kho không thay đổi.

Đồng thời, trên 90% DN có số lượng đơn hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trung bình ở mức 44,4%. Chỉ có 3 DN có lượng đơn hàng tăng ở mức 18,3%.

Doanh nghiệp đối diện với nhiều thách thức lớn

Trong số 52 DN ngành gỗ tham gia khảo sát có đến 45 DN xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ, chiếm 87%, 39 DN xuất khẩu sang EU, chiếm 75%, 24 DN xuất khẩu sang Anh, chiếm 54%.

Năm 2021, doanh thu xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ của nhóm 45 DN chiếm tỷ trọng trung bình 58% trong tổng số doanh thu của các DN ngày. Nhưng gần đây, thị trường này lại đang có biến động lớn nhất. Những tháng đầu năm 2022, 33 DN có doanh thu từ thị trường Mỹ giảm trung bình 39,6%. Trong đó, có DN giảm đến 80% doanh thu, DN có mức giảm ít nhất là 8%. Và chỉ có 10 DN có doanh thu tăng trong những tháng đầu năm.

Ở thị trường EU, những tháng đầu năm, doanh thu của 39 DN bị ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể, 24 DN có doanh thu sụt giảm, với mức giảm trung bình khoảng 42,2%. Trong đó, có một số DN mất hẳn nguồn thu. Và chỉ có 4 DN có doanh thu xuất khẩu tăng nhẹ với mức trung bình 14%.

Tương tự, ở thị trường Anh, trong 26 DN xuất khẩu thì có 17 DN bị sụt giảm doanh thu với mức giảm trung bình 42,8%. Trong đó, có 3 DN mất hoàn toàn doanh thu. Và chỉ có 3 DN có doanh thu tăng với mức hạn chế, khoảng 3%.

Dự báo tình hình kinh doanh trong năm nay, có khoảng 80% DN cho biết, doanh thu sẽ sụt giảm so với năm 2021. Cụ thể, 19 DN có mức doanh thu giảm dưới 30%, 13 DN giảm từ 30-50% và 10 DN giảm trên 50%. Chỉ có 3 DN dự báo doanh thu tăng trong năm nay với mức từ 10-20%. Còn lại 7 DN có doanh thu không đổi so với năm 2021.

Hồi đầu tháng 9, một DN có giá trị xuất khẩu gỗ lớn ở Việt Nam vừa cắt giảm 500 công nhân trên tổng số 1000 lao động. Trước đây, mỗi tháng, DN này xuất đi khoảng 500 container hàng thì nay chỉ còn 100-200 container hàng. Đây đang là tình cảnh chung của nhiều DN ngành gỗ tại Việt Nam.

Trước tình hình biến động mạnh tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt nhiều DN đối mặt với sức ép vốn vay ngân hàng, chi trả người lao động và nguồn nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, trong số 52 DN khảo sát có 60% DN chịu sức ép về vốn vay, 70% DN áp lực về chi phí cho người lao động và nguồn nguyên liệu.

Không những vậy, các DN còn gặp khó khăn do khách hàng cắt giảm đơn hàng khi giá cước vận tại tăng cao; khách hàng hủy ngang đơn hàng đã đặt cũng như các đơn hàng đang sản xuất; chi phí thuê đất; người lao động đi tìm công việc khác; dòng tiền gián đoạn… Trong ngắn hạn, các DN buộc lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, có đến 60% DN cho biết chỉ có khả năng cầm cự được 6 tháng, 1/4 số DN cho biết sẽ duy trì sản xuất trên 12 tháng.

Cũng chính vì những khó khăn đó, các DN kiến nghị Chính phủ thúc đẩy các ngân hàng cho phép giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp và hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Đối với chính sách thuế, phí, các DN mong muốn Chính phủ cho phép giảm, chậm thuế thu nhập DN và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế GTGT nhanh nhất nhằm trả vốn cho DN và giảm chi phí xuất nhập khẩu container cảng biển.

Đồng thời, nhiều DN kiến nghị Chính phủ đưa ra các biện pháp kịp thời để bình ổn giá cả, giảm thanh, kiểm tra, hỗ trợ công nhân đóng BHXH, gia hạn thời gian đóng BHXH và thiết kế các gói cứu trợ để kịp thời hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và ổn định sản xuất trong dài hạn.

Ngoài những kiến nghị nêu trên, câu hỏi lớn đặt ra là làm sao để tăng tính chống chịu cho DN ngành gỗ trong tương lai. Một số giải pháp mà các chuyên gia đưa ra đó là nâng tỷ trọng nguồn gỗ rừng trong nước. Điều này giúp nguồn nguyên liệu đầu vào của các DN không bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự chuyển đổi căn bản trong quản trị rừng, tập trung phát triển liên kết giữa các cùng nguyên liệu và trung tâm chế biến sâu, hợp tác đầu tư vùng với các hộ trồng rừng. Hơn hết, các DN phải quan tâm tới việc quản trị nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ