Khủng hoảng ngân hàng Mỹ, châu Âu ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Nhàđầutư
Sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ cuối tuần trước và khủng hoảng của Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ, sẽ không tạo ra rủi ro đáng kể đến khả năng sinh lời hoặc khả năng thanh toán của các ngân hàng tại Việt Nam. Đây là nhận định của ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của tập đoàn VinaCapital.
TƯỜNG THỤY
18, Tháng 03, 2023 | 17:12

Nhàđầutư
Sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ cuối tuần trước và khủng hoảng của Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ, sẽ không tạo ra rủi ro đáng kể đến khả năng sinh lời hoặc khả năng thanh toán của các ngân hàng tại Việt Nam. Đây là nhận định của ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của tập đoàn VinaCapital.

Không nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam

Trong một bài phân tích ngày 18/3/2023, ông Kokalari viết: "VinaCapital cho rằng sự sụp đổ của SVB không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam".

Empty

Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của tập đoàn VinaCapital. Ảnh: VinaCapital

Kinh tế trưởng của tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam giải thích: "Xuất khẩu của VN sang Mỹ đã chậm lại trước khi SVB sụp đổ. Nhu cầu của thị trường Mỹ đối với các sản phẩm từ VN khó có thể phục hồi trong 6 tháng đầu năm nay, bất kể ngành ngân hàng Mỹ diễn biến như thế nào. Phản ứng của chính phủ Mỹ trước sự sụp đổ của SVB giúp lãi suất của Mỹ giảm, đó tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm 100 điểm cơ bản trong lãi suất điều hành vào đầu tuần này. Trong những tháng tới sẽ giảm áp lực lãi suất và giá trị của USD".

Ở châu Âu, dù Credit Suisse phải đối mặt với các vấn đề thanh khoản nghiêm trọng nhưng vấn đề cũng sẽ được giải quyết bằng việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) sẽ cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse để giúp giảm áp lực lãi suất trên toàn cầu giảm, giúp cải thiện tình hình thanh khoản cho kinh tế thế giới.

VinaCapital kỳ vọng sự sụt giảm nhanh chóng của lãi suất ở Mỹ và toàn cầu sẽ hỗ trợ cho đồng Việt Nam tăng giá, giúp NHNN tích lũy lại dự trữ ngoại hối trong năm nay.

Thụy Sĩ ngăn chặn khủng hoảng niềm tin

UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ, đang đàm phán để mua lại toàn bộ hoặc một phần của Credit Suisse đang chao đảo theo sau sự sụp đổ của SVB và ngân hàng Signature Bank.

Đối mặt với khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ tức tốc có phản ứng. SNB và Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) báo với các đối tác Mỹ và Anh rằng "kế hoạch A" của họ là hợp nhất Credit Suisse với UBS. Theo đó, SNB muốn UBS và Credit Suisse đạt được một giải pháp đơn giản và rõ ràng trước khi thị trường mở cửa thứ hai (ngày 20/3), nhưng Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng thừa nhận "không có gì đảm bảo" sẽ đạt được một thỏa thuận giữa hai ông lớn nói trên.

Empty

Một bảng hiệu của Ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sỹ. Ảnh: Guardian

UBS đang muốn đánh giá những rủi ro có thể nếu phải mua lại toàn bộ hoặc một phần Credit Suisse là đối thủ cạnh tranh của mình. Trong khi UBS đang đám phán, các nhà đầu tư của Credit Suisse đã khởi kiện tập thể nhà băng này với lý do Credit Suisse đã phóng đại về triển vọng kinh doanh trước khi cổ phiếu bị lao dốc trong tuần. Do bị bán tháo, giá cổ phiếu của Credit Suisse ngày 15/3 giảm tới 30% sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia (cổ đông lớn nhất của Credit Suisse) thông báo không thể bơm thêm vốn vào Credit Suisse do mức mức trần đầu tư theo quy định là 10%.

Cổ phiếu của Credit Suisse bắt đầu lao dốc không phanh sau khi SBV sụp đổ ở Mỹ cuối tuần trước. Ngày 16/3, SNB thông báo "cứu" khẩn cấp Credit Suisse bằng khoản hỗ trợ 50 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 54 tỷ USD) và giá cổ phiếu đã quay đầu trở lại.

Ngành ngân hàng Mỹ đua với thời gian

Sẽ xuất hiện vụ sụp đổ thứ ba trong vòng ít ngày ở Mỹ nếu 11 trong số các nhà băng lớn nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới không đồng loạt bơm tiền để cứu Ngân hàng First Republic. Tổng số tiền từ 11 “ông lớn” này là 30 tỷ USD, chỉ hơn ½ của 54 tỷ được Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ dùng để cứu Credit Suisse khẩn cấp.

Theo AFP, 4 ngân hàng JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, và Wells Fargo – mỗi bên sẽ gửi 5 tỉ USD vào First Republic. Goldman Sachs và Morgan Stanley sẽ gửi 2,5 tỉ USD mỗi bên. Và 5 tỷ còn lại trong số 30 tỷ USD sẽ đến (bằng nhau) từ 5 cái tên: BNY Mellon, PNC Bank, State Street, Truist, và US Bank.

Theo báo chí Mỹ, vụ cứu này được xem là vô tiền khoáng hậu trong ngành ngân hàng Mỹ trong nhiều thập niên vì SVB và Signature Bank sụp đổ quá nhanh (ngày 10-3 và 12-3), gây ra cơn hoảng loạn. Nếu không “chữa cháy” nhanh thì đám cháy có thể đốt luôn First Republic và tiếp tục lan ra. Nhưng cũng phải đề cập đến phản ứng nhanh của Chính phủ Mỹ vì 30 tỷ USD được cam kết cho First Republic bắt nguồn từ cuộc điện thoại giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Tổng giám đốc JPMorgan Chase là ông Jamie Dimon.

Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ, khủng hoảng ngân hàng Mỹ có thể sẽ còn âm ỷ vì niềm tin của nhà đầu tư đã bị lung lay.

Theo New York Times ngày 17/3, Bộ trưởng Yellen nói khi điều trần với Ủy ban Tài chính Thượng viện rằng các ngân hàng Mỹ đã “an toàn” nhưng chính phủ vẫn còn sợ nguy cơ có thể có những đổ vỡ khác. Theo bà Yellen, quyết định bảo vệ mọi khoản tiền gửi tại 2 ngân hàng đã sụp là nhằm không để đám cháy lan sang những nhà băng khác.

Trước đó, vào ngày 12/7 (Chủ Nhật, ngày Signature Bank sụp đổ), Fed, Bộ Tài chính và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tuyên bố mọi khoản tiền gửi tại Signature Bank và SVB sẽ được chi trả toàn bộ dù mức tối đa của bảo hiểm cho tiền gửi chỉ là những khoản gửi không quá 250.000 USD.

Quyết định "vượt rào" ngay lập tức đó là do các giới chức liên bang biết phải có giải pháp cứu nguy trước khi thị trường chứng khoán châu Á mở cửa vào tối 12/3 (giờ Mỹ) và các ngân hàng khác phải đối mặt với khả năng xảy ra làn sóng rút tiền hoảng loạn vào sáng thứ hai 13/3.

Empty

Khách hàng xếp hàng trước chi nhánh SVB ở Wellesley, bang Massachusetts Mỹ, ngày 13/3. Ảnh: Reuters

Sau quyết định này, nữ nghị sĩ Maxine Waters (thành viên đảng Dân chủ bang California, cựu chủ tịch của Ủy ban Tài chính Hạ viện) cho rằng đã đến lúc xem xét tăng ngưỡng bảo hiểm cho tiền gửi.

"Chúng ta không thể đơn giản nói đây là trường hợp khẩn cấp và rồi lại quên đi", bà Waters nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ