Khoảng vênh lãi suất trái phiếu

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn trái phiếu, trong đó nhóm bất động sản có mức lãi suất trung bình cao nhất và nhìn cụ thể từng thương vụ, mức lãi suất có sự vênh nhau khá lớn.
HIỂU LAM
13, Tháng 12, 2019 | 15:04

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn trái phiếu, trong đó nhóm bất động sản có mức lãi suất trung bình cao nhất và nhìn cụ thể từng thương vụ, mức lãi suất có sự vênh nhau khá lớn.

z-b_gahm

Khoảng vênh lãi suất trái phiếu

Báo cáo tiền tệ tháng 11/2019 của Công ty Chứng khoán SSI thống kê, trong tháng 11/2019, có 24.199 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, đưa tổng giá trị phát hành 11 tháng đầu năm lên 206.680 tỷ đồng, bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.

Con số này chưa bao gồm các các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm 2019, do chưa được công bố chi tiết.

Căn cứ dữ liệu tổng hợp kết quả phát hành riêng lẻ lũy kế 10 tháng đầu năm của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), SSI ước tính, lượng phát hành riêng lẻ 3 tháng đầu năm 2019 vào khoảng 30.000 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng đầu năm vào khoảng 237.000 tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành cả năm 2018.

Kỳ hạn trái phiếu và lãi suất bình quân toàn thị trường là 3,71 năm và 8,7%/năm. Trong đó, nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm); nhóm bất động sản có lãi suất bình quân 10,24%/năm, cao hơn hẳn nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng, nhưng vẫn thấp hơn các nhóm khác (10,49%/năm), chủ yếu do ảnh hưởng của lô phát hành 1.402 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, lãi suất 20%/năm của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (sau đây gọi tắt là Hồng Hoàng).

Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) là đơn vị tư vấn, đồng thời là đại lý phát hành trái phiếu cho Hồng Hoàng.

20%/năm là mức lãi suất cao ngất ngưởng so với phổ biến trên thị trường từ 10 - 12%/năm. Một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã ôm trọn lô trái phiếu của Hồng Hoàng, nhưng không được tiết lộ danh tính.

Đáng chú ý, đợt phát hành trái phiếu diễn ra ngày 29/10, ngay trước khi Ngân hàng mẹ của ACBS là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bán cổ phiếu quỹ. Cụ thể, ACB chào bán hơn 35 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối thiểu 23.100 đồng, từ ngày 30/10 - 29/11/2019.

Trên sàn chứng khoán ngày 30/10, cổ phiếu ACB xuất hiện nhiều lệnh giao dịch thỏa thuận, tổng cộng 60.711.055 đơn vị, có cùng mức giá là 23.800 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị trên 1.440 tỷ đồng.

Sự trùng khớp về mặt sự kiện diễn ra là đầu tháng 11, Hồng Hoàng thế chấp 60.771.055 cổ phiếu ACB (bằng đúng số lượng cổ phiếu đã giao dịch trong 4 lệnh thỏa thuận ngày 30/10) thuộc sở hữu của Hồng Hoàng cho tổ chức Saigon Asia Credit Limited.

Trước đó, Hồng Hoàng đã dùng tài khoản của mình tại ACB để làm tài sản bảo đảm cho giao dịch với bên nhận tài sản đảm bảo là Vietnam Finance Limited và Saigon Asia Credit Limited. Cả hai tổ chức đều có đăng ký kinh doanh tại Cayman Islands - “thiên đường thuế”.

Theo đăng ký kinh doanh, Hồng Hoàng là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, được thành lập năm 2016, do 3 thành viên trú tại cùng một địa chỉ sở hữu, bao gồm ông Đặng Anh Tuấn, ông Đặng Anh Vũ và bà Phạm Thị Khánh Hồng.

Thương vụ phát hành trái phiếu của Hồng Hoàng nêu trên được xem là có mức lãi suất cao nhất trên thị trường trái phiếu năm 2019. Nhưng nếu nhìn lại, cuối năm 2018, có một vụ phát hành trái phiếu với lãi suất thực cao hơn.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận phát hành lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), kỳ hạn 3 năm, với tiền lãi thanh toán cho kỳ 6 tháng đầu tiên là 314,4 tỷ đồng, tương ứng 10,5% số nợ gốc. Với số lãi thanh toán này, tính ra, lãi suất lên đến gần 21%/năm.

Đầu tư Quang Thuận thành lập năm 2001, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, vốn điều lệ 1.610 tỷ đồng, Tổng giám đốc là ông Nguyễn Vũ Anh Thi - cái tên xuất hiện trong không ít doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

z-a_yhkm

 

Theo thống kê, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 6.952 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11, lũy kế 11 tháng đầu năm 2019 là 71.312 tỷ đồng, chiếm 34,5% tổng lượng phát hành toàn thị trường.

Lô phát hành lớn nhất trong tháng 11 là 2.029 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng, có kỳ hạn 12 tháng và do một định chế tài chính mua toàn bộ; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là tổ chức quản lý tài sản bảo đảm, tài khoản tiền trái phiếu, lãi suất các kỳ thả nổi của trái phiếu cũng được tham chiếu theo lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng, tài sản bảo đảm là cổ phần của Vingroup - một đối tác lớn của Techcombank.

Các lô phát hành trái phiếu bất động sản lớn khác gồm: 1.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (đợt 2, từ 30/10 - 8/11/2019), kỳ hạn 5 năm của Công ty cổ phần Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng. Kết quả này chỉ đạt được phân nửa kỳ vọng trong việc phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu của Công ty, với lãi suất phát hành là 10%/năm cho năm đầu tiên; Công ty cổ phần Chứng khoán ASEAN là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành và đại lý quản lý trái phiếu.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi có tài sản bảo đảm. Theo bản công bố thông tin, tài sản bảo đảm là toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp hiện có và phát sinh trong tương lai từ dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trị Thung Lũng Nữ Hoàng - Khu biệt thự, tại Xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Với thương vụ trên, giới phân tích cho rằng, lãi suất 10%/năm là lãi suất mà rất nhiều doanh nghiệp bất động sản mong muốn khi có ý định phát hành trái phiếu, bởi nếu vay vốn ngân hàng có thể phải trả lãi suất 12%/năm.

Một thương vụ khác, 1.135 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 18 tháng của Công ty cổ phần Veracity - chủ đầu tư dự án Summit Building (Hà Nội), có lãi suất kỳ đầu tiên tối thiểu là 11,75%/năm, các kỳ tiếp theo được tính bằng lãi suất tiền gửi “tiết kiệm đại chúng” lĩnh lãi cuối kỳ cao nhất của Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcombank) cộng tối thiểu 4,25%/năm.

Các đợt huy động lớn tiếp theo là 570 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Vinametric; 500 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền của Tập đoàn Hà Đô; 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm của Hưng Thịnh Land...

Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty cổ phần Đạt Phương báo cáo kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ, với 81/300 tỷ đồng trái phiếu chào bán thành công, dù lãi suất lên đến 11,5%/năm và tài sản bảo đảm là số cổ phần thuộc quyền sở hữu của lãnh đạo Công ty có giá trị cao hơn giá trị trái phiếu phát hành.

Tuy nhiên, chỉ 27% lượng trái phiếu được mua bởi đa số nhà đầu tư cá nhân (71 tỷ đồng).

Trong khi trước đó, tháng 9, với mức lãi suất chỉ 8%/năm, nhưng Công ty cổ phần Sàn giao dịch Bất động sản Tiến Phước (thành viên của Tiến Phước Group) phát hành thành công 420 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 18 tháng, cho 415 nhà đầu tư trong nước, bao gồm 410 nhà đầu tư cá nhân và 5 nhà đầu tư tổ chức.

Đáng nói, công ty này có vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng, tăng vốn trong năm 2017 lên 20 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm Tiến Phước Group sở hữu 45%, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ sở hữu 20% và bà Nguyễn Thị Mỹ Linh sở hữu 35%.

Ghi nhận nhiều ý kiến, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng rót vào lĩnh vực bất động sản chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm kênh huy động vốn thay thế khác như trái phiếu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn, trong đó phát hành trái phiếu là xu hướng trong năm 2019.

Lãi suất trái phiếu ở các doanh nghiệp có độ vênh được cho là do đặc thù, tính chất cũng như câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.

Chẳng hạn, với doanh nghiệp đang kêu gọi nhà đầu tư để huy động vốn thì mức lãi suất gọi mời khá hấp dẫn, còn những doanh nghiệp có “câu chuyện riêng”, hoặc có những thỏa thuận về quyền lợi khác ngoài lãi suất, hoặc đã có sẵn nhà đầu tư đứng sau, thì có thể đưa ra lãi suất thấp hơn mà vẫn phát hành thành công.

Thực tế, Chính phủ mong muốn và khuyến khích phát triển thị trường vốn dài hạn là trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, lành mạnh và thanh khoản tốt hơn thì cần có giải pháp thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin hơn, nhất là các doanh nghiệp chưa đại chúng.

Trong tháng 11/2019, nhà đầu tư nước ngoài mua 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 12 tháng của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam và 456,7 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 4 năm của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai. Tổng lượng mua sơ cấp của khối ngoại trong 11 tháng đầu năm 2019 là gần 14.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 7% tổng khối lượng phát hành.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ