Kỷ Hợi 2019: Các yếu tố cốt lõi vẫn ủng hộ thị trường chứng khoán

Nhìn tổng thể, năm 2019, các yếu tố thuận lợi, mang tính cốt lõi vẫn chiếm ưu thế và ủng hộ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài vẫn bất định, nên cần theo dõi sát sao và vững vàng tâm lý để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.
DUY THÁI
11, Tháng 02, 2019 | 10:17

Nhìn tổng thể, năm 2019, các yếu tố thuận lợi, mang tính cốt lõi vẫn chiếm ưu thế và ủng hộ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài vẫn bất định, nên cần theo dõi sát sao và vững vàng tâm lý để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.

nhadautu - ong tran van dung

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng

Đây là nhận định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN trước thềm Xuân mới Kỷ Hợi 2019.

* PV: Năm 2018 là năm TTCK toàn cầu chịu sự biến động rất lớn, đáng chú ý là dòng vốn ngoại rút ra rất mạnh. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn là một điểm sáng của dòng vốn ngoại. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

- Ông Trần Văn Dũng: Năm 2018 khép lại một năm nhiều cảm xúc của TTCK. Chỉ số VN-Index xác lập “đỉnh lịch sử”, đạt 1.204,33 điểm vào ngày 9/4/2018. Sau đó, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh và chuyển sang giai đoạn ổn định hơn trong quý cuối năm.

Do vậy, tôi cho rằng, năm 2018 mặc dù có nhiều biến động, nhưng nhìn chung về cơ bản thị trường vẫn duy trì được sự ổn định theo chiều hướng tích cực trong tương quan của bức tranh tổng thể nhiều mảng thị trường.

TTCK thế giới trải qua một năm nhiều biến động, nhiều thị trường trên khắp toàn cầu giảm điểm rất mạnh, trong đó, đáng lưu ý là tình trạng dòng tiền ngoại bị rút ra ồ ạt tại hầu hết các thị trường mới nổi. Với TTCK Việt Nam, chỉ số VN-Index năm 2018 giảm 9,3% so với cuối năm 2017, song đây mà mức giảm vừa phải so với bình diện chung trên toàn cầu.

Trong khi đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, đạt 77,6% GDP năm 2017 và tương đương với 70,2% GDP năm 2018. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017.

Như vậy, dù giảm ở mức vừa phải về chỉ số, nhưng thị trường khá ổn định về mặt quy mô vốn hóa, thanh khoản, cũng như tâm lý của nhà đầu tư. Điều này phần nào cho thấy thị trường đã ổn định tích cực, sức đề kháng tốt hơn và thật sự có cơ sở trưởng thành về chất.

Trong bối cảnh, dòng vốn nước ngoài bị rút ra ồ ạt ở nhiều thị trường mới nổi, năm qua, dòng vốn vào gián tiếp trên thị trường Việt Nam vẫn dương là một điểm sáng. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào ròng, đạt 2,8 tỷ USD, cơ bản bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD.

Cùng với đó, việc tổ chức FTSE đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2 là dấu hiệu rõ ràng cho thấy TTCK Việt Nam đã được giới đầu tư tài chính quan tâm và tin tưởng đầu tư nhiều hơn.

Đối với thị trường trái phiếu chính phủ, mặc dù khối lượng huy động có giảm so với năm 2017, tuy nhiên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước, khi kỳ hạn bình quân đạt 12,55 năm, cao nhất từ trước đến nay. Lãi suất huy động trái phiếu tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp. Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết, thanh khoản vẫn ở mức tương đương năm 2017.

Như vậy, huy động trái phiếu ít hơn, với lãi suất thấp, thực chất là điểm rất tích cực, vừa giúp Chính phủ huy động được vốn chi phí thấp, vừa giảm được áp lực lên nợ công, đồng thời cũng góp phần ổn định được mặt bằng lãi suất thị trường ngân hàng.

TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm với một sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 nhưng đã khẳng định được vai trò. Đặc biệt hơn, dù mới ra đời nhưng có thể nói, thị trường này đã có bước phát triển ban đầu ngoài mong đợi.

Điều quan trọng hơn nữa là thị trường phái sinh đã có sự ổn định, tích cực và phát triển theo đúng như thông lệ của các thị trường phái sinh quốc tế.

* PV: Năm 2018 là một năm nhiều cảm xúc với cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Vậy đâu là thời điểm ông cảm thấy khó khăn nhất khi đưa ra quyết định trên cương vị là Chủ tịch UBCKNN?

- Ông Trần Văn Dũng: TTCK được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, do đó, mọi biến động của nền kinh tế đều có những tác động ít nhiều tới diễn biến của thị trường. Đặc biệt hơn, đặt trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn, thì những biến động của nền kinh tế và TTCK thế giới càng làm cho các tác động lên TTCK trong nước ngày càng rõ nét, trực tiếp hơn.

Nhìn lại TTCK năm 2018, mặc dù các yếu tố vĩ mô trong nước ổn định và tích cực, nhưng những thay đổi từ quốc tế khiến thị trường chúng ta không thể tránh khỏi xu thế chung. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra được những giải pháp điều hành vừa mang tính kiên định cho mục tiêu chung, vừa góp phần giữ nhịp ổn định cho TTCK quả thực là một bài toán khó cho cơ quan quản lý.

Riêng với cá nhân mình, nếu phải chọn hai thời điểm khó nhất khi ra quyết định điều hành trong năm qua, thì tôi sẽ chọn thời khắc phải quyết định tạm dừng thị trường để sửa lỗi kỹ thuật hệ thống công nghệ trên sàn HOSE (ngày 23/1) và thời điểm khi thị trường bắt đầu xuống mạnh từ giữa tháng 4/2018.

Chúng tôi còn nhớ, chiều ngày 22/1, hệ thống giao dịch của HOSE gặp sự cố, buộc phải dừng phiên giao dịch định kỳ xác định giá đóng cửa để khắc phục. Cả buổi chiều và tối hôm đó, các chuyên gia công nghệ thông tin của HOSE cùng với sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia Thái Lan đã phát hiện và chỉnh sửa một số lỗi. Sau đó, một số chuyên gia cho rằng, hệ thống có thể hoạt động bình thường vào ngày hôm sau (23/1).

Lúc đó, chúng tôi rất băn khoăn vì nếu dừng thị trường là cả một chuyện lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, còn nếu mở cửa cho thị trường hoạt động thì khả năng an toàn vẫn chưa đảm bảo 100%.

Thời khắc đó thực sự khó quên với tôi, bởi việc lựa chọn phương án nào cũng là bài toán cân não thực sự. Tuy nhiên, kiện định mục tiêu vì sự an toàn chung của hệ thống, của thị trường, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ và cuối cùng chọn phương án tạm ngừng thị trường thêm một phiên, chấp nhận việc giảm uy tín để đổi lấy sự chắc chắn an toàn hệ thống. Quả thực may mắn, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác như sau này chúng ta thấy, chậm hơn nhưng chắc chắn và an toàn.

Điều may mắn hơn nữa, cơ quan quản lý và đơn vị vận hành nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như sự cảm thông, chia sẻ của thành viên, nhà đầu tư và các cơ quan truyền thông bởi sự cố không ai mong muốn.

Một thời điểm khác mà tôi cho rằng cũng khó khăn khi phải ra quyết định, đó là thời điểm khi thị trường bắt đầu xuống mạnh vào giữa tháng 4/2018. Khi đó, có rất nhiều ý kiến khác nhau khi phân tích nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của thị trường, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng: có nguyên nhân từ TTCK phái sinh và chỉ số VN30, có ý kiến đề xuất áp dụng một số giải pháp thắt chặt quản lý TTCK phái sinh, thậm chí là đóng cửa thị trường này.

Trong bối cảnh đó, UBCKNN đã phải thảo luận rất kỹ lưỡng, cẩn trọng và đã có đánh giá rằng: tình hình thị trường biến động từ nguyên nhân bên ngoài không phải nguyên nhân từ nội tại, cũng như không có nguyên nhân từ chỉ số VN30 hay do TTCK phái sinh. Trong báo cáo trình lên Bộ Tài chính và Thủ tướng khi đó, UBCKNN đã kiến nghị không áp dụng giải pháp hành chính lên thị trường.

Thực tế cho thấy, sau đó, TTCK đã ổn định trở lại một cách bền vững. Với cá nhân tôi và tập thể UBCKNN, đây cũng là một kinh nghiệm quý báu trong hoạt động quản lý điều hành thị trường.

* PV: Ông đánh giá thế nào về các yếu tố có thể tác động tới sự phát triển của TTCK Việt Nam trong năm mới Kỷ Hợi 2019?

- Ông Trần Văn Dũng: Nhìn một cách tổng thể, các yếu tố thuận lợi, mang tính cốt lõi vẫn chiếm ưu thế và ủng hộ TTCK trong năm 2019. Tuy nhiên, những yếu tố bên ngoài vẫn mang tính bất định rất lớn, do đó nhà đầu tư cần theo dõi thật sát sao, đồng thời vững vàng về mặt tâm lý để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.

Năm 2019, với quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân, tình hình vĩ mô và tăng trưởng kinh tế nước dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Những yếu tố này kỳ vọng sẽ tạo được sức bật cho doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh. Lãi suất, lạm phát trong nước năm 2019 sẽ ít nhiều chịu sức ép; nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát. Tôi cho rằng, đây là những điểm thuận lợi cốt lõi tạo nền tảng cho TTCK trong năm 2019.

Hai điểm đáng lưu ý nhất trong năm 2019 vẫn là những bất ổn trên thị trường kinh kế, tài chính thế giới, mà điển hình và đáng lo ngại nhất vẫn là chiến tranh thương mại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, cũng như một số biến động đến từ dư địa chính trị. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới thị trường thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chính vì vậy, đối với cơ quan quản lý, việc điều hành thị trường trong năm tới không những phải đảm bảo tính nhất quán mà còn phải tăng sự chủ động và sự linh hoạt trong các tình huống, diễn biến thực tế của thị trường. TTCK tiếp tục cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như việc phối hợp, hỗ trợ của nhiều cơ quan hữu quan, các thành viên thị trường và nhà đầu tư.

* PV: Đâu là một số giải pháp trọng tâm mà UBCKNN sẽ triển khai trong năm nay, thưa ông?

- Ông Trần Văn Dũng: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Chứng khoán trong năm 2019 là tiếp tục hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự thảo luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019 và xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019.  Khi Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành và có hiệu lực thực tiễn, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ có thêm một bước chuyển thực sự về cả số lượng lẫn chất lượng.

Cũng trong năm mới, công tác tái cấu trúc TTCK sẽ tiếp tục được triển khai sau khi Đề án tái cấu trúc TTCK và bảo hiểm được phê duyệt; song hành với đó triển khai các công việc tiếp theo về Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, trong tương lai gần, trong đầu năm 2019, dự kiến sẽ khai trương hai sản phẩm mới: Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và Chứng quyền có bảo đảm. Đến nửa cuối 2019, phấn đấu hoàn thành để đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số mới do HNX xây dựng.

Trong năm 2019, bên cạnh các công tác thường xuyên khác, UBCKNN sẽ đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK; trong đó, điển hình nhất là sẽ trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ Đề án Nâng hạng TTCK Việt Nam. Đề án này sẽ bao gồm nhiều nội dung quan trọng, kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

* PV: Xin cảm ơn ông!

(Theo Thời báo Tài chính Việt Nam)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ